Đơn đặt hàng hoá lõi của Mỹ tăng vượt kỳ vọng bất chấp làn sóng thắt chặt chi tiêu
Ngọc Lan
Junior Editor
Dữ liệu mới nhất cho thấy đơn đặt hàng cho các trang thiết bị sản xuất trọng điểm tại Hoa Kỳ đã ghi nhận mức tăng vượt kỳ vọng trong tháng 9, bất chấp việc các doanh nghiệp có phần thận trọng hơn trong chi tiêu đầu tư thiết bị trong quý III.
Hoạt động đầu tư kinh doanh nhiều khả năng vẫn được duy trì ổn định khi Fed nhiều khả năng sẽ tiếp tục hạ lãi suất từ nay đến hết năm 2025. Thêm vào đó, bầu không khí kinh doanh được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn sau khi cuộc bầu cử Tổng thống gay cấn ngày 5/11 khép lại, qua đó tạo thêm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
Fed Atlanta đã điều chỉnh nhẹ dự báo tăng trưởng GDP quý III xuống mức 3.3% (quy đổi theo năm), thay vì mức 3.4% như ước tính trước đó. Chính phủ dự kiến sẽ công bố số liệu tăng trưởng sơ bộ của quý III vào thứ Tư tới. Trước đó, nền kinh tế Mỹ đã đạt tốc độ tăng trưởng 3.0% trong quý II.
"Dù các chính sách tiền tệ thường cần thời gian để thực sự tác động đến nền kinh tế, nhưng rõ ràng xu hướng lãi suất hiện đang đi xuống. Cùng với việc cuộc bầu cử Tổng thống sắp kết thúc, các doanh nghiệp có thể sẽ sớm đón nhận một môi trường kinh doanh minh bạch và thuận lợi hơn cho các kế hoạch đầu tư dài hạn," theo nhận định của Shannon Grein - chuyên gia kinh tế tại Wells Fargo.
Theo thông báo mới nhất từ Cục Thống kê thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ, chỉ số đơn đặt hàng thiết bị vốn phi quốc phòng (không bao gồm lĩnh vực hàng không) - một thước đo quan trọng phản ánh xu hướng đầu tư của doanh nghiệp - đã tăng ấn tượng 0.5% trong tháng qua, vượt xa mức tăng 0.3% của tháng 8.
Kết quả này đã vượt ngoài dự báo của các chuyên gia kinh tế trong cuộc khảo sát của Reuters, khi họ dự đoán con số này chỉ tăng nhẹ 0.1%. Tuy nhiên, đáng chú ý là lượng hàng thiết bị trọng yếu được giao trong tháng đã suy giảm 0.3%, sau khi đã giảm nhẹ 0,1% trong tháng liền trước.
Mặc dù lãi suất cao đã tạo áp lực đáng kể lên hoạt động đầu tư của khu vực doanh nghiệp, song động thái nới lỏng các điều kiện tài chính - được thúc đẩy bởi kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất - đã góp phần kích thích chi tiêu cho thiết bị trong quý II.
Gần đây, Fed đã có động thái quan trọng khi cắt giảm lãi suất 50 bps, đưa mức lãi suất xuống biên độ 4.75% - 5.00%. Động thái này diễn ra sau chuỗi tăng lãi suất tích lũy lên tới 525 bps trong giai đoạn 2022-2023 nhằm đối phó với lạm phát. Giới phân tích dự báo Fed nhiều khả năng sẽ tiếp tục hạ lãi suất thêm 25 bps trong cuộc họp tháng tới.
Thị trường tài chính ghi nhận diễn biến tích cực khi các chỉ số chứng khoán trên Phố Wall đồng loạt tăng điểm. Đồng USD duy trì ổn định so với rổ tiền tệ chủ chốt, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ ghi nhận xu hướng giảm.
Tín hiệu tích cực từ tâm lý người tiêu dùng
Trong bối cảnh lãi suất đang có xu hướng hạ nhiệt, niềm tin tiêu dùng tại Hoa Kỳ đã ghi nhận những tín hiệu khởi sắc trong tháng này, bất chấp những lo ngại vẫn còn đó về cuộc bầu cử sắp diễn ra.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Đại học Michigan đã cải thiện lên mức 70.5 điểm trong báo cáo chính thức, vượt trội so với mức 68.9 điểm hồi đầu tháng và 70.1 điểm của tháng 9. Đáng chú ý, môi trường mua sắm các hàng hóa lâu bền đã cho thấy những dấu hiệu cải thiện.
Tâm lý người tiêu dùng Mỹ
Theo báo cáo từ Cục Thống kê cho thấy đơn đặt hàng thiết bị vốn phi quốc phòng giảm 4.5%, sau mức giảm 4.4% của tháng 8. Lượng hàng giao trong nhóm này cũng ghi nhận mức giảm 3.6%, sau khi đã giảm 2.0% trong tháng trước. Đáng lưu ý, các số liệu về lượng hàng giao này được sử dụng để tính toán thành phần chi tiêu thiết bị doanh nghiệp trong báo cáo GDP.
"Mặc dù vậy, đây vẫn được xem là một quý thuận lợi cho hoạt động đầu tư thiết bị nội địa. Chúng tôi điều chỉnh dự báo tăng trưởng xuống mức 8%, chỉ giảm nhẹ so với kỳ vọng 10% trước đó," Abiel Reinhart - chuyên gia phân tích cao cấp tại JPMorgan - nhận định.
Vị chuyên gia này bổ sung: "Triển vọng tích cực này được hỗ trợ bởi đà tăng trước đó trong mảng giao hàng máy bay, phương tiện vận tải, cùng với làn sóng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin."
Đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền - bao gồm đa dạng các sản phẩm từ thiết bị gia dụng đến máy bay với tuổi thọ từ 3 năm trở lên - đã giảm 0.8%, tương đương với mức giảm của tháng 8. Nguyên nhân chính đến từ việc đơn đặt hàng thiết bị vận tải giảm 3.1%, tiếp nối đà giảm 3.4% của tháng trước đó.
Đơn đặt hàng hoá lâu bền mới của Mỹ
Thị trường ô tô đã cho thấy dấu hiệu phục hồi khi đơn đặt hàng xe và linh kiện ghi nhận mức tăng 1.1%. Tuy nhiên, tình hình không mấy khả quan ở lĩnh vực hàng không khi đơn đặt hàng máy bay thương mại và phụ tùng sụt giảm mạnh 22.7%, sau cú trượt dốc 19.7% của tháng trước mặc dù Boeing công bố đã tiếp nhận 65 đơn hàng máy bay trong tháng, tăng đáng kể so với con số 22 đơn của tháng 8.
Đáng chú ý, mức tăng trong đơn đặt hàng máy bay thô (chưa điều chỉnh) của tháng trước dường như thấp hơn so với kỳ vọng của mô hình phân tích do chính phủ sử dụng để chuẩn hóa các biến động theo mùa. Điều này lý giải cho kết quả âm trong số liệu đơn hàng sau điều chỉnh.
Viễn cảnh ngành hàng không càng trở nên u ám khi Boeing đang phải vật lộn với chuỗi khó khăn chồng chất. Cuộc đình công kéo dài 6 tuần của công nhân tại các nhà máy ở Bờ Tây đã buộc tập đoàn này phải tạm dừng sản xuất cả dòng máy bay bán chạy 737 MAX lẫn hai mẫu thân rộng 767 và 777. Tình hình càng trở nên căng thẳng khi người lao động tiếp tục bác bỏ đề xuất hợp đồng mới, trong khi báo cáo tài chính quý của Boeing cũng cho thấy khoản lỗ tăng vọt.
Nhìn ở khía cạnh tích cực, khi loại trừ yếu tố vận tải, tổng đơn đặt hàng đã tăng 0.4%, tiếp nối đà tăng 0.6% của tháng 8. Đặc biệt, mảng kim loại cơ bản và sản phẩm kim loại chế tạo đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.
Ngược lại, đơn đặt hàng máy móc suy giảm 0.2%, trong khi mảng máy tính và sản phẩm điện tử giảm 0.3%. Đơn đặt hàng thiết bị điện, đồ gia dụng và linh kiện duy trì ở mức ổn định.
"Theo quan sát từ lịch sử, các giai đoạn suy thoái kinh tế thường được thể hiện bởi sự sụt giảm mạnh hai con số ở cả đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền và tư liệu sản xuất. Tuy nhiên, kịch bản này không diễn ra trong thời điểm hiện tại, điều này có thể được xem như một tín hiệu tích cực cho toàn bộ nền kinh tế," Conrad DeQuadros - Cố vấn kinh tế cao cấp tại Brean Capital - nhận định.
Reuters