Elon Musk - Đồng minh quyền lực hay kẻ phá hoại ngầm của Trump?
Ngọc Lan
Junior Editor
Trong một diễn biến căng thẳng, Chính phủ Mỹ vừa thoát khỏi nguy cơ đóng cửa trong gang tấc. Trong khi đó, tại thủ đô Washington, làn sóng bàn tán và lo ngại về tầm ảnh hưởng của tỷ phú công nghệ Elon Musk đang dâng cao chưa từng thấy. Tình hình nghiêm trọng đến mức bà Karoline Leavitt - người được chọn làm thư ký báo chí cho Tổng thống đắc cử Donald Trump - đã phải đích thân lên tiếng.
"Ngay lập tức sau khi Tổng thống Trump bày tỏ lập trường về Nghị quyết Tiếp tục (CR), toàn bộ đảng viên Cộng hòa tại Đồi Capitol đã đồng lòng ủng hộ," bà Leavitt nhấn mạnh về kế hoạch duy trì nguồn tài chính cho chính phủ. "Tổng thống Trump là người lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng hòa, điều này không thể tranh cãi."
Tuy nhiên, tuyên bố trên dường như chẳng mấy thuyết phục. Bởi lẽ, Elon Musk - nhân vật vừa rót 250 triệu USD vào chiến dịch tái tranh cử của Trump - đã bất ngờ trỗi dậy như một thế lực chính trị không ai bầu chọn và càng không thể kiềm chế. Chỉ với một dòng đăng tải trên nền tảng X do chính mình sở hữu với 200 triệu người theo dõi, ông đã phá vỡ nỗ lực lưỡng đảng nhằm duy trì hoạt động chính phủ và đẩy ghế Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson vào thế ngàn cân treo sợi tóc.
"Dự luật này phải bị bác bỏ." - dòng trạng thái ngắn gọn của Musk xuất hiện vào lúc 4:15 sáng thứ Tư.
Tiếp đó, vị tỷ phú này còn tung ra hơn 150 bài đăng liên tiếp, trong đó không ít thông tin hoàn toàn sai lệch về dự luật. (Hoàn toàn không có chuyện các nhà lập pháp được tăng lương 40% hay một thương vụ đặc biệt trị giá 3 tỷ USD cho sân vận động bóng đá tại Washington DC.) Mãi đến sau đó - khá lâu sau đó - Trump cùng JD Vance mới lên tiếng bày tỏ quan điểm.
Chỉ mười hai giờ sau đó, dự luật đã đi đến hồi kết, và trên nền tảng X, Musk đã hân hoan tuyên bố chiến thắng: "Tiếng nói của nhân dân đã được thể hiện!"
Truyền thông phương Tây thường gọi Musk là người bạn thân thiết nhất của Trump nhưng thực tế vị tỷ phú công nghệ này đang đóng vai trò lớn hơn thế rất nhiều. Ông không chỉ là cố vấn quyền lực mà còn là nhà tài trợ chiến lược đứng sau Trump Sự can thiệp thiếu kiềm chế của cả hai vào thỏa thuận ngân sách đã phơi bày một thực tế đáng lo ngại về những gì có thể xảy ra trong nhiệm kỳ Tổng thống sắp tới.
Đối với Đảng Cộng hòa họ đang phải đối mặt với một tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Một bên là sức ép phải tuân phục, một bên là nguy cơ bị Musk chống lưng cho đối thủ trong các cuộc bầu cử sơ bộ. Thậm chí họ còn phải đối diện với một mối đe dọa còn nghiêm trọng hơn từ lực lượng MAGA - những người đã từng tấn công Điện Capitol và đòi treo cổ Phó Tổng thống Mike Pence. Tuy vậy 38 nghị sĩ Cộng hòa vẫn can đảm đứng lên chống lại cả Trump và Musk thông qua việc bỏ phiếu phủ quyết CR thu gọn. Họ tin rằng sức mạnh nằm trong sự đoàn kết và năm 2026 vẫn còn quá sớm để lo lắng.
Về phía Đảng Dân chủ, sự hiện diện mạnh mẽ của Musk buộc họ phải đối phó với một thế lực mới đầy quyền năng. Đây không đơn thuần là một cố vấn thân cận của Trump mà còn là một "ông lớn" nắm trong tay vô số hợp đồng béo bở từ chính phủ.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren bang Massachusetts đã phải lên tiếng trong một bức thư ngỏ gửi tới Trump rằng : "Người dân Mỹ hoàn toàn không thể biết được những lời tư vấn bí mật của ông ta dành cho ông có thực sự vì lợi ích quốc gia hay chỉ nhằm phục vụ cho đế chế tài chính của riêng mình".
Đặc biệt sau chuỗi tweet của Musk, một điều khoản then chốt trong dự luật ban đầu đã bị loại bỏ. Đó là quy định siết chặt giao dịch công nghệ với Trung Quốc - nơi vị tỷ phú này đang có những mối quan hệ kinh doanh sâu rộng. Việc xóa bỏ điều khoản này rõ ràng là một thắng lợi vang dội cho Musk. Mặc dù giữ im lặng trong suốt quá trình đàm phán nhưng cuối cùng Nhà Trắng đã phải lên tiếng về vấn đề này trong một tuyên bố chính thức. Đảng Dân chủ được khuyến nghị cần tiếp tục vạch trần những mâu thuẫn và tư lợi trong vai trò của nhân vật quyền lực này.
Các nhà quan sát chính trường nhận định rằng sẽ đến lúc Donald Trump không thể chịu đựng được việc phải đứng dưới ánh hào quang của Elon Musk. Dù Trump nổi tiếng với việc không ngần ngại loại bỏ những cộng sự thân cận, nhưng Musk - với đế chế tài chính khổng lồ và ảnh hưởng toàn cầu thông qua nền tảng X - lại là một trường hợp đặc biệt trong thế giới của Trump. Sa thải các Bộ trưởng nội các hay những nhân vật như Steve Bannon có thể dễ dàng, bởi họ không có được tầm ảnh hưởng, danh tiếng hay nguồn lực tài chính như Musk. Họ chỉ là những kẻ phụ thuộc, cần đến Trump nhiều hơn là ngược lại.
Thực tế, sự hiện diện của Musk bên cạnh Trump như một chứng nhận quyền lực, không chỉ nâng tầm ảnh hưởng mà còn là đòn bẩy giúp Tổng thống đắc cử vươn tới những tham vọng mới. Musk đã trở thành một công cụ quyền lực không thể thay thế trong tay Trump. Mặc dù một số đảng viên Cộng hòa đề xuất Musk nên đảm nhận vị trí Chủ tịch Hạ viện kế tiếp, nhưng với tầm ảnh hưởng hiện tại, đây sẽ là một bước lùi đáng kể trong sự nghiệp của vị tỷ phú công nghệ.
Sự kết hợp quyền lực mới tại thủ đô Washington này hứa hẹn sẽ mang đến nhiều biến động và tranh cãi khi Trump chính thức nắm quyền. Đảng Dân chủ đang đối mặt với thách thức chưa từng có trong việc kiểm soát tình hình, đặc biệt khi nhiều cử tri - những người đang bị cuốn hút bởi khối tài sản và phong cách đầy quyết đoán của Musk - có thể sẽ tin tưởng một cách mù quáng rằng ông ta đang bảo vệ quyền lợi của người dân Mỹ bình thường, trong khi thực chất đang tập trung vào việc mở rộng đế chế cá nhân.
*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Nia-Malika Henderson từ tờ báo Bloomberg.
Bloomberg