Cựu nhân viên Phố Wall: Kiếm nửa triệu USD có nghĩa lý gì khi phải làm việc 20 giờ/ngày?
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Tại Phố Wall, trong khi các nhân viên đối mặt với hai lựa chọn: bỏ việc hoặc kiệt sức vì quá tải, các công ty cố gắng xoay chuyển tình thế bằng cách tăng lương, trả thưởng hậu hĩnh cùng nhiều đãi ngộ đặc biệt khác..
Các phòng nghỉ tại khách sạn 5 sao Fairmont Royal Pavilion, nằm bên bãi biển tuyệt đẹp của quốc gia Barbados vùng Caribbean, có giá lên tới 1.000 USD/đêm. Tại đây, du khách có thể du ngoạn bằng du thuyền vào buổi sáng và trở về bờ lúc hoàng hôn để tận hưởng bữa trà chiều kiểu hoàng gia.
Một kỳ nghỉ miễn phí tại khách sạn 5 sao này là phần thưởng cho một số nhân viên của hãng tài chính Houlihan Lokey Inc. sau một năm công ty đạt lợi nhuận kỷ lục. Phần thưởng này cũng thay lời công ty muốn nói với nhân viên cấp thấp: "Xin đừng bỏ cuộc".
LÀM VIỆC 100 GIỜ/TUẦN, NGỦ 5 GIỜ MỖI ĐÊM
Theo Bloomberg, những thông điệp tương tự thế này xuất hiện khắp Phố Wall, nơi tỷ lệ nghỉ việc và kiệt sức của các nhân viên cấp thấp ngày càng tăng lên. Các ngân hàng cố gắng xoay chuyển tình thế bằng cách tăng lương, thưởng, tặng kỳ nghỉ hay thậm chí máy tập thể dục Peloton. Tất cả những điều này cho thấy những nhân viên trẻ trong ngành tài chính ở Mỹ chưa bao giờ được hưởng đãi ngộ tốt đến vậy.
"Có một thời điểm tôi không ăn, không tắm hay làm gì khác ngoài công việc từ sáng cho tới tận nửa đêm " MỘT NHÀ PHÂN TÍCH ĐẦU TƯ CỦA GOLDMAN SÁCH
"Đây là thời điểm tốt nhất để các nhân viên ngân hàng cấp thấp tại Mỹ đạt mức thu nhập cao nhưng cũng là thời điểm tồi tệ để họ tận hưởng cuộc sống”, chuyên gia tuyển dụng Dan Miller của True Search nhận xét.
Một cuộc khảo sát phi chính thức của 13 nhà phân tích làm việc năm đầu tiên tại Goldman Sachs hồi tháng 3 cho thấy điều kiện làm việc khắc nghiệt của nhân viên Phố Wall. Trong đó, trung bình họ làm việc gần 100 giờ một tuần và chỉ ngủ 5 tiếng mỗi đêm. Tất cả đều cho biết công việc ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ gia đình và bạn bè của họ.
“Có một thời điểm tôi không ăn, không tắm hay làm gì khác ngoài công việc từ sáng cho tới tận nửa đêm", một nhà phân tích đầu tư giấu tên của Goldman Sachs cho biết.
Trên thang điểm từ 1 đến 10, trung bình những người tham gia khảo sát đánh giá sức khỏe tinh thần và thể chất của họ ở mức lần lượt là 2,8 và 2,1, so với mức 8,8 và 9 trước hi bắt đầu làm việc tại Goldman Sachs. 77% người được hỏi nói rằng họ có cảm giác mình bị lạm dụng trong công việc và 75% cho biết đã cân nhắc tới việc đi tư vấn sức khỏe tâm thần vì căng thẳng liên quan đến công việc.
"Không ổn chút nào khi phải làm việc 110-120 giờ trong suốt một tuần! Phép toán rất đơn giản, đó là chỉ còn 4 giờ mỗi ngày cho việc ăn, ngủ, tắm và những việc khác. Điều này vượt quá mức 'làm việc chăm chỉ', đây là hành vi lạm dụng vô nhân đạo", một nhà phân tích của Goldman Sachs tham gia khảo sát cho biết.
Phản ứng trước kết quả này, Goldman Sachs nới lỏng thời gian làm việc vào cuối tuần và cam kết tăng số lượng nhân viên trong những bộ phận có cường độ làm việc lớn nhất của mình. Theo dữ liệu từ Wall Street Oasis, Goldman Sachs hiện trả cho các nhân viên phân tích đầu tư trong năm đầu tiên trung bình 123.500 USD/năm, bao gồm lương cơ bản và tiền thưởng.
Tuy nhiên, khối lượng công việc ngập đầu vẫn còn đó. Khi Covid-19 ập đến vào năm ngoái, phương châm “làm hết sức, chơi hết mình” đã trở thành “làm hết sức, chỉ ngồi ở nhà” trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng và số lượng giao dịch đầu tư gia tăng.
KIỆT QUỆ CẢ THỂ CHẤT VÀ TINH THẦN, PHẦN THƯỞNG LÀ TIỀN?
Thất vọng và kiệt quệ vì làm việc quá sức, nhiều nhân viên Phố Wall đã tìm đến một cựu nhân viên ngân hàng ẩn danh với tài khoản nổi tiếng có tên “Litquidity” trên mạng để được tư vấn.
Trong một cuộc phỏng vấn, tài khoản Litquidity cho biết mình nhận được vô số tin nhắn từ các đồng nghiệp trẻ trong ngành trên Twitter và Instagram, trong đó nhiều người chia sẻ rằng họ đã “chán ngấy” công việc và đang cân nhắc xem công việc có xứng đáng với công sức họ bỏ ra hay không.
Từng là nhân viên cấp cao tại một ngân hàng đầu tư, Litquidity biết quá rõ những gì mà họ đang trải qua. Ông cho biết mình cũng từng kiệt quệ và căng thẳng tột độ, từng có thời điểm phải gặp bác sĩ để khám do tim đập quá nhanh. Bác sĩ kết luận rằng triệu chứng này có thể do căng thẳng gây ra. Vừa qua, Litquidity đã nghỉ việc để tập trung vào phát triển thương hiệu Litquidity và hiện đang viết bảng tin hàng ngày. Litquidity cũng cho biết đang dự định mở một quỹ đầu tư mạo hiểm.
Tất nhiên, so với các ngành khác, lĩnh vực tài chính và một số dịch vụ chuyên nghiệp khác có mặt bằng lương cao hơn đáng kể. Tháng trước, hàng chục hãng luật hàng đầu tại Mỹ đã tăng mức lương cho nhân viên trong năm đầu tiên lên 202.500 USD, dao động thêm vài nghìn USD với một số điều kiện nhất định. Các công ty này cũng đưa ra nhiều khoản thưởng hàng năm cùng các kỳ nghỉ phép để giữ chân nhân tài cũng như những nhân viên đang phải làm việc kiệt sức.
Mức lương 6 con số mới dành cho các nhà phân tích năm đầu tiên tại Citigroup, JPMorgan Chase và nhiều công ty tài chính khác cao gần gấp đôi so với mức lương trung bình toàn quốc tại Mỹ. Trong khi đó, công ty quản lý quỹ lớn nhất thế giới BlackRock tăng lương 8% để giữ chân nhân viên.
"Thật khắc nghiệt khi chỉ ngủ 4 tiếng mỗi đêm. Nhưng đây là bản chất công việc ở các vị trí cấp thấp tại các ngân hàng và tôi cho rằng nó sẽ không thay đổi" NHÀ BÁO KATE KELLY, NEW YORK TIMES
Một số chủ ngân hàng cũng cam kết giảm áp lực cho nhân viên. Sau khảo sát của nhóm nhà phân tích cấp thấp hồi đầu năm, CEO của Goldman Sachs, David Solomon, cam kết thực thi tốt hơn quy tắc nghỉ ngày thứ Bảy cho nhân viên.
Litquidity cho biết chính sách nghỉ ngày thứ Bảy của Goldman Sachs đã có từ năm 2013. “Phải có cách để thực thi điều này. Kiếm nửa triệu USD có nghĩa lý gì khi bạn phải kàm việc 20 giờ/ngày?”, nhân vật này nói.
Một số tổ chức tại Phố Wall cho rằng nhiều nhân viên trẻ gắng sức làm việc, gánh vác khối lượng công việc khổng lồ để đổi lấy cơ hội kiếm hàng triệu USD khi lên cấp quản lý.
Tuy nhiên, hầu hết người tham gia khảo sát nói trên của Goldman Sachs cho rằng tiền lương cao không bù đắp được những căng thẳng mà họ phải chịu đựng. Trên thang điểm từ 1 đến 10, những người được hỏi cho biết khả năng họ tiếp tục làm tại Goldman Sachs trong vòng 6 tháng tới mức 3,5 nếu điều kiện làm việc không thay đổi.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, văn hóa làm việc áp lực đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ ở Phố Wall và không dễ gì thay đổi.
"Thật khắc nghiệt khi chỉ ngủ 4 tiếng mỗi đêm. Nhưng đây là bản chất công việc ở các vị trí cấp thấp tại các ngân hàng và tôi cho rằng nó sẽ không thay đổi", Kate Kelly, nhà báo chuyên về Phố Wall của tờ New York Times, nhận xét khi nói về những nhân viên Goldman Sachs làm việc hơn 100 giờ mỗi tuần.
Link gốc tại đây.
VnEconomy