Liệu Fed có phải là đồng minh ngầm của Tổng thống Trump?
![Ngọc Lan Ngọc Lan](/uploads/2024/03/25/photo2024-03-2510-57-50-dabba39aea047eee20b30bc5ac55be64.jpg)
Ngọc Lan
Junior Editor
Các chuyên gia kinh tế thường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Fed hoạt động độc lập.
![](/uploads/2025/02/13/4bf467dc-920d-468e-8b8d-58fdff94bf87-3082d5cd0327ead98fd2b6148cc2bb49.jpeg)
Những sự kiện diễn ra vào hôm thứ Tư đã cho thấy rõ điều này.
- 7:58 sáng: Donald Trump đăng lên mạng xã hội Truth Social: "Cần phải cắt giảm lãi suất ngay, để phối hợp với các chính sách thuế sắp tới!!! Nước Mỹ, cùng hành động nào!!!"
- 8:30 sáng: Số liệu mới công bố cho thấy chỉ số CPI trong tháng 1 đã tăng 0.5% so với tháng trước, cao hơn dự báo.
- 10:07 sáng: Chủ tịch Fed Jerome Powell bắt đầu phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện. Tại đây, ông cam kết với người dân Mỹ rằng Fed sẽ không để chính trị ảnh hưởng và chỉ dựa vào số liệu thực tế.
Hãy tưởng tượng trong một thế giới không có ngân hàng trung ương độc lập, những phát ngôn thiếu cân nhắc của Trump cùng với số liệu lạm phát đáng lo ngại có thể đã gây hoang mang cho thị trường và làm lung lay niềm tin về lạm phát. Nhưng thực tế, chỉ số S&P 500 chỉ giảm nhẹ 0.2% và lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm tăng 10 bps. Nhìn chung, dù ngày thứ Tư có thể được xem là một trở ngại trong nỗ lực kiểm soát lạm phát, nhưng không phải là điều quá nghiêm trọng.
Phải công nhận Powell đã giữ vững được tình hình. Ông đã trả lời rất khéo léo khi Đại biểu Brad Sherman của California hỏi về bài đăng của Trump. Nguyên văn đoạn hội thoại như sau:
Powell: Người dân có thể yên tâm rằng chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung làm việc, đưa ra quyết định dựa trên tình hình kinh tế thực tế và triển vọng tương lai
Sherman: Và những phát ngôn của các chính trị gia không ảnh hưởng đến quyết định của ông?
Powell: Hoàn toàn đúng vậy.
Trump chưa bao giờ ưa Powell. Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, ông đã nhiều lần đụng độ với Powell về vấn đề lãi suất. Trong nhiệm kỳ thứ hai này, ông vẫn tiếp tục như vậy và còn tự nhận mình hiểu rõ hơn về cách điều chỉnh lãi suất. Ban đầu, mối quan hệ giữa họ rạn nứt vì Powell không chịu nới lỏng chính sách tiền tệ để ủng hộ cuộc chiến thương mại của Trump. Tuy nhiên, lập trường của Trump không nhất quán - một mặt ông chỉ trích Fed không làm đủ để kiểm soát lạm phát, mặt khác lại đòi hỏi cắt giảm lãi suất. Nói đơn giản, Trump đang biến chủ tịch Fed thành người chịu trách nhiệm cho mọi vấn đề.
Thị trường có cái nhìn hoàn toàn khác với Tổng thống về tình hình hiện tại. Thị trường trái phiếu tỏ ra lo ngại về những tuyên bố và chính sách của Trump, nhưng thiệt hại đã được hạn chế nhờ niềm tin rằng Fed sẽ đứng ra cân bằng và không để chính trị chi phối. Nếu Powell nghe theo Trump và hạ lãi suất lúc này, lãi suất dài hạn nhiều khả năng sẽ còn tăng cao hơn nữa. Chúng ta đã thấy dấu hiệu này vào cuối năm 2024 - khi Fed cắt giảm lãi suất nhưng lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm lại tăng khoảng 100 bps, một phần do lo ngại về chính sách thuế, nhập cư của Trump và tình hình kinh tế.
Trump không còn nhiều dư địa để lãi suất dài hạn tăng thêm. Trước hết, ông và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã lấy việc gia hạn các khoản giảm thuế năm 2017 làm trọng tâm trong kế hoạch kinh tế. Việc gia hạn này sẽ khiến việc giảm thâm hụt ngân sách càng khó khăn và làm nợ công tăng cao, tình hình sẽ còn tệ hơn nếu lãi suất tăng. Đó là lý do ngay cả Elon Musk cũng phải lên tiếng trên X vào hôm thứ Tư, nhấn mạnh rằng nỗ lực cắt giảm chi phí sẽ giúp hạ lãi suất dài hạn - dù chưa chắc Musk có thể giải quyết được vấn đề thâm hụt, khi phần lớn chi tiêu là từ các chương trình an sinh xã hội và quốc phòng mà không ai dám động đến. Trong tình huống xấu nhất, sự kết hợp giữa thị trường trái phiếu bất ổn và chính sách thuế dựa vào thâm hụt có thể gây ra phản ứng dữ dội từ nhà đầu tư, giống như trường hợp của Thủ tướng Liz Truss ở Anh năm 2022.
Trump còn phải thực hiện lời hứa với cử tri về việc giảm chi phí nhà ở và giá cả. Lãi suất vay mua nhà phụ thuộc vào lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm, mà điều này lại liên quan đến dự đoán về lạm phát và xu hướng lãi suất ngắn hạn. Vì thế, việc Trump đòi cắt giảm lãi suất có thể phản tác dụng và làm giá nhà càng khó mua hơn. Về vấn đề lạm phát, điều này phần lớn phụ thuộc vào tâm lý. Khi người dân mất niềm tin vào khả năng kiểm soát lạm phát của chính phủ và ngân hàng trung ương, họ sẽ có những hành động làm tình hình tệ hơn như đòi tăng lương và đổ xô đi mua sắm trước khi giá tăng. Cách điều hành ổn định của Powell đã giúp giữ vững niềm tin của người dân về lạm phát.
Bloomberg