Đà tăng của USD đẩy các thị trường châu Á vào thế khó
Đức Nguyễn
FX Strategist
Đà tăng gần đây của USD đang đẩy các đồng tiền châu Á xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng, đồng thời khiến chính quyền Nhật Bản và Trung Quốc phải tăng cường bảo vệ nội tệ.
Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ nhất trong nhiều tuần trước sự suy yếu nhanh chóng của đồng Yên vào thứ Tư, với quan chức tiền tệ cấp cao của nước này cho biết họ sẵn sàng hành động trước động thái đầu cơ trên thị trường. Ngay sau đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã thiết lập tham chiếu CNY mạnh nhất từ trước đến giờ khi đồng tiền chạm đáy kể từ năm 2007.
Dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ đang thuyết phục thị trường rằng Fed sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, khiến USD tăng vọt và chỉ số các đồng tiền châu Á giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11. Điều đó đồng nghĩa với việc các nhà hoạch định chính sách trong khu vực, những người đã dành cả năm 2022 đốt hết dự trữ của mình để hỗ trợ nội tệ, đang quay trở lại chiến trường để đối đầu với các nhà đầu cơ giá xuống.
Theo Vijay Kannan, chiến lược gia vĩ mô tại Societe Generale, Singapore, “triển vọng lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn tại Mỹ đang gây áp lực trở lại và các nhà đầu tư sẽ thận trọng. Đặc biệt, các thị trường mới nổi Châu Á dễ bị tổn thương hơn trước sức mạnh của USD, do chênh lệch lãi suất thấp hơn nhiều và dễ bị ảnh hưởng trước triển vọng tăng trưởng yếu kém của Trung Quốc.”
Giá dầu tăng cao cũng làm dấy lên lo ngại về lạm phát cao hơn, cản trở kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương châu Á đã hoàn thành tăng lãi suất và làm tổn hại đến sức hấp dẫn của trái phiếu nội tệ. Trái phiếu ở Indonesia và Thái Lan đều chứng kiến dòng vốn nước ngoài bán ra trong tháng này.
Triển vọng kinh tế tồi tệ của Trung Quốc, do dữ liệu gây thất vọng trong nhiều tháng, cũng đang đè nặng lên tâm lý đối với các đồng tiền thị trường mới nổi.
JPY và CNY là hai trong những đồng tiền yếu nhất tại châu Á trong năm nay. Trong khi Nhật Bản đã ngừng sử dụng các công cụ mạnh tay để hỗ trợ nội tệ, Trung Quốc đã tìm cách củng cố đồng nhân dân tệ bằng cách yêu cầu các ngân hàng quốc doanh bán USD đồng thời thắt chặt thanh khoản ở nước ngoài để hạn chế đầu cơ.
Các biện pháp bảo vệ tiền tệ tương tự cũng tồn tại ở những nơi khác ở châu Á. Dự trữ ngoại hối của Đài Loan trong tháng 8 giảm lần đầu tiên sau gần một năm do cơ quan tiền tệ can thiệp vào thị trường. Và tại Thái Lan, ngân hàng trung ương đã cảnh báo rằng những biến động nhanh chóng của đồng Baht sẽ thúc đẩy sự can thiệp.
Tuy nhiên, vẫn còn sự hoài nghi liệu các biện pháp này có thể thay đổi cuộc chơi khi Fed vẫn diều hâu và sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc vẫn khó nói. Morgan Stanley chuyển sang bearish với các đồng tiền thị trường mới nổi trong tuần này, FX châu Á sẽ phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc.
Alvin T. Tan, trưởng bộ phận chiến lược FX thị trường mới nổi tại RBC Capital Markets Singapore, cho biết: “Ý nghĩa trước mắt của việc USD tăng vọt là nó sẽ ngăn cản hầu hết các ngân hàng trung ương châu Á nới lỏng chính sách tiền tệ vì lo ngại đồng tiền sẽ suy yếu trầm trọng hơn.”
Bloomberg