Giá lúa mì và ngô tăng mạnh mẽ trước áp lực thiếu hụt nguồn cung từ cuộc chiến Nga-Ukraine

Giá lúa mì và ngô tăng mạnh mẽ trước áp lực thiếu hụt nguồn cung từ cuộc chiến Nga-Ukraine

08:36 07/03/2022

Giá nông sản giao dịch trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) tăng điểm mạnh trong tuần vừa qua, nhờ tác động từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Giá lúa mì kỳ hạn trên sàn giao dịch CBOT kết thúc tuần tăng đến 59.91%, trước lo ngại đứt gãy nguồn cung trong bối cảnh các cảng xuất khẩu chính tại Ukraine đóng cửa và căng thẳng cuộc chiến Nga-Ukraine ngày càng leo thang. Nga và Ukraine chiếm đến 30% tổng khối lượng lúa mì xuất khẩu toàn thế giới, trong khi Ukraine cũng đồng thời là quốc gia xuất khẩu ngô lớn thứ 4 trên toàn cầu, chiếm tỷ trọng xuất khẩu khoảng 17%. Giá các hợp đồng tương lai đậu tương cũng có một tuần tăng điểm rõ rệt nhờ lo ngại từ các nhà đầu tư trên thị trường về một tương lai đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu, sau khi làn sóng các lệnh trừng phạt kinh tế và thương mại dành cho Nga được kích hoạt bởi Mỹ và Châu Âu trong tuần vừa qua. Bên cạnh đó, giá dầu thực vật cũng được hưởng lợi từ cuộc chiến này, trong bối cảnh nhu cầu của nhà tiêu thụ hàng đầu - Ấn Độ - đang tăng cao trước tháng lễ nhịn ăn Ramadan. Đồng thời, các quan chức Chính Phủ Trung Quốc cũng kêu gọi các công ty sản xuất tìm kiếm nguồn cung mới và đẩy mạnh nhập khẩu nhiều loại hàng hoá do lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong tương lai.

Giá ngô và lúa mì tăng mạnh mẽ
Giá ngô và lúa mì tăng mạnh mẽ

Giá hàng hoá nông sản tại Trung Quốc tăng cao kỷ lục trước nguy cơ đứt gãy nguồn cung từ cuộc chiến Nga-Ukraine
Việc Nga bị cô lập khỏi nền kinh tế thế giới sẽ làm gia tăng các vấn đề về chuỗi cung ứng đối với Trung Quốc. Báo cáo của Foreign Policy cho biết sự chậm trễ trong vận chuyển và các vấn đề về cảng do đại dịch đã chuyển một lượng lớn hoạt động thương mại sang các tuyến đường bộ qua Nga trong thời gian qua. Với những tuyến đường đó giờ đã không còn, hoạt động giao thương sẽ quay trở lại các cảng đang quá tải. Trong khi trước đó, Trung Quốc cũng ký cam kết với Nga về việc gia tăng khối lượng nhập khẩu lúa mì và năng lượng từ Nga. Đồng thời, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine ảnh hưởng đến thị trường ngô trong nước, do Ukraine là một trong những nhà xuất khẩu ngô lớn sang Trung Quốc.
Giá trong nước đối với các mặt hàng nông sản chính, bao gồm lúa mì và ngô, đã tăng lên hoặc gần bằng mức cao nhất mọi thời đại trên cả thị trường đầu tư và giao hàng vật chất ở Trung Quốc.
Giá thu mua lúa mì của Trung Quốc tại tỉnh Sơn Đông đã đạt mốc 3,400 CNY/tấn (538.25 USD/tấn) lần đầu tiên vào thứ Sáu, so với mức thông thường là từ 2,540 CNY/tấn đến 2,600 CNY/tấn. Theo nguồn tin từ một nhà sản xuất nội địa, điều này thậm chí diễn ra trong bối cảnh khối lượng dự trữ lúa mì quốc gia đang cạn kiệt, sau khi một lượng lớn lúa mì được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi vào năm ngoái.
Đồng thời, giá tại các cuộc đấu giá lúa mì trong nước của Trung Quốc tổ chức vào thứ Tư - cũng đạt mức cao kỷ lục là 3,200 CNY/tấn, theo Trung tâm Thương mại Ngũ cốc Quốc gia (NGTC).
Giá mua ngô ở Sơn Đông - một trong những cơ sở sản xuất ngũ cốc chính của Trung Quốc - cũng tăng vọt lên 1.47 CNY/jin, hoặc CNY3,300/tấn (522.40 USD / tấn) trong tuần này.
Mặc dù con số này thấp hơn một chút so với con số được ghi nhận một năm trước đó, nhưng nó vẫn nằm trong mức cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2009.
Uỷ Ban Cải cách & Phát triển Quốc gia của Trung Quốc đã được lệnh thúc đẩy những công ty nhập khẩu thuộc sở hữu nhà nước tìm kiếm các thị trường nguyên liệu mới, trong đó bao gồm đậu tương, lúa mì, ngô và dầu khí để lấp đầy bất kỳ sự sụt giảm tồn kho hay nhập khẩu tiềm năng nào từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Người dân cho biết, các quan chức không đề cập đến giá cả, cho thấy chi phí nhập khẩu hiện không phải là trọng tâm, điều này làm dấy lên bởi lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu năm 2022, với viễn cảnh thậm chí nghiêm trọng hơn cả trong năm 2021.
ANEC dự báo xuất khẩu đậu tương của Brazil giảm trong tháng 3
Hiệp hội các nhà xuất khẩu ngũ cốc của Brazil (ANEC) cho biết vào cuối ngày thứ Ba rằng xuất khẩu đậu tương của Brazil dự kiến sẽ đạt 11.7 triệu tấn trong tháng 3, giảm 21% so với 14 triệu tấn của năm ngoái. Xuất khẩu đậu tương trong tháng 2 của Brazil đạt 9.4 triệu tấn, tăng 70.4% so với 5.5 triệu tấn của năm ngoái được vận chuyển trong cùng kỳ và cũng cao hơn mức dự báo 7.2 triệu tấn của ANEC. Tuy nhiên trong năm ngoái các lô hàng bị chậm nhiều do trồng và thu hoạch muộn.
Nếu ước tính được xác nhận, tổng xuất khẩu của Brazil trong ba tháng đầu năm sẽ lên tới 23.4 triệu tấn, tăng 14.5% so với 20.5 triệu tấn của năm ngoái trong cùng kỳ.
Xuất khẩu ngô của Brazil dự kiến sẽ đạt 30,000 tấn vào tháng 3, ít hơn 73.9% so với 115,120 tấn của năm ngoái. Trong tháng Hai, xuất khẩu của Brazil đạt 523,340 tấn, thấp hơn một chút so với ước tính 530,000 tấn và tăng 2.9% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của ANEC.
Nếu các ước tính mới được xác nhận, tổng lượng ngô xuất khẩu sẽ đạt 2.7 triệu tấn trong ba tháng đầu năm 2022, phù hợp với mức 2.7 triệu tấn đạt được trong cùng kỳ năm ngoái.

Giá dầu thực vật tăng cao trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung dầu hương dương
Theo dữ liệu từ Agricensus, Ấn Độ - nước tiêu thụ dầu thực vật lớn nhất - đang tìm cách lấp đầy hơn 100,000 tấn dầu hướng dương bị kẹt tại các cảng Ukraine. Nhà nhập khẩu lớn Ấn Độ sẽ phải tìm loại dầu thực vật thay thế trước ngày 01/04 để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng mạnh trước tháng lễ nhịn ăn Ramadan, trong bối cảnh không có nguồn cung cấp dầu hướng dương từ Biển Đen. Các quốc gia khu vực Biển Đen chiếm đến 60% sản lượng dầu hướng dương thế giới và 76% tổng xuất khẩu toàn cầu, trong khi các cảng ở Ukraine sẽ vẫn đóng cửa cho đến khi cuộc xâm lược kết thúc.
Những người mua châu Á thường sẽ thay thế bằng dầu cọ vì giá rẻ và thời gian vận chuyển nhanh chóng, nhưng giờ đây họ đang phải trả mức phí bảo hiểm cao hơn 50 USD/tấn cao hơn so với dầu đậu tương. Nguồn cung của Malaysia đang cạn kiệt nhanh chóng do là nhà cung cấp lớn duy nhất còn lại trên thị trường vì Indonesia đã hạn chế xuất khẩu, trước nhu cầu tăng vọt. Do đó, trong vài tuần tới, người mua có thể chuyển hướng sang dầu đậu cho các lô hàng trong tháng Tư.
Giá dầu cọ kỳ hạn trên sàn Đại Liên đóng cửa ở mức 12,630 CNY/tấn (1,999 USD/tấn) và đạt mức cao nhất trong vòng 14 năm qua vào thứ Tư tuần qua.

Úc được hưởng lợi nhờ vụ mùa kỷ lục trong bối cảnh giá lúa mì tăng cao
Có thể thấy trong bối cảnh căng thẳng quân sự giữa Nga và Ukraine, Úc trở thành quốc gia hưởng lợi nhất trước đà tăng giá mạnh mẽ của lúa mì. Cục Kinh tế, Khoa học Nông nghiệp và Tài nguyên Úc (ABARES) đã điều chỉnh sản lượng lúa mì Úc vụ đông 2021/22 lên mức kỷ lục 36.3 triệu tấn sau khi hoàn thành thu hoạch, tăng 1.9 triệu tấn so với báo cáo trước và tăng 10% so với sản lượng niên vụ trước. Dự báo trong báo cáo WASDE tháng 2 là 34 triệu tấn. Vụ lúa mì kỷ lục đến vào thời điểm thuận lợi khi các nhà nhập khẩu tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế khi cuộc chiến giữa hai nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất là Nga và Ukraine đã khiến các chuyến hàng từ Biển Đen ngừng hoạt động. Với mức sản lượng trên, Úc vượt trên Canada và trở thành khu vực có mức sản lượng xếp hàng thứ tư toàn cầu.

Brazil có đủ lượng phân bón dự trữ trong ba tháng tới
Bên cạnh các lo ngại về thiếu hụt lúa mì và ngô trên thị trường xuất khẩu, làn sóng các lệnh trừng phạt kinh tế và thương mại dành cho Nga cũng kéo theo các mối quan ngại về chuỗi cung ứng của phân bón. Nga là quốc gia chiếm 18% thị phần xuất khẩu toàn cầu đối với hợp chất kali, 20% thị phần xuất khẩu toàn cầu đối với hợp chất ammonia, và 15% thị phần xuất khẩu toàn cầu đối với hợp chất Ure. Cả ba loại hợp chất đều là thành phần chính trong sản xuất các loại phân bón phổ biến ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, dữ liệu mới từ các đại lý thị trường của Hiệp hội Quốc gia về Phổ biến Phân bón (ANDA) của Brazil cho thấy hôm thứ Năm, rằng số lượng phân bón có sẵn trong nước hiện tại đứng trên mức trung bình được ghi nhận trong những năm trước. Hiệp hội không nêu rõ số lượng có sẵn hoặc mức trung bình là bao nhiêu trong khoảng thời gian liên quan.
Vào cuối ngày thứ Tư, Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Tereza Cristina cũng cho biết nước này có đủ lượng phân bón dự trữ cho đến tháng 10, mặc dù bà thừa nhận lo ngại về tình trạng phân bón có sẵn cho vụ mùa hè.
Brazil nhập khẩu khoảng 9 triệu tấn phân bón mỗi năm từ Đông Âu, chiếm khoảng 25% tổng lượng phân bón nhập khẩu của cả nước. ANDA cho biết họ vẫn đang chú ý đến nguồn cung cấp kali clorua, sau khi hơn 2 triệu tấn nguồn nhập khẩu bị tổn hại sau khi các lệnh trừng phạt được áp dụng đối với Belarus, bên cạnh 3 triệu tấn nhập khẩu thường đến từ Nga.
Mặc dù đã có những hạn chế về ngân hàng gây mất an toàn và khó khăn cho dòng thanh toán, các giao dịch vẫn có thể được thực hiện giữa các công ty tư nhân.
Biên lợi nhuận nghiền thấp làm suy yếu tốc độ ép dầu đậu tương tại Trung Quốc
Dữ liệu từ Trung tâm Thông tin Dầu và Ngũ cốc Quốc gia (CNGOIC) của Trung Quốc công bố tuần này, cho dữ liệu ép dầu đậu tương trong tuần trước đạt 1.58 triệu tấn, giảm 130,000 tấn so với tuần trước đó. Tồn kho đậu tương thấp đã làm chậm tốc độ nghiền tại các nhà máy dầu lớn.

Tồn kho khô đậu tương giảm 20,000 tấn trong tuần trước xuống 350,000 tấn, giảm 60,000 tấn so với tháng trước và giảm 430,000 tấn so với năm trước đó.
Tương tự, tồn kho dầu đậu tương cũng giảm tuần thứ hai liên tiếp xuống còn 760,000 tấn, giảm 30,000 tấn theo tuần và 100,000 tấn theo năm.
Tổng lượng dự trữ đậu tương thương mại tại Trung Quốc giảm tuần thứ hai liên tiếp, đạt 3.08 triệu tấn với số lượng đậu tương cập cảng ghi nhận tiếp tục suy yếu. Con số giảm 400,000 tấn so với tuần trước và thấp hơn đến 2.85 triệu tấn so với mức ghi nhận cùng kỳ năm ngoái.
Cuối cùng, CNGOIC ước tính rằng khối lượng đậu tương dự kiến cập cảng vào tháng 3 là 6.3 triệu tấn, và mức trong tháng 4 và tháng 5 sẽ tăng lên lần lượt là 7.8 triệu tấn và 8 triệu tấn.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ nội địa mạnh, những người mua Trung Quốc và không rõ nguồn gốc (khả năng cao là Trung Quốc) đã tăng mạnh thua mua đậu tương trong tuần qua, đặt trước hơn 49 triệu giạ kết hợp của các niên vụ 2021/22 và 2022/23 trong bốn đợt đặt hàng. Các dữ liệu được tổng hợp dựa trên các đơn bán hàng khối lượng lớn được báo cáo mỗi ngày với Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA.

Algeria quay trở lại thị trường lúa mì Pháp do nguồn cung từ Ukraine và Nga cạn kiệt.
Pháp thường là một trong những nhà cung cấp lúa mì chính cho Algeria. Tuy nhiên, quốc gia Bắc Phi đã ngừng mua lúa mì của Pháp vào tháng 10 năm ngoái, trên cơ sở các khu vực khác như Nga, Ukraine và Argentina, có giá chào bán cạnh tranh hơn.
Dữ liệu xuất khẩu cho thấy Algeria đang trên đà tăng nhập khẩu lúa mì của Pháp so với cùng kỳ năm 2020, với 1.1 triệu tấn nhập khẩu từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2021, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, vào tháng Giêng, người mua ngũ cốc của bang Algeria là OIAC đã loại lúa mì Pháp khỏi một cuộc đấu thầu, với lý do các vấn đề chất lượng, khiến khối lượng nhập khẩu giảm mạnh về 0 trong tháng Giêng và tháng Hai năm 2022. Đồng thời, khối lượng nhập khẩu từ Nga, Ukraine và Mexico cũng tăng lên.
Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine có thể đã thay đổi quan điểm của họ đối với hàng nhập khẩu của Pháp, do không còn nhiều lựa chọn về nguồn cung. Theo USDA, Algeria mua khoảng 7.7 triệu tấn lúa mì mỗi năm, là quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn thứ sáu trên thế giới. Trong khi đó, Pháp là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất của Châu Âu.
Lo ngại lệnh cấm xuất khẩu tạo ra chênh lệch giá lúa mì lớn giữa các quốc gia ở Biển Đen
Các nhà giao dịch cho biết hiện tượng chênh lệch giá lớn đã xuất hiện giữa các đợt chào bán lúa mì của Bulgaria và Romania vào hôm thứ Năm. Đây được cho là hệ quả từ việc các nhà nhập khẩu phản ứng với tin đồn về lệnh cấm xuất khẩu tiềm năng từ Bulgaria, để bù đắp cho việc thiếu nguồn cung nội địa trước cược chiến của Ukraine và Nga.
Giá lúa mì FOB 11.5% của Bulgaria, giao hàng trong tháng 3 ở mức 428 USD/tấn. Mức thấp nhất là 405 USD/tấn được cho là chỉ được cung cấp cho các điểm đến trong khối Châu Âu.
Trong khi đó, lúa mì 12.5% của Romania được chào bán ở mức $ 460-475 USD/tấn, cũng cho đợt giao hàng tháng 3.
Một nguồn tin thương mại cho biết Bulgaria đang thảo luận về hạn ngạch hoặc lệnh cấm xuất khẩu. Đó là lý do tại sao giá xuất khẩu giữa hai quốc gia có sự chênh lệch lớn trong khi thông thường, hai quốc gia được cho là có mức giá ngang nhau.
Số lượng chào hàng của Bulgaria đã rất thưa so với tuần trước, trong khi của Romania bị giới hạn cho các đơn giao hàng trong thời gian tiệm cận, vì các nhà giao dịch tránh thực hiện các vị trí trong một thị trường không chắc chắn như Biển Đen ở thời điểm hiện nay.
Hiện vẫn chưa rõ cuộc chiến ở Ukraine có thể ảnh hưởng đến nguồn cung lúa mì toàn cầu ở mức độ nào. Tuy nhiên, các nguồn tin giao dịch trên thị trường cho biết một lệnh cấm xuất khẩu lúa mì hoàn toàn khó có thể xảy ra, do các quốc gia khu vực Châu Âu sẽ phải tìm cách để đảm bảo rằng chuỗi cung-ứng thương mại Châu Âu có thể được duy trì.


Bài phân tích được thực hiện bởi đội ngũ Phân tích CTCP Saigon Futures - TVKD xuất sắc của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam năm 2020. Mọi thắc mắc về thị trường và tư vấn đầu tư, Quý NĐT vui lòng liên hệ:
Hotline: 0286 686 0068
Website: https://saigonfutures.com/
Fanpage: Saigon Futures Inc.


Broker listing

Cùng chuyên mục

Rủi ro đối với thị trường hàng hoá đang "nóng" hơn bao giờ hết khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang
Trần Quốc Khải

Trần Quốc Khải

Junior Editor

Rủi ro đối với thị trường hàng hoá đang "nóng" hơn bao giờ hết khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang

Sau hơn 1,000 ngày chiến sự, thị trường dường như đã quen với khả năng leo thang trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Tuy nhiên, các diễn biến gần đây - từ việc Kyiv sử dụng tên lửa được Mỹ cho phép để tấn công các mục tiêu tại Nga, đến việc Tổng thống Vladimir Putin cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả các cuộc tấn công phi hạt nhân được hỗ trợ bởi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân - đang đẩy xung đột lên một cấp độ đáng lo ngại.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ