Câu chuyện lạm phát
Trừ khi giá xăng và lạm phát tại Mỹ giảm mạnh trong những tuần tới, rất có thể đảng Dân chủ sẽ mất quyền kiểm soát Hạ viện (chiếm đa số ghế) vào tay đảng Cộng hòa, dẫn đến một Quốc hội bị chia rẽ và đưa bế tắc trở lại Washington D.C.
Điều này sẽ có ý nghĩa sâu sắc đối với cả chính sách tài khóa và tiền tệ của Hoa Kỳ trong những năm tới và tác động trực tiếp đến USD, cổ phiếu & trái phiếu Mỹ, giá vàng, dầu và tiền điện tử. Và tất cả sẽ qua trung gian là Fed.
Nhìn lại quá khứ
Năm 2010, sau khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và đảng Dân chủ chiếm đa số trên Thượng viện và Hạ viện thông qua Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (còn gọi là Obamacare) trong Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu, đã có một làn sóng phản ứng dữ dội từ các cử tri khắp cả nước. Để cứu hệ thống ngân hàng, thị trường nhà ở và ngành công nghiệp ô tô, một số gói chi tiêu của chính phủ liên bang đã được đưa ra để kích thích nền kinh tế.
Nhưng những phản ứng với ông Obama vẫn rất gay gắt khi hầu hết các hộ gia đình Mỹ tiếp tục gặp khó khăn về tài chính và thị trường lao động yếu kém. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ ở mức gần hai con số do thị trường nhà đất hỗn loạn. Đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2010. Washington D.C. rơi vào bế tắc chính trị, Quốc hội từ chối thúc đẩy chi tiêu chính phủ nhiều hơn.
Bế tắc chính trị trở thành chủ đề chính của những năm sau đó. Các đảng viên Cộng hòa, nhờ thành công trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2010, đã yêu cầu thắt chặt ngân sách. Tranh cãi tiếp tục nổ ra, khiến ngân sách bị thu hồi và Mỹ mất xếp hạng tín nhiệm AAA từ S&P vào tháng 8/2011. Đến năm 2014, trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Mỹ Obama, đảng Dân chủ tiếp tục mất quyền kiểm soát Thượng viện.
Trong khi chính phủ liên bang gần như tê liệt hoàn toàn do Quốc hội chia rẽ, và sau đó là với một vị tổng thống Dân chủ và cả Quốc hội cộng hòa, chỉ có một bên có thể hỗ trợ nền kinh tế Mỹ: Fed.
Chính sách của Fed trong thời gian bế tắc chính trị
Từ năm 2011 đến năm 2016, việc chính phủ liên bang tê liệt không thể thông qua bất kỳ hỗ trợ kinh tế nào đưa Cục Dự trữ Liên bang đến 2 lựa chọn: tăng lãi suất và dập tắt chút phục hồi sau Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu, buộc Quốc hội phải chấn chỉnh; hoặc giữ lãi suất gần 0 và hy vọng rằng nền kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi. Cục Dự trữ Liên bang đã chọn phương án thứ hai.
Giai đoạn 2011-2016 không phải là thời kỳ bế tắc duy nhất tại Washington D.C. trong những năm gần đây. Một giai đoạn tương tự là năm 2019-2020, trong nhiệm kỳ duy nhất của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chi tiêu chính phủ hạn chế cho đến khi đại dịch bùng nổ đồng nghĩa với việc Fed phải ngừng chu kỳ tăng lãi suất, nới lỏng chính sách để hỗ trợ giá tài sản. Ngay cả khi Quốc hội thông qua các gói kích thích Covid, Cục Dự trữ Liên bang đã giảm lãi suất xuống 0.00-0.25% một lần nữa, đồng thời khởi động lại việc mua trái phiếu.
Nên chờ đợi gì với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ?
Nếu cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 của Hoa Kỳ đưa bế tắc trở lại với Washington D.C. - đảng Cộng hòa chỉ kiểm soát Hạ viện hoặc cả Quốc hội Cộng hòa với một tổng thống Dân chủ - Cục Dự trữ Liên bang có thể sẽ lại trở thành hỗ trợ duy nhất.
Nếu lạm phát Mỹ giảm xuống trong vài tháng tới, Fed có thể không cần mạnh tay tăng lãi suất nữa, hạn chế rủi ro suy thoái, một điều được nhắc tới rất nhiều gần đây khi kinh tế Mỹ đã thu hẹp trong hai quý liên tiếp.
Nếu Fed thực sự xoay trục và tiến tới cắt giảm lãi suất, và thậm chí cực đoan hơn, khởi động lại chương trình mua tài sản để thúc đẩy giới đầu tư thay đổi khẩu vị rủi ro (giảm lợi suất tài sản phòng hộ, buộc dòng tiền đổ vào tài sản rủi ro), ảnh hưởng sẽ tương tự như những gì xảy ra trong giai đoạn 2011-2016 và 2019-2020: USD suy yếu, lợi suất giảm, vàng tăng, dầu bứt phá, sóng crypto trở lại và chứng khoán hồi phục.