Euro quay đầu giảm khi quan chức ECB lo ngại về sức mạnh của đồng tiền chung, vàng chịu áp lực khi USD phục hồi!
Lê Bảo Khánh
Founder
Thị trường đang chứng kiến một số phản ứng đảo chiều tại các vùng "key level" về kỹ thuật
Với việc CPI tháng 8 của khu vực Eurozone âm 0.2% so với cùng kỳ năm ngoái (lần đầu tiên bị âm sau 4 năm) trong khi tỷ giá EUR/USD chạm mốc 1.2 trong phiên giao dịch hôm qua, các quan chức ECB hôm nay đã lên tiếng lo ngại về sức mạnh của đồng tiền chung do điều này gây sức ép tới quá trình phục hồi lạm phát của khu vực. Đồng Euro đã tăng tới 12% từ đáy tháng Ba, theo tính toán của chuyên gia Bloomberg mức tăng 2% của tỷ giá có thể khiến CPI khu vực bị ảnh hưởng giảm 0.1-0.2%. Vị thế Net Long đầu cơ Euro trên CME cũng đã tăng lên mức kỷ lục 26.5 tỷ Euro. Điều này đã khiến áp lực chốt lời với đồng Euro diễn ra mạnh và Euro đang yếu nhất nhóm G-7 hôm nay, giảm 0.35% so với USD. Nhiều khả năng tỷ giá EUR/USD sẽ tiếp tục dao động trong biên độ 1.17/1.20 trước khi có những thông tin mới tác động đủ mạnh để thoát ra khỏi vùng giá này.
Theo sau đà giảm của Euro là đồng AUD, giảm 0.3% so với USD hôm nay. Aussie bị bán tháo sau khi dữ liệu GDP quý 2 của Úc thu hẹp tới 7%, cao hơn dự báo thu hẹp 6% của các nhà kinh tế học, đánh dấu sự suy thoái của nền kinh tế lần đầu tiên sau hơn 3 thập kỷ.
Vàng đi ngang quanh vùng $1968-$1970/oz sau khi kiểm tra hỗ trợ 1955 hôm nay. Mặc dù lợi suất thực của TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm đang âm sâu 1.08% hàm ý hỗ trợ cho tài sản phi lợi suất, biến động của vàng đang bị dẫn dắt chủ yếu bởi sức mạnh đồng Dollar. Chỉ số DXY phục hồi từ đáy hơn 2 năm tại vùng 91.75 phiên hôm qua và tiếp tục tăng 0.22% phiên hôm nay lên mức 92.5.
Tâm lý Risk-on tiếp tục lan tỏa hôm nay. Chỉ số Stoxx Europe 600 tăng hơn 2%, dẫn đầu bởi các cổ phiếu công nghệ và hóa chất. DAX cũng đang tăng tới 2.44%, trong khi Nasdaq Futures tăng 1.12%, SP500 Futures và Dowjones Futures cùng tăng khoảng 0.73% trước giờ mở phiên chính.