Đối thoại Mỹ-Trung: Truyền thông Trung Quốc nói Mỹ suy diễn lệch lạc về sự trỗi dậy kinh tế của Bắc Kinh
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Ăn miếng trả miếng ngay từ phút đầu, căng với nhau trong từng câu nói, bởi vậy trong 2 ngày ngắn ngủi với đầy rẫy những khúc mắc, các vấn đề về quan hệ kinh tế khó được ưu tiên trong cuộc đàm phán lần này.
Ngay từ đầu, bản chất cuộc đối thoại cấp cao giữa các quan chức Trung Quốc và Mỹ đang diễn ra tại Alaska đã trở thành chủ đề tranh cãi, khi Bắc Kinh coi đây là "đối thoại chiến lược", còn Washington luôn khẳng định đây “chỉ là một sự kiện đơn lẻ.”
Phần phát biểu mở đầu dự kiến chỉ kéo dài vài phút trở thành cuộc công kích ăn miếng trả miếng dài hơn một giờ. Hai bên nhiều khả năng bất đồng trong phần lớn nội dung trong khoảng thời gian hội đàm còn lại.
Bởi vậy, các vấn đề về xung đột thương mại có thể không được đưa vào trong cuộc đàm phán.
Trên thực tế, các tranh chấp thương mại kéo dài hơn hai năm qua có thể là chìa khóa mở ra một lĩnh vực hợp tác và một điểm đột phá để hai nước cải thiện mối quan hệ vốn đang căng thẳng, các nhà phân tích tin tưởng.
Việc tiến hành được một cuộc đối thoại cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc lần này đã cho thấy sự đồng thuận của hai bên về sự cần thiết phải sửa chữa các mối quan hệ đã rạn nứt. Cuộc đối thoại từng được đánh giá là một khởi đầu tốt để bắt đầu một giai đoạn tương tác mới giữa Bắc Kinh và Washington. Và nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ đây cũng sẽ là một tin tốt cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch.
Cuộc đối đầu giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump châm ngòi, bằng cách kiên quyết theo đuổi chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên, các biện pháp của Tổng thống Trump bị cho là đã gây thiệt hại lớn cho chính các doanh nghiệp Mỹ, nông dân, các lĩnh vực công nghệ cao và cả hệ thống tài chính của nước này.
Kể từ khi đương kim Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1, Washington nói chung đã thể hiện ý định đảo ngược chiến lược đơn phương, với các tín hiệu cụ thể như, tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tờ Global Times bình luận, sự tấn công ồ ạt của đại dịch Covid-19 mang đến những thách thức đáng kể cho chính quyền Mỹ mới, từ việc kiểm soát dịch bệnh cho đến việc khởi động lại nền kinh tế.
Nếu chính quyền Tổng thống Biden có thể đưa các chính sách của mình trở lại theo hướng hợp lý hơn, thì họ nên nhận ra rằng, giải quyết cuộc chiến thương mại của cựu Tổng thống Trump với Trung Quốc là điều Mỹ mong muốn nhất.
“Thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác với Trung Quốc sẽ tạo điều kiện đáng kể cho nền kinh tế Mỹ phục hồi sau cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra. Từ cơ sở hạ tầng và dây chuyền công nghiệp, đến công nghệ… hai quốc gia đều có thể chung tay, thúc đẩy các doanh nghiệp cùng hợp tác phát triển và tạo ra nhiều việc làm hơn.
Sự lo lắng lệch lạc về sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc đang cản trở sự phát triển của chính nước Mỹ. Ví dụ, bằng cách hạn chế xuất khẩu vi mạch sang Trung Quốc, Washington đã tước bỏ thị trường vi mạch lớn nhất của nhiều công ty Mỹ”, bài phân tích của Global Times viết.
Chỉ có hợp tác là sự lựa chọn đúng đắn cho hai nước, bao gồm cả công nghệ 5G mà các công ty Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ. Đối đầu sẽ chỉ dẫn đến cơ hội kinh doanh bị hủy hoại và ít việc làm hơn cho cả hai bên.
Trong khi đó, mặc dù các cuộc đàm phán là một khởi đầu tốt, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi thứ sẽ suôn sẻ sau cuộc họp, vì một số bất đồng vẫn còn trong các lĩnh vực khác.
Kể từ khi Tổng thống Biden nắm quyền Nhà Trắng, chính quyền của ông đã tranh cãi với Trung Quốc về các chủ đề bao gồm Hong Kong, Đài Loan và cả vấn đề ở Khu tự trị Tân Cương phía Tây Bắc Trung Quốc.
Bài báo kết luận: "Với tiềm năng nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh, một số chính trị gia ở Mỹ đã nảy sinh tâm lý thiên vị, lo sợ rằng, Mỹ có thể bị nền kinh tế lớn thứ hai vượt mặt. Tuy nhiên, Trung Quốc đã và đang tuân thủ một con đường phát triển hòa bình. Một Trung Quốc thịnh vượng sẽ tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho tất cả các đối tác của họ, bao gồm cả Mỹ. Và, hai gã khổng lồ có thể chung tay và theo đuổi những lợi ích lớn hơn cho cả hai, đồng thời sẽ mang lại lợi ích cho phần còn lại của thế giới.
Tóm lại, cả hai nước cần tôn trọng lẫn nhau và tiếp tục thúc đẩy hợp tác và tạo cơ hội cho người dân của họ. Trung Quốc sẵn sàng chung sống hòa bình với tất cả các nước láng giềng và đối tác cũng như tìm kiếm sự phát triển chung với Mỹ”.
link gốc tại đây
baoquocte.vn