ECB không vội giải cứu trái phiếu chính phủ Pháp
Trần Phương Thảo
Junior Analyst
Các nhà hoạch định chính sách của ECB hiện không có kế hoạch thảo luận về việc mua trái phiếu chính phủ Pháp và vẫn cho rằng các chính trị gia Pháp phải trấn an các nhà đầu tư đang lo sợ trước viễn cảnh về một chính phủ cực hữu
Thị trường trái phiếu Pháp đã phải hứng chịu một đợt bán tháo tàn khốc vào cuối tuần trước khi các nhà đầu tư lo sợ trước cuộc bầu cử sớm khi phe cực hữu đang thắng thế. Điều này khiến một số nhà phân tích suy đoán về sự can thiệp của ECB.
Nhưng 5 nhà hoạch định chính sách của ECB, phát biểu với điều kiện giấu tên vì tính nhạy cảm của tình hình, cho biết ECB chưa thảo luận về việc kích hoạt kế hoạch mua trái phiếu khẩn cấp để hỗ trợ trái phiếu chính phủ Pháp.
Các nguồn tin bày tỏ mức độ lo ngại khác nhau về đà bán tháo trái phiếu chính phủ Pháp, chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Pháp và Đức tăng mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng nợ Eurozone năm 2011.
Nhưng nhìn chung các nhà hoạch định chính sách đều đồng ý rằng các chính trị gia Pháp phải thuyết phục các nhà đầu tư rằng sẽ thực hiện một chính sách kinh tế hợp lý. Hai nguồn tin thậm chí còn cho rằng ECB không nên can thiệp trước khi chính phủ mới của Pháp được thành lập và các kế hoạch tài chính được công bố.
Người phát ngôn của ECB từ chối bình luận.
Công cụ bảo vệ dịch chuyển chính sách (TPI) của ECB cho phép mua số lượng trái phiếu không giới hạn từ một quốc gia đang chịu áp lực thị trường, miễn là tuân thủ các quy tắc tài chính của Liên minh Châu Âu.
Tuy nhiên, một số quan chức ECB vẫn tỏ ra lo lắng trước tình trạng bất ổn tài chính đang diễn ra ở Pháp, quốc gia cho đến gần đây vẫn được coi là trụ cột thứ hai của Eurozone sau Đức nhưng hiện đang gặp phải những khó khăn tài chính riêng.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone có nguy cơ khủng hoảng tài chính nếu phe cực hữu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 30/6 và 7/7.
Những người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu (RN) của Marine Le Pen (phe cực hữu), đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận, kêu gọi cắt giảm tuổi hưởng lương hưu, giảm giá năng lượng, tăng chi tiêu công và chính sách kinh tế bảo hộ "Nước Pháp trên hết".
Tình hình ở Italia có lặp lại?
Một số quan chức đã ví tình hình của Pháp giống như tình hình mà Italia phải đối mặt vào mùa hè năm 2022, khi liên minh trung hữu của Giorgia Meloni dường như đã sẵn sàng giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử.
Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử, Meloni đã giảm bớt cách tiếp cận hiếu chiến của mình đối với các thể chế châu Âu. ECB hy vọng Le Pen và Đảng của bà cũng sẽ làm như vậy.
Italia và Pháp đều đang có mức thâm hụt cao hơn quy định của EU, có nghĩa là chính phủ sẽ buộc phải thắt chặt hầu bao thông qua cái gọi là "thủ tục điều chỉnh thâm hụt quá mức" từ Liên minh châu Âu.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde, bản thân là một phụ nữ Pháp, dường như đã hạ thấp tầm quan trọng của quy tắc đó vào đầu năm nay.
Khi được hỏi về ý định sử dụng TPI cho Pháp vào thứ Sáu, Lagarde chỉ nói rằng "nhiệm vụ của ECB là kiểm soát lạm phát".
Chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Pháp (xếp hạng AA) và Đức (xếp hạng AAA) hiện ở 80 bps.
Chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Italia (xếp hạng BBB) và Đức tăng lên 157 bps vào thứ Sáu - vẫn thấp hơn mức 250 bps vào năm 2022.
Reuters