Cựu quan chức PBoC: Tăng trưởng kinh tế 2024 có thể vượt trội 2023
Đoàn Phương Thảo
Junior Analyst
Kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng vượt trội trong năm 2024, dù còn nhiều câu hỏi về niềm tin nhà đầu tư, theo một cựu cố vấn ngân hàng trung ương.
Theo Giáo sư Hoàng Nhất Bình, cựu thành viên Ủy ban Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, "xu hướng tiềm năng tăng trưởng tại thời điểm này có lẽ là khoảng 5 hoặc 5.5%. Nếu mọi việc thuận lợi trong năm tới, tôi nghĩ tăng trưởng sẽ tiếp tục với tốc độ hiện tại và có thể tăng lên một chút”.
Ông nói thêm rằng việc đạt được mục tiêu chính thức là tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay sẽ không phải là “vấn đề to lớn”.
Các nhà đầu tư đang tìm kiếm bằng chứng cho thấy các biện pháp kích thích gần đây của chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vốn đang phải đối mặt với những thách thức từ niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp yếu kém cũng như cuộc khủng hoảng bất động sản đang diễn ra. Chính phủ tháng trước đã công bố nhiều biện pháp hỗ trợ hơn, bao gồm phát hành thêm nợ chính phủ và tăng tỷ lệ thâm hụt tài khóa – một động thái hiếm thấy.
Có những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế vẫn còn rất mong manh: Số liệu PMI tháng 10 cho thấy hoạt động sản xuất vẫn ảm đạm, còn hoạt động dịch vụ đang suy yếu. Dù vậy, số liệu quý III vẫn cao hơn ước tính và đảm bảo mức tăng trưởng khoảng 5% cho năm 2023, tức nền kinh tế có thể sẽ đạt được mục tiêu Bắc Kinh đã công bố vào tháng 3.
Các nhà kinh tế chính phủ dự báo Trung Quốc có thể đạt được tốc độ tăng trưởng tiềm năng tối đa từ 5% đến 5.5% trong khoảng thời gian từ 2021 đến 2025 mà không khiến nền kinh tế tăng trưởng nóng.
Tăng trưởng chậm hơn trong thời gian phong tỏa diễn ra vào năm 2022 và rủi ro từ lĩnh vực bất động sản đã khiến các nhà phân tích khác trở nên thận trọng hơn. Ngân hàng ANZ dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại xuống 4% trong vài năm tới do các vấn đề mang tính cấu trúc.
Giáo sư Bình, hiện là chủ nhiệm môn tài chính và kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, cho biết: “Nền kinh tế đang trên đà phát triển nhưng đó là một quá trình diễn ra từ từ nên chúng ta không nên ngạc nhiên khi một số con số không thể hiện sức mạnh đáng kể. Một câu hỏi lớn vẫn chưa được trả lời và cần được xem xét là vấn đề niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nhân. Vì vậy, có lẽ chúng ta cần phải kiên nhẫn hơn một chút.”
Đất nước tỷ dân đang phải đối mặt với những thách thức khác về tăng trưởng. Tại Hội nghị Công tác Tài chính Trung ương diễn ra 5 năm một lần trong tuần này, Trung Quốc tuyên bố sẽ xóa sạch các rủi ro nợ gắn liền với chính quyền địa phương bằng “cơ chế dài hạn” và báo hiệu sẵn sàng mở rộng khoản vay của chính phủ trung ương. Bắc Kinh đang vật lộn với những rủi ro ngày càng gia tăng đối với lĩnh vực tài chính trị giá 61 nghìn tỷ USD của đất nước, vốn bị ảnh hưởng bởi sự thất bại của các nhà phát triển bất động sản và chính quyền địa phương gặp khó khăn.
“Thách thức chính mà chúng tôi đang phải đối mặt là chính quyền địa phương có nhiều khoản mục chi tiêu nhưng họ không có đủ nguồn thu”, ông Bình trả lời câu hỏi về cơ chế nào có thể được sử dụng để giải quyết rủi ro.
Ông nói: “Chúng ta cần phân chia nguồn thu hợp lý và có lẽ nên xem xét phân cấp một số nguồn thu cho chính quyền địa phương” và đề xuất đánh thuế bất động sản và nền kinh tế kỹ thuật số để cung cấp nguồn thu nhập mới.
Tuy nhiên, giáo sư nhấn mạnh tầm quan trọng về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc vay mượn.
“Nếu tình hình tài chính của bạn không mạnh, bạn phải trả giá cao hơn. Loại cơ chế đó từng không tồn tại,” ông nói. “Đây là điều chúng ta cần phải nỗ lực trong tương lai.”
Bloomberg