Giới ngân hàng dậy sóng vì một nhân viên HSBC đau tim sắp chết nhưng việc đầu tiên nghĩ tới là cuộc họp với sếp vào sáng mai chứ không phải vợ
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Nhân viên ngân hàng HSBC đau tim sắp chết vì làm việc quá sức vẫn chỉ nghĩ về cuộc họp sáng mai với sếp chứ không phải vợ con.
Khoảnh khắc khi Jonny Frostick nhận ra mình bị đau tim, điều đầu tiên mà ông nghĩ đến là: "Mình có cuộc gặp với sếp vào ngày mai, bị thế này thì không ổn chút nào". Sau đó Frostick tiếp tục nghĩ về việc làm sao để gọi vốn cho một dự án, di chúc, và cuối cùng mới là vợ ông ta.
Frostick hiện đang là trưởng nhóm, quản lý 20 nhân viên làm việc trong các dự án dữ liệu của ngân hàng HSBC. Ông này đã kể về trải nghiệm suýt chết của mình trong một bài đăng Linkedin và ngay lập tức nó được lan truyền mạnh mẽ với gần 8 triệu lượt xem. Người đàn ông 45 tuổi này là nhân viên mới nhất trong ngành tài chính khiến mọi người phải đặt câu hỏi về văn hóa làm việc cho tới khi kiệt sức, khiến mối liên hệ giữa văn phòng và cuộc sống gia đình của người lao động bị đứt gãy.
"Thứ sáu tôi thường xuyên vẫn ngồi làm việc vào lúc 8 giờ tối, trong tình trạng kiệt sức, nghĩ về những thứ cần chuẩn bị cho thứ hai. Thế rồi những công việc phải làm nhiều qua, tôi biết mình không có thời gian để nghỉ và phải bắt đầu làm việc xuyên cuối tuần", Frostick nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ nhà của ông ấy ở Dorset. "Đó là trách nhiệm của tôi".
"Tất cả chúng ta đều mong muốn Jonathan sớm hồi phục hoàn toàn", phát ngôn viên của HSBC Heidi Ashley cho biết. "Phản ứng đối với chủ đề này cho thấy mọi người đều đang rất quan tâm tới vấn đề này và chúng tôi luôn khuyến khích mọi người đặt sức khỏe và phúc lợi của họ làm ưu tiên hàng đầu".
Frostick cho biết ông và các đồng nghiệp phải dành một lượng thời gian quá nhiều cho các cuộc họp qua Zoom và ngày làm việc có thể kéo dài đến 12 giờ. Đại dịch khiến mọi người phải làm việc từ xa khiến tình trạng quá tải họp hành xảy ra trầm trọng hơn. Ông nói: "Chúng tôi không thể có những cuộc trò chuyện khác bên cạnh bàn làm việc hoặc tại máy pha cà phê, hoặc đi dạo".
Frostick, người có ba con nhỏ, cho biết ông chịu trách nhiệm về việc làm việc quá sức và bỏ bê sức khỏe của mình mà đỉnh điểm là cơn đau tim. Bây giờ ông ấy muốn chia sẻ lời cảnh tỉnh của mình với người khác.
Frostick nói: "Tôi nợ bản thân và những người khác trách nhiệm. Điều này đã xảy ra với tôi, điều này có thể xảy ra với bạn. Bạn cần phải thay đổi điều đó". Ông muốn thúc đẩy cuộc trò chuyện xung quanh văn hóa làm việc sau đại dịch và hy vọng các nhà tuyển dụng sẽ thực hiện một cách tiếp cận linh hoạt hơn.
Trong bài đăng, Frostick tuyên bố sẽ thực hiện các thay đổi, bao gồm hạn chế các cuộc gọi Zoom, tái cấu trúc cách tiếp cận công việc của mình và dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Bài đăng của ông đã nhận được hơn 214.000 lượt thích và tạo ra hàng ngàn tin nhắn từ những người đang suy nghĩ lại về thái độ của họ.
Frostick hiện vẫn đang hồi phục sau thời gian nằm viện, và chỉ có đủ năng lượng để ra khỏi giường trong vài giờ mỗi ngày. Ông ấy đang tận hưởng thời gian với vợ con.
Hiện đã có một số lời mời về vị trí làm giám đốc không điều hành hoặc công việc tư vấn. Cũng có người đề nghị ông ta viết một cuốn sách. Quyết định viết bài đăng trên Linkedin được đưa ra vào thời điểm ông cảm thấy bấp bênh trong cuộc sống và tài chính.
Tuy nhiên, ông không đổ lỗi cho HSBC về các vấn đề sức khỏe của mình và lạc quan về triển vọng trong tương lai.
"Tôi không nghĩ rằng điều này sẽ phản ánh xấu về nơi tôi làm việc, tôi nghĩ rằng tình huống này khá nhất quán trong toàn ngành và tôi cho đó là lý do tại sao bài viết của mình được rất nhiều người chia sẻ", ông nói. "Nếu một tổ chức không muốn thuê tôi vì tôi thực sự đã dành một chút thời gian để suy ngẫm và viết ra điều này thì đó có lẽ không phải là nơi thích hợp để tôi làm việc".
link gốc tại đây
cafef tổng hợp từ bloomberg