Hiểu toàn diện phân tích cơ bản chỉ qua một bài viết
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Khi quan sát thị trường ngoại hối, các bạn sẽ thấy rằng, đôi lúc thị trường chạy theo các yếu tố toàn cầu, đôi lúc tập trung chủ yếu vào các yếu tố trong nước. Trong giai đoạn khủng hoảng toàn cầu, các yếu tố trong nước gần như không liên quan đến biến động tỷ giá. Ngược lại, khi tình hình thế giới ổn định, sự thay đổi trong nền kinh tế hay chính sách tiền tệ của một quốc gia sẽ là động lực chính chi phối giá trị đồng tiền. Vì vậy, trong bài viết này, tôi sẽ tổng hợp lại các yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến giá trị tiền tệ.
A. Các yếu tố toàn cầu
- Tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Tăng trưởng toàn cầu là một yếu tố quan trọng bởi vì nó ảnh hưởng đến dòng tiền của thế giới, do đó, quyết định đến sức mạnh của các đồng tiền. Khi kinh tế toàn cầu đi lên, các nước xuất khẩu nhiều sẽ được hưởng lợi. Khi kinh tế toàn cầu suy thoái, dòng tiền có xu hướng đổ vào các đồng tiền trú ẩn an toàn như JPY, CHF và USD.
- Giá cả hàng hóa
Sự biến động trên thị trường hàng hóa có tác động mạnh đến một số đồng tiền. Giá cả hàng hóa thường phụ thuộc vào tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nó còn chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố đặc thù như khí hậu, nguồn cung và nhu cầu của thị trường …
Các nước xuất khẩu hàng hóa sẽ hưởng lợi khi hàng hóa tăng giá. Ngược lại, các nước nhập khẩu hàng hóa nhiều sẽ bị thiệt hại. Khi một quốc gia chuyên xuất khẩu một loại hàng hóa nào đó, thì giá hàng hóa đó sẽ ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền của họ. Mức độ chuyên môn hóa càng cao thì mức độ ảnh hưởng sẽ càng tăng. Đồng tiền của các quốc gia này thường được gọi là đồng tiền hàng hóa – “commodity currency”. Ví dụ như CAD, AUD, NZD.
- Tâm lý sợ rủi ro của nhà đầu tư
Sự thay đổi trong tâm lý rủi ro của nhà đầu tư thường dẫn đến những biến động lớn trên thị trường ngoại hối. Trên thế giới có rất nhiều đồng tiền và mỗi đồng tiền có một đặc điểm khác nhau. Trong đó, có một số đồng tiền được coi là nơi trú ẩn an toàn. Khi thị trường lo sợ rủi ro – “risk - off”, các nhà đầu tư thường tìm đến những đồng tiền có lợi suất thấp như JPY, CHF, USD để trú ẩn, những đồng tiền “rủi ro” (như các đồng tiền hàng hóa) thường sẽ bị bán tháo. Xu hướng này sẽ ngược lại khi tâm lý rủi ro được cải thiện - “risk – on”.
- Địa chính trị
Các yếu tố địa chính trị có thể ảnh hưởng đến tâm lý rủi ro và có thể kích hoạt một đợt sóng lớn trong giá trị đồng tiền của các quốc gia chịu ảnh hưởng. Chiến tranh, bầu cử… hoặc những thay đổi chính sách trọng yếu tại một khu vực hoặc một quốc gia có thể là nguồn gốc của sự biến động địa chính trị này và là những sự kiện mà nhà đầu tư FX không thể bỏ qua.
B. Các yếu tố trong nước
- Chính sách tiền tệ
Chính sách tiền tệ (CSTT) là yếu tố trong nước quan trọng nhất quyết định giá trị đồng tiền. CSTT thường phản ánh kỳ vọng của Ngân hàng trung ương (NHTW) về tăng trưởng và lạm phát cũng như sự tác động của các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội khác. Lãi suất là công cụ chính của CSTT, nhưng khi các NHTW đã chạm đến “giới hạn 0”, họ buộc phải sử thêm công cụ nới lỏng định lượng (QE) để thực thi CSTT.
Có 3 trường phái chính sách tiền tệ: trung lập, thắt chặt hay diều hâu (hawkish) và nới lỏng hay bồ câu (dovish). Chính sách diều hâu thể hiện quan điểm muốn tăng lãi suất, còn chính sách bồ câu thể hiện ý định cắt giảm lãi suất của NHTW. Sự thay đổi trong quan điểm của NHTW đặc biệt quan trọng, thường tạo nên biến động lớn về tỷ giá. Vì vậy, đối với nhà giao dịch ngoại hối, việc theo sát và phân tích các báo cáo, các bài phát biểu của NHTW là điều vô cùng cần thiết.
Khi xem xét đến ảnh hưởng của yếu tố lãi suất đến tỷ giá, các trader FX nên đánh giá lãi suất hiện tại đang ở mức cao hay thấp? xu hướng sắp tới là tăng hay giảm? Hơn nữa, do các NHTW thường tập trung điều tiết lãi suất ngắn hạn, nhà đầu tư nên quan sát lãi suất trên cả đường cong từ ngắn hạn đến dài hạn, hình dạng của đường cong lãi suất cũng là một chỉ báo cho xu hướng biến động của đồng tiền theo như bảng tổng hợp sau đây:
Đồng tiền tăng giá khi |
Đồng tiền giảm giá khi |
Lãi suất cao (đồng tiền hấp dẫn) |
Lãi suất thấp (đồng tiền kém hấp dẫn) |
Tăng lãi suất |
Giảm lãi suất |
Đường cong lãi suất dốc lên – lãi suất ngắn hạn thấp hơn dài hạn, hình dạng bình thường, tốt cho nền kinh tế |
Đường cong lãi suất phẳng hoặc đảo ngược – lãi suất ngắn hạn có xu hướng cao hơn dài hạn, dấu hiệu của suy thoái |
Đường cong lãi suất dốc hơn (steepening) |
Đường cong lãi suất phẳng hơn (flattening) |
Và vì chúng ta đang xem xét một cặp tỷ giá nên việc đánh giá tương quan lãi suất tuyệt đối và xu hướng lãi suất của hai đồng tiền sẽ là một bước quan trọng để dự đoán tỷ giá.
Tăng trưởng kinh tế là yếu tố hỗ trợ cho đồng tiền của một quốc gia. Nếu một quốc gia tăng trưởng tốt sẽ thu hút dòng tiền đầu tư vào quốc gia đó, nhu cầu mua đồng nội tệ tăng lên giúp gia tăng giá trị đồng tiền và ngược lại. Tăng trường kinh tế có thể dự báo qua việc quan sát các chỉ số kinh tế.
Lạm phát có thể tốt hoặc có thể xấu cho đồng tiền của một quốc gia, nó phụ thuộc vào uy tín của NHTW. Đối với các nước phát triển (như G10), lạm phát tăng thường là tín hiệu tốt cho đồng tiền vì khi đó, các NHTW sẵn sàng tăng lãi suất để ứng phó, giữ lạm phát ở mức mục tiêu. Đối với các thị trường mới nổi, NHTW thường được cho là không phản ứng kịp thời bằng việc tăng lãi suất. Do đó, lạm phát tăng sẽ làm giảm lãi suất thực của đồng tiền (= lãi suất danh nghĩa – lạm phát) và từ đó, làm đồng tiền mất giá.
- Sự dịch chuyển dòng vốn
Dòng vốn nước ngoài bao gồm vốn đầu tư trực tiếp (FDI) hay đầu tư gián tiếp vào trái phiếu, cổ phiếu, các thương vụ mua bán sáp nhập xuyên biên giới… có thể ảnh hưởng lớn đến tỷ giá do các nhà đầu tư nước ngoài cần đổi đồng tiền của họ sang đồng nội tệ để tiến hành đầu tư. Yếu tố này thường ít ảnh hưởng đến các đồng G10 trừ những trường hợp đặc biệt, như sự kiện một quốc gia rời khỏi Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, đây lại là một yếu tố rất quan trọng đối với đồng tiền của các quốc gia mới nổi. Điều này các bạn cũng có thể thấy rất rõ khi quan sát ảnh hưởng của dòng vốn FDI đến tỷ giá USD/VND trong nước.
- Cán cân thương mại
Cán cân thương mại và tài khoản vãng lai là các yếu tố quyết định đến tỷ giá trong dài hạn, tuy nhiên, ít ảnh hưởng trong ngắn hạn. Thương mại toàn cầu phát triển, nhu cầu trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia sẽ đi cùng với nhu cầu trao đổi tiền tệ và ảnh hưởng đến các cặp tỷ giá. Mặt khác, chính tỷ giá lại có thể hỗ trợ hoặc gây bất lợi cho thương mại. Đồng nội tệ cao tương đối sẽ làm cho hàng hóa trong nước trở nên đắt đỏ hơn, hạn chế xuất khẩu và ngược lại. Vì vậy, để gia tăng lợi thế trong cạnh tranh thương mại, một số quốc gia có thể sử dụng biện pháp can thiệp vào thị trường ngoại hối.
- Chính sách tài khóa
Chính sách tài khóa của một quốc gia cũng có thể ảnh hưởng đến tỷ giá. Có một nguyên tắc mà chúng ta đã được học nhiều trong sách vở, đó là, chính sách tài khóa nới lỏng kết hợp cùng chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ làm cho đồng tiền mất giá. Ngược lại, hai chính sách cùng thắt chặt sẽ làm cho đồng tiền tăng giá. Chính sách tài khóa nới lỏng (tăng chi tiêu chính phủ) có thể kích thích tăng trưởng kinh tế và từ đó, gia tăng sức mạnh của đồng tiền. Tuy nhiên, nó cũng có thể làm cho nợ công tăng lên. Nếu vượt quá ngưỡng cho phép (tỷ lệ nợ công/GDP cao), có thể ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm của quốc gia và tác động xấu đến đồng tiền của quốc gia đó.
Trên đây là tổng hợp các yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến sự biến động tỷ giá. Các yếu tố này có thể tác động qua lại lẫn nhau hoặc bị chi phối bởi một yếu tố chính. Vì vậy, khi thực hiện phân tích cơ bản một cặp tiền tệ trong từng giai đoạn, bạn nên dừng lại một chút và quan sát xem đâu là những yếu tố đang đóng vai trò dẫn dắt thị trường và đâu là những yếu tố bổ trợ để từ đó, đưa ra quyết định đầu tư phù hợp.
Tài liệu tham khảo: “The Art of Currency Trading” - Brent Donnelly