Đà lao dốc trong 6 ngày liên tiếp của đồng Yên làm nổi bật nguy cơ Nhật Bản can thiệp tiền tệ
Trần Phương Thảo
Junior Analyst
Đồng yên có chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 3, làm tăng nguy cơ các quan chức Nhật Bản sẽ một lần nữa vào cuộc để hỗ trợ đồng nội tệ
USDJPY tăng lên 158.90, hướng tới mức được theo dõi chặt chẽ ở 160.00. Cặp tiền có phiên tăng thứ 6 liên tiếp, đà tăng ấn tượng nhất trong 3 tháng. Nhà ngoại giao tiền tệ hàng đầu của Nhật Bản Masato Kanda đã tuyên bố rằng chính phủ sẽ có hành động thích hợp khi cần thiết.
Sự suy yếu của đồng Yên xuất hiện trong bối cảnh có chênh lệch lãi suất lớn giữa Nhật Bản và các quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ. Bên cạnh đó, việc các nhà hoạch định chính sách của BoJ từ chối đưa ra thông tin chi tiết về việc giảm lượng mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản tại cuộc họp tháng 6 cũng gây áp lực lên JPY. Thị trường đang tự hỏi khi nào Nhật Bản sẽ bình thường hóa chính sách.
Các chiến lược gia của Barclays do Shinichiro Kadota dẫn đầu đã viết trong một ghi chú hôm thứ Năm: “Phe bán JPY có thể sẽ không dừng lại ngay cả khi chênh lệch lãi suất được thu hẹp bởi khoảng cách vẫn là quá lớn. USDJPY có thể giao dịch ở 160.00 vào cuối năm nay"
JPY có chuỗi ngày lao dốc dài nhất kể từ tháng 3
Hôm thứ Năm, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã bổ sung Nhật Bản vào danh sách theo dõi tiền tệ trong báo cáo gửi Quốc hội, nhưng không nêu tên Nhật Bản hay bất kỳ quốc gia nào khác là quốc gia thao túng tiền tệ. Bên cạnh việc đề cập đến các biện pháp can thiệp vào tháng 4 và tháng 5 của Nhật Bản, báo cáo tập trung vào thặng dư thương mại song phương và số dư tài khoản vãng lai lớn của nước này.
Đáp lại, Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Kanda cho biết Mỹ không có bất cứ vấn đề nào với chính sách ngoại hối của Nhật Bản khi sự can thiệp tiền tệ của nước này không nhằm mục đích thay đổi hướng biến động của tỷ giá hối đoái.
USDJPY hiện biến động dưới ngưỡng can thiệp
Ông cho biết việc USDJPY tăng đến 10 đơn vị trong 1 tháng vào tháng 2 được coi là sự biến động nhanh chóng, và là dấu hiệu cần thiết cho việc can thiệp . Cặp tiền biến động 5.35 đơn vị trong 28 ngày qua, cho thấy sự can thiệp có thể khó xảy ra cho đến khi USDJPY chạm ngưỡng 163.
Nhật Bản bị nghi ngờ đã can thiệp sau khi USDJPY đạt mức 160.17 vào ngày 29/4, mức đỉnh kể từ năm 1990.
“Tôi ngày càng tin rằng các quan chức đang từ bỏ đồng Yên” Helen Given, nhà giao dịch ngoại hối tại Monex, cho biết. “Sự chênh lệch lãi suất là quá lớn để vượt qua ngay bây giờ. Việc Fed có khả năng chỉ cắt giảm lãi suất một lần trong năm nay sẽ duy trì khoảng cách này."
Bloomberg