Dữ liệu tiền lương Eurozone gửi lời cảnh báo về lạm phát dai dẳng tới ECB
Trần Phương Thảo
Junior Analyst
Một thước đo quan trọng về tiền lương ở Eurozone đã không chậm lại vào đầu năm 2024 – một dấu hiệu cảnh báo đối với các quan chức ECB đang trông chờ vào việc tăng trưởng lương giảm để duy trì tiến trình giảm phát
ECB cho biết hôm thứ Năm rằng mức lương thương lượng đã tăng 4.7% so với cùng kỳ năm trước trong quý đầu tiên. Con số này tăng từ 4.5% trong ba tháng cuối năm 2023 và ngang bằng với kỷ lục được thiết lập vào quý 3 năm ngoái. Hầu hết các nhà kinh tế đã dự đoán chỉ số sẽ giảm hoặc ổn định.
Các dấu hiệu về lạm phát dai dẳng đã xuất hiện vào thứ Tư khi Bundesbank cho biết lương ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tăng 6.2% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3, được thúc đẩy bởi các khoản thanh toán một lần miễn thuế để bù đắp cho người lao động vì chi phí sinh hoạt tăng cao.
Tăng trưởng tiền lương Eurozone tăng trở lại trong quý đầu tiên
Dữ liệu này được công bố chỉ hai tuần trước khi ECB dự kiến sẽ bắt đầu hạ lãi suất lần đầu tiên vào tháng 6 sau một loạt các đợt tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát tăng vọt. Trong khi lạm phát đã chậm lại đáng kể, các nhà hoạch định chính sách cho rằng việc quay trở lại mục tiêu 2% phụ thuộc vào mối tương tác giữa tiền lương, lợi nhuận doanh nghiệp và năng suất.
Khi những cú sốc về nguồn cung trong những năm gần đây giảm bớt, phần lớn mối lo ngại còn lại tập trung vào lạm phát của lĩnh vực dịch vụ với nguyên nhân chủ yếu là do chi phí lao động. Trong một bài đăng trên blog, các nhà kinh tế của ECB cho biết xu hướng chung của việc trả lương ở mức vừa phải, trích dẫn công cụ mới được tạo ra của ngân hàng trung ương để theo dõi tăng trưởng lương.
ECB cho biết: “Tăng trưởng tiền lương được dự kiến sẽ vẫn ở mức cao vào năm 2024, điều này phù hợp với dự báo của nhân viên Eurosystem và phản ánh quá trình điều chỉnh tiền lương trong nhiều năm. Tuy nhiên, áp lực tiền lương thực tế có vẻ sẽ giảm tốc vào năm 2024. Dữ liệu theo dõi tiền lương của ECB trong vài tháng đầu năm, khi hầu hết các thỏa thuận diễn ra, cho thấy áp lực lương được đàm phán đang giảm bớt.”
Quan điểm đó được lặp lại bởi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau, người đã lưu ý đến điểm dữ liệu ngoại lệ của Đức trong quý đầu tiên do các khoản thanh toán một lần, trong khi tiền lương giảm tốc đáng kể ở các quốc gia khác.
“Chúng ta không nên diễn giải quá mức dữ liệu quý 1” ông phát biểu tại một hội nghị ở Paris. “Cần luôn tin tưởng vào quá trình giảm phát.”
Nhà kinh tế David Powell cho biết: “Tăng trưởng tiền lương ở Eurozone tăng nhẹ trong ba tháng đầu năm. Điều đó khó có thể ngăn cản việc giảm lãi suất đầu tiên của ECB vào tháng 6 nhưng sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách lo lắng về việc cam kết cắt giảm trong tương lai”.
Các nhà đầu tư hạ đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất sau khi theo dõi dữ liệu mạnh hơn dự đoán về hoạt động của khu vực tư nhân ở Eurozone, được công bố vào thứ Năm trước đó. Thị trường hiện định giá ECB sẽ cắt giảm lãi suất 62 bps trong năm nay. ECB được cho là sẽ thực hiện ba động thái cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Một thách thức đối với các quan chức đánh giá xu hướng tăng trưởng lương là mức lương được ấn định theo những cách khác nhau trong 20 quốc gia. Trong khi con số hiện tại của Đức tăng lên nhờ việc thực hiện các thỏa thuận đạt được trong quá khứ, thì tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu chậm lại ở một số nền kinh tế lớn khác trong khu vực.
Một số quan chức có vẻ tự tin rằng, về tổng thể, dữ liệu đang đi đúng hướng. Ngay cả Chủ tịch Bundesbank Joachim Nagel cũng cho biết ông kỳ vọng mức tăng lương sẽ “vừa phải khi lạm phát tiếp tục giảm”.
Nhiều dữ liệu về lương của người lao động sẽ được tiết lộ một ngày sau quyết định chính sách của tháng tới khi Eurostat công bố mức lương cho mỗi nhân viên - một số liệu mà Nhà kinh tế trưởng Philip Lane của ECB đã gọi là chỉ số toàn diện nhất về áp lực tiền lương. Vào tháng 3, ngân hàng trung ương dự báo rằng mức tăng trưởng lương/ người lao động sẽ đạt trung bình 4.5% trong năm nay và chậm lại còn 3% vào năm 2026. Đó là mức mà các nhà hoạch định chính sách cho là phù hợp với mục tiêu lạm phát.
Chủ tịch ECB Lagarde kỳ vọng có thể cắt giảm lãi suất trong tháng 6 với lạm phát trong tầm kiểm soát.
Tăng trưởng lương ở Eurozone khiến ECB luôn ở thế đắn đo khi cân nhắc việc cắt giảm lãi suất
Mặc dù vậy, sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế vững chắc hơn và tăng lương mạnh hơn có nghĩa là khả năng ECB có thể cắt giảm lãi suất sau tháng 6 bị hạn chế, theo người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu của ING, Carsten Brzeski.
Ông nói: “Có nguy cơ lạm phát ngày càng tăng và duy trì ở mức 2%-3%, thay vì ổn định ở mức khoảng 2%."
Bloomberg