Giá dầu leo thang trong bối cảnh kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed
Quế Anh
Junior Editor
Giá dầu đã tăng trong phiên giao dịch châu Á hôm thứ Hai, với nguyên nhân được cho là đến từ kỳ vọng Mỹ cắt giảm lãi suất trong tuần này. Tuy nhiên, mức tăng vẫn chưa thể bứt phá bởi lo ngại về nhu cầu và số liệu kinh tế yếu kém từ Trung Quốc.
Vào lúc 14:00 (giờ Việt Nam), giá hợp đồng tương lai giá dầu Brent tháng 11 tăng 0.38 USD (0.5%), chạm mức 71.99 USD/thùng. Giá hợp đồng tương lai dầu WTI tháng 10 tăng 0.49 USD (0.7%), lên 69.14 USD/thùng.
Hợp đồng tương lai của cả hai loại dầu đều giảm giá trong phiên trước đó với lo ngại về nguồn cung dư thừa khi sản xuất dầu thô ở bờ vịnh duyên hải Mexico khôi phục sau cơn bão Francine. Ngoài ra, số giàn khoan dầu ở Mỹ tăng trong tuần qua.
Tuy nhiên, gần 20% sản lượng dầu thô và 28% sản lượng khí đốt tự nhiên ở bờ vịnh duyên hải Mexico vẫn chưa được đưa trở lại vào hoạt động sau cơn bão.
Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Priyanka Sachdeva của Phillip Nova nhận định: "Thị trường đang tập trung vào quyết định chính sách sắp tới của FOMC, cho thấy sự thận trọng của các nhà đầu tư sắp tới". Bà cho biết thêm, giá dầu vẫn được hỗ trợ bởi một phần hoạt động khai thác ở bờ vịnh duyên hải Mexico vẫn chưa quay trở lại hoạt động.
FOMC dự kiến sẽ đưa ra quyết định trong cuộc họp từ ngày 17-18/9.
Theo CME FedWatch, các nhà đầu tư đang ngày càng nghiêng về khả năng Fed sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản thay vì 25 điểm như dự đoán trước đó. Lãi suất thấp có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế và tăng nhu cầu dầu mỏ.
Tuy nhiên, các nhà phân tich lo ngại rằng một đợt cắt giảm lãi suất mạnh mẽ 50 điểm cơ bản có thể dấy lên những lo ngại về tiềm ẩn suy thoái. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến nhu cầu của dầu thô.
Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Kelvin Wong của OANDA cho biết qua email: "Việc Fed cắt giảm 50 điểm cơ bản có thể cho thấy sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ, làm dấy lên lo ngại về nhu cầu dầu".
Triển vọng thị trường trở nên tiêu cực hơn với sự công bố về số liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc. Tăng trưởng thấp kéo dài ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới càng làm gia tăng nghi ngờ về nhu cầu dầu mỏ, theo nhận định của chiến lược gia thị trường Yeap Jun Rong của IG.
Tháng vừa rồi, tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp của Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - đã chậm lại xuống mức thấp nhất trong 5 tháng liên tiếp, và doanh số bán lẻ và giá nhà mới tiếp tục suy yếu.
Ông Wong của OANDA nhận định: "Cùng với tiềm ẩn gia tăng trong rủi ro giảm phát ở Trung Quốc sau khi tăng trưởng sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ giảm trong tháng 8, đà tăng hiện tại của giá dầu WTI có thể khó bền vững với mức kháng cự chính ở 72.20-73.15 USD/thùng".
Sản lượng lọc dầu cũng giảm tháng thứ năm liên tiếp do nhu cầu nhiên liệu thấp và biên lợi nhuận xuất khẩu yếu kém.
Reuters