Fentanyl: Tâm điểm mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
![Huyền Trần Huyền Trần](/uploads/2024/07/31/z5685785657097498eccaed64ffc483d6564536d1c4938-2152e901683486c6975be36c85c9c17f.jpg)
Huyền Trần
Junior Analyst
Mỹ áp thuế 10% lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, gây áp lực buộc Bắc Kinh kiểm soát fentanyl. Trung Quốc phản đối, cáo buộc Washington dùng thuế quan làm công cụ chính trị.
![](/uploads/2025/02/10/screenshot-2025-02-10-105127-25710af3359d01f408935e39b4fe7ec8.png)
Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump, áp thuế 10% lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, chính thức có hiệu lực từ ngày 4/2. Mức thuế này bổ sung vào các rào cản thương mại đã được Trump áp đặt trong nhiệm kỳ đầu và mở rộng dưới thời Joe Biden.
Chính quyền Trump tuyên bố biện pháp này nhằm buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm vì không ngăn chặn xuất khẩu fentanyl và các tiền chất hóa học, yếu tố được cho là góp phần gây ra cuộc khủng hoảng opioid tại Mỹ. Trump gọi đây là “phát súng mở màn” trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh.
Đáp trả, Trung Quốc áp thuế lên một số hàng hóa Mỹ và nhắm vào một số doanh nghiệp nước này, nhưng dường như cố gắng tránh làm căng thẳng leo thang quá mức giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Vì sao Trump tăng thuế nhập khẩu từ Trung Quốc?
Chính quyền Trump lập luận rằng việc áp thuế sẽ tạo đòn bẩy để gây áp lực buộc Bắc Kinh kiểm soát dòng chảy fentanyl và các tiền chất liên quan.
Sắc lệnh của Trump cáo buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc “duy trì và mở rộng hoạt động đầu độc công dân Mỹ.” Văn bản này nêu rõ Trung Quốc đã “trợ cấp và khuyến khích” các công ty hóa chất trong nước xuất khẩu fentanyl và các tiền chất để sản xuất opioid tổng hợp, vốn bị buôn bán trái phép tại Mỹ. Bắc Kinh cũng bị cáo buộc dung túng cho các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia rửa tiền từ hoạt động buôn bán fentanyl.
Trump từng chỉ trích Trung Quốc không thực hiện cam kết trong việc ngăn chặn buôn bán ma túy. Cuối năm 2023, ông tuyên bố trên Truth Social rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không giữ lời hứa năm 2018 về việc áp dụng án tử hình đối với tội phạm ma túy.
Trung Quốc phản ứng thế nào?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lâm Kiện, cáo buộc Mỹ phớt lờ những nỗ lực hợp tác của Bắc Kinh trong cuộc chiến chống fentanyl. Trung Quốc từ chối đưa ra cam kết mới, đồng thời chỉ trích Mỹ áp đặt thuế quan như một công cụ gây áp lực. “Mỹ cần nhìn nhận và giải quyết vấn đề fentanyl một cách khách quan, thay vì đe dọa các nước khác bằng những biện pháp thuế quan tùy tiện,” Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.
Vì sao Trump nhắm vào fentanyl?
Fentanyl là một loại opioid tổng hợp mạnh, được sử dụng trong điều trị đau sau phẫu thuật hoặc các tình trạng y tế nghiêm trọng. Do chi phí sản xuất thấp và dễ phân phối, fentanyl bị buôn bán trái phép, trở thành nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng tử vong do sốc thuốc tại Mỹ trong thập kỷ qua. Cả hai đảng tại Mỹ đều coi fentanyl là mối đe dọa nghiêm trọng cần phải giải quyết.
Vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng fentanyl?
Theo báo cáo năm 2021 của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung, Trung Quốc vẫn là nguồn cung fentanyl và các tiền chất chính vào Mỹ. Tuy nhiên, từ năm 2019, các tổ chức tội phạm Trung Quốc đã chuyển hướng từ sản xuất fentanyl thành phẩm sang xuất khẩu tiền chất cho các băng đảng Mexico, nơi tổng hợp và vận chuyển fentanyl vào Mỹ.
Năm 2018, Trung Quốc cam kết tăng cường giám sát và siết chặt quy định về fentanyl sau cuộc gặp giữa Trump và Tập tại hội nghị G20 ở Argentina. Bắc Kinh cũng cho phép cơ quan thực thi pháp luật Mỹ tham gia sâu hơn vào các cuộc điều tra về các đường dây buôn lậu fentanyl trong lãnh thổ Trung Quốc.
Năm 2019, Trung Quốc siết chặt kiểm soát fentanyl bằng cách khắc phục lỗ hổng pháp lý từng cản trở việc trấn áp các phòng thí nghiệm sản xuất chất này. Cùng năm, ba công dân Trung Quốc bị kết án nặng vì buôn lậu fentanyl vào Mỹ, trong đó một người nhận án tử hình treo, hai người còn lại bị kết án chung thân.
Tuy nhiên, hợp tác song phương rạn nứt khi quan hệ Mỹ - Trung leo thang căng thẳng do tranh chấp về Đài Loan và đại dịch Covid-19. Đến tháng 8/2022, Bắc Kinh tuyên bố đình chỉ hoàn toàn hợp tác với Washington trong lĩnh vực chống ma túy và thực thi pháp luật. Mãi đến cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, hợp tác mới được khôi phục.
Mỹ yêu cầu Trung Quốc hành động gì?
Washington muốn Bắc Kinh tăng cường thực thi luật pháp trong nước, kiểm soát chặt chẽ các tiền chất hóa học, đồng thời mạnh tay trấn áp mạng lưới buôn bán ma túy và rửa tiền.
Chính quyền Trump khẳng định Trung Quốc hoàn toàn có khả năng kiềm chế cuộc khủng hoảng fentanyl. Sắc lệnh của Trump nhấn mạnh Bắc Kinh sở hữu “hệ thống giám sát tinh vi nhất thế giới, kết hợp với bộ máy thực thi pháp luật chặt chẽ bậc nhất.” Theo đó, chính quyền Trung Quốc “không thiếu năng lực để ngăn chặn làn sóng opioid toàn cầu. Họ chỉ đơn giản là không muốn làm vậy.”
Bloomberg