Cướp biển giờ đây cũng có sàn chứng khoán riêng!
Đức Nguyễn
FX Strategist
Dù có nhiều biện pháp hạn chế hoạt động cướp biển, các quốc gia phương Tây cũng không thể ngăn cản hoạt động tài chính hải tặc.
Trong quý đầu năm 2011, có 142 vụ hải tặc tấn công, tăng 67 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài khơi Somalia có 97 vụ, tăng 35 vụ so với năm trước. Dù phương Tây có nhiều nỗ lực trong việc tuần tra vùng Sừng Châu Phi, hoạt động tài chính của hải tặc vẫn còn khá lộng hành.
“Sàn chứng khoán hải tặc” đầu tiên trên thế giới được thành lập vào năm 2009 tại Harardheere, cách thủ đô Mogadishu của Somalia khoảng 400km. Sàn giao dịch 24/7, và cho phép các “nhà đầu tư” kiếm lời từ tiền chuộc trên biển. Những khoản chuộc này có thể lên tới 10 triệu USD cho một vụ tấn công thành công lên tàu hàng của phương Tây.
Mặc dù không có nguồn dữ liệu đáng tin cậy, một số báo cáo cho rằng có khoảng 70 “công ty” được niêm yết trên sàn Harardheere. Khi một chiến dịch hải tặc thành công, một phần tiền sẽ được trả cho các nhà đầu tư. Theo một cựu hải tặc, “ai cũng có thể tham gia vào thị trường hải tặc, dù là lênh đênh trên biển hay cung cấp tiền, vũ khí và trang thiết bị cần thiết trên đất liền. Chúng tôi biến hải tặc thành một hoạt động cộng đồng.”
Ông bầu sàn Harardheere là một hải tặc tên Mohammed Hassan Abdi, thường được biết tới với bí danh “Afweyne”. Được mệnh danh là “cha đỡ đầu của hải tặc”, Abdi và con trai Abdiqaadir là những người đứng đầu sàn này, và theo Liên Hiệp Quốc, là một trong những hải tặc có tiếng nhất vùng. Đội tàu của Abdi đã cướp rất nhiều tàu, bao gồm cả Hansa Stavanger của Đức, mà lực lượng đặc biệt nước này đã giải phóng thất bại vào năm 2009. Sau bốn tháng đàm phán, các hải tặc đã đồng ý trao trả lại con tàu ngoài khơi Kenya.
Hải tặc đã biến Harardheere từ một làng chài nhỏ thành một thị trấn đầy xe sang. Theo sĩ quan an ninh địa phương Mohamed Adam, “việc kinh doanh liên quan đến hải tặc đã trở thành đầu tàu kinh tế của khu vực, và những người bản địa chúng tôi phải dựa vào họ.” Ông Adam cũng cho rằng chính quyền địa phương nhận một phần tiền từ các vụ cướp và dùng chúng để xây trường học, bệnh viện và các hạ tầng công cộng khác.
Loại bỏ mối quan hệ tài chính này rất quan trọng để giải quyết vấn đề hải tặc. Mỹ có thể bắt đầu bằng việc trừng phạt các bên có liên quan. Giống như việc lên danh sách đen với khủng bố, buôn ma túy, hay rửa tiền, các chính phủ cũng nên lập danh sách cướp biển. Điều này sẽ tăng nhận thức toàn cầu với hải tặc và cho các ngân hàng thêm phương pháp để xử lý các bên phạm pháp. Cũng như các loại tội phạm khác, hải tặc cũng sẽ phải dùng đến các ngân hàng để lưu trữ tiền.
Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, như Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính (FATF), một tổ chức liên chính phủ chống lại tài chính khủng bố và rửa tiền, cũng có vai trò nhất định. Trước hết, Liên Hiệp Quốc nên mở rộng hoạt động của ủy ban giám sát Somalia và Eritrea, được thành lập để áp đặt lệnh cấm di chuyển, đóng băng tài sản và cấm vận vũ khí tại Somalia và Eritrea. Mở rộng hoạt động của ủy ban này có thể củng cố khả năng tình báo chống hải tặc và theo dõi tình hình tài chính của một số hải tặc đáng chú ý.
Về phần mình, FATF có thể nghiêm túc hơn với hải tăng trong vấn đề rửa tiền và cách khủng bố luân chuyển vốn. Điều này sẽ khiến nhiều tổ chức quốc tế, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan hành pháp và ngân hàng đối phó nghiêm túc với mối nguy này.
Có bốn ngân hàng tại Somalia: Ngân hàng Trung ương, Ngân hàng Thương mại và Tiết kiệm, Ngân hàng Phát triển Somalia (ba ngân hàng này thuộc quyền sở hữu của chính phủ) và ngân hàng đa dịch vụ Somalia. Các định chế tài chính quốc tế có cung cấp dịch vụ cho bốn ngân hàng này nên thực hiện thẩm định chuyên sâu với mọi giao dịch để chắc chắn rằng không có giao dịch nào liên quan đến hải tặc hay sàn Harardheere, Tại Washington, bộ Tài chính có thể áp đặt tiêu chuẩn này cho các định chế tài chính của Mỹ.
Hải tặc khiến chi phí thương mại quốc tế tăng lên 12 tỷ USD mỗi năm, và chỉ riêng tại Somalia, có hơn 20 tàu và 400 con tin đang bị bắt giữ. Mỹ và các quốc gia khác có trọng trách sử dụng sức mạnh tài chính của mình lên các mối đe dọa này.
Wall Street Journal