G7 "bật đèn xanh" cho Nhật Bản can thiệp bảo vệ đồng Yên
Ngọc Lan
Junior Editor
Nhóm G7, gồm bảy quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, đã tái khẳng định cam kết về chính sách ngoại hối. Cam kết này đề cập đến những tác động tiêu cực tiềm ẩn của biến động tỷ giá hối đoái quá mức và cung cấp cho các quốc gia thành viên, bao gồm cả Nhật Bản, một số quyền để bảo vệ đồng tiền của họ trước sức mạnh của đồng USD.
Tuyên bố của G7 được công bố vào thứ Tư tại Washington, đồng thời lên án vụ tấn công của Iran vào Israel và chiến tranh đang diễn ra của Nga chống lại Ukraine. Bên cạnh những vấn đề quốc tế khác, tuyên bố này cũng bao gồm một dòng văn bản tái khẳng định cam kết về tỷ giá hối đoái của các thành viên, vốn đã được vạch ra vào tháng 5/2017.
Mặc dù việc tái khẳng định lập trường hiện tại về tỷ giá hối đoái chỉ là một phần nhỏ trong tuyên bố, quan chức tiền tệ hàng đầu Nhật Bản, Masato Kanda, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nó. Việc tái khẳng định này diễn ra trong bối cảnh Tokyo ngày càng lo ngại về sự suy yếu liên tục của đồng Yên.
"Phản ánh lập trường của Nhật Bản, G7 đã tái khẳng định cam kết của mình đối với các phản ứng chính sách G7 trước đây, bao gồm tỷ giá hối đoái," Kanda nói với các phóng viên tại Washington. "Cam kết chính là sự công nhận rằng biến động quá mức và biến động hỗn loạn của tỷ giá hối đoái có thể có tác động tiêu cực đến sự ổn định kinh tế và tài chính."
Bình luận của ông Kanda khiến USD/JPY tạm thời tăng lên mức 153.96, trước khi giảm trở lại và giao dịch quanh mức 154.30 vào khoảng 2 giờ chiều theo giờ Tokyo.
Việc đề cập đến những tác động tiêu cực của biến động tỷ giá hối đoái quá mức về cơ bản mở đường cho các thành viên G7 can thiệp vào thị trường trong những tình huống nhất định. Các quan chức Nhật Bản có thể sẽ coi việc đưa nội dung này vào tuyên bố là một thành công khác trong tuần này, trong bối cảnh họ đang hợp tác với các đồng minh giữa những đồn đoán rằng Tokyo có thể can thiệp vào thị trường để hỗ trợ đồng Yên.
Sự tái khẳng định của G7 diễn ra sau tuyên bố chung trước đó trong ngày, trong đó Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ghi nhận mối lo ngại của Nhật Bản và Hàn Quốc về việc đồng tiền của họ giảm mạnh.
Theo David Forrester, chiến lược gia ngoại hối cấp cao tại Credit Agricole CIB Singapore, việc các nước G7 thừa nhận rằng biến động tỷ giá quá mức gây hại cho nền kinh tế được coi như sự cho phép ngầm để Nhật Bản can thiệp nhằm giảm bớt biến động.
"Theo đó, tỷ giá USD/JPY đã giảm so với mức 155, được thị trường coi là ngưỡng quan trọng tiếp theo sau khi vượt qua mốc 152," ông nói, đề cập đến tỷ giá hối đoại giữa đồng USD và đồng Yên. "Bất kỳ sự can thiệp nào, bằng ngôn từ hay hành động thực tế, cũng chỉ giúp đồng Yên có thêm thời gian cho đến khi các yếu tố cơ bản có thể chuyển biến theo hướng có lợi cho đồng tiền này."
Đồng Yên vẫn chịu áp lực do các nhà giao dịch hiện nay cho rằng khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản sẽ duy trì rộng hơn so với dự kiến trước đó. Nền kinh tế Mỹ hồi phục mạnh mẽ đã đẩy lùi triển vọng cắt giảm lãi suất của Fed, trong khi BoJ báo hiệu sẽ không nhanh chóng tăng lãi suất.
Giới chức Tokyo đã chi khoảng 60 tỷ USD vào năm 2022 để ba lần hỗ trợ đồng Yên, mỗi lần đều khẳng định rằng họ không bảo vệ bất kỳ mức tỷ giá cụ thể nào.
Tuyên bố của G7 lặp lại lời lên án dứt khoát đối với vụ tấn công của Iran nhằm vào Israel, đồng thời bày tỏ lo ngại về cuộc khủng hoảng ở Gaza và kêu gọi tiếp tục nỗ lực hướng tới lệnh ngừng bắn bền vững.
"Chúng tôi sẽ đảm bảo phối hợp chặt chẽ mọi biện pháp trong tương lai nhằm giảm khả năng Iran có được, sản xuất hoặc chuyển giao vũ khí để hỗ trợ các hoạt động gây mất ổn định khu vực của nước này," tuyên bố cho biết.
Bloomberg