Eurosclerosis: Lời cảnh tỉnh cho nền kinh tế Mỹ
Huyền Trần
Junior Analyst
Báo cáo của Draghi đưa ra cảnh báo cho Mỹ về những rủi ro tiềm ẩn của việc can thiệp quá mức vào nền kinh tế.
“Eurosclerosis” là thuật ngữ mà nhà kinh tế học người Đức Herbert Giersch đã sử dụng vào năm 1985 để mô tả tình trạng trì trệ kinh tế ở châu Âu, điều này hoàn toàn trái ngược với nền kinh tế Mỹ lúc bấy giờ. Tại sao lại có sự khác biệt này? Giersch cho rằng châu Âu gặp khó khăn vì nguyên nhân sau: thị trường lao động quá "cứng nhắc", quá nhiều quy định gây cản trở doanh nghiệp, và thuế cao khiến mọi người không muốn mạo hiểm.
Gần 40 năm sau, châu Âu dường như lại mắc phải căn bệnh Eurosclerosis này, khi mức tăng trưởng chỉ đạt 0.4% trong năm ngoái. Đây là một trong những điểm đáng chú ý trong báo cáo của cựu Thủ tướng Ý Mario Draghi về tương lai của sự cạnh tranh ở châu Âu. Báo cáo này nên được coi là lời cảnh báo cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ về những chuyện có thể xảy ra nếu chúng ta không hành động đúng.
Châu Âu đã mắc sai lầm ở đâu? Theo Draghi, một phần lớn nguyên nhân là do sự gia tăng của "các quy định không nhất quán và hạn chế." Kể từ năm 2019, EU đã thông qua khoảng 13,000 điều luật, trong khi Mỹ chỉ có khoảng 3,500 luật và 2,000 nghị quyết. Sự gia tăng này đã trở nên quá tải, khiến ngay cả các quan chức châu Âu cũng nhận ra rằng Brussels cần phải chậm lại.
Những quy định này đã làm giảm động lực kinh doanh và cản trở đổi mới. Trong 50 năm qua, không có công ty nào ở EU có giá trị vượt quá 110 tỷ USD được thành lập. Khoảng 30% số các công ty khởi nghiệp giá trị cao ở châu Âu đã rời khỏi khu vực này trong khoảng từ năm 2008 và 2021 vì không thể phát triển tại đây. Không có gì ngạc nhiên khi tăng trưởng kinh tế ở châu Âu bị đình trệ. Chính phủ can thiệp quá sâu vào kinh tế và quy định quá mức đã ngăn cản sự sáng tạo, và người dân châu Âu đang phải chịu đựng hậu quả: thu nhập khả dụng thực tế của họ đã tăng gần gấp đôi so với người Mỹ trong hai thập kỷ qua.
Thật không may, chúng ta cũng đang chứng kiến tình cảnh tương tự xảy ra ở Mỹ. Chính quyền Biden dự kiến sẽ ban hành kỷ lục 2,524 quy định trong năm nay. Tính đến cuối tháng 5, chính quyền đã thông qua 273 quy tắc có ảnh hưởng lớn đến kinh tế, vượt xa so với bất kỳ chính quyền nào trong sáu chính quyền trước đó trong nhiệm kỳ đầu tiên của họ. Điều này thật đáng lo ngại vì Mỹ cũng đang phải đối mặt với tăng trưởng chậm lại. Kể từ năm 2010, tăng trưởng kinh tế của Mỹ chỉ đạt trung bình 2.2% mỗi năm, và Văn phòng Ngân sách Quốc hội dự đoán mức tăng trưởng này sẽ giảm xuống còn 1.8% trong thập kỷ tới.
Phòng Thương mại Mỹ đang kêu gọi các ứng cử viên và các quan chức hiện tại theo đuổi các chính sách nhằm đưa tăng trưởng trở lại mức ít nhất 3% mỗi năm, để đảm bảo cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân. Để đạt được điều này, chúng ta cần phát triển lực lượng lao động có kỹ năng cao hơn, khuyến khích đầu tư vào công nghệ tiên tiến, và khai thác các cơ hội từ thương mại quốc tế, trong khi tránh xa việc áp dụng thuế quan.
Mỹ và châu Âu có mối quan hệ thương mại lớn nhất trên thế giới, vì vậy những gì xảy ra ở châu Âu rất quan trọng đối với các doanh nghiệp Mỹ và ngược lại. Draghi đúng khi nói rằng châu Âu đang mất vị thế so với Mỹ và Trung Quốc, nhưng chúng ta cũng nên lo lắng rằng cả hai đang cùng nhau tụt lại phía sau.
Liên minh xuyên Đại Tây Dương là một trụ cột cho dân chủ, hòa bình và an ninh. Tuy nhiên, trong bối cảnh chủ nghĩa độc tài đang thách thức trật tự thế giới, chúng ta không thể lơ là. Những cảnh báo này đã rất rõ ràng: không thể quay trở lại với cách tư duy cũ. Giờ là lúc cả hai bên Đại Tây Dương cần theo đuổi những chính sách để phát triển nền kinh tế và củng cố liên minh.
Financial Times