Hoạt động kinh tế eurozone chậm lại do rủi ro bầu cử ở Pháp, lĩnh vực sản xuất gặp nhiều khó khăn
Thái Linh
Junior Editor
Sự phục hồi trong hoạt động kinh doanh của khu vực tư nhân của eurozone bất ngờ mất đà do kết quả của cuộc bầu cử sớm ở Pháp, gây áp lực lên các công ty, hoạt động sản xuất ghi nhận kết quả tồi tệ nhất trong năm.
Chỉ số PMI của S&P Global đã giảm xuống 50.8 trong tháng 6, thấp hơn mức dự đoán 52.5 của các nhà phân tích dù đây là lần thứ tư liên tiếp chỉ số này trên ngưỡng 50 báo hiệu sự tăng trưởng.
Hoạt động kinh tế eurozone chậm lại
Nền kinh tế châu Âu vẫn đang trong giai đoạn đầu phục hồi sau cuộc suy thoái nhẹ năm ngoái. Trong khi mức tăng trưởng vượt kỳ vọng trong quý đầu tiên, dữ liệu gần đây cho thấy xu hướng tăng trưởng có thể đang suy yếu. Hơn nữa, thông báo gây sốc của Tổng thống Emmanuel Macron về việc kêu gọi bầu cử sớm đã mang đến triển vọng về sự thay đổi căn bản trong chính phủ ở nền kinh tế lớn thứ hai khu vực.
Cyrus de la Rubia, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Thương mại Hamburg, cho biết hôm thứ 6 trong một tuyên bố: “Diễn biến bất ngờ này có thể gây ra nhiều bất ổn về các chính sách kinh tế trong tương lai, khiến nhiều công ty phải dừng đầu tư và đơn đặt hàng mới”. .
Ông nói: “Dù nhìn từ góc độ nào đi chăng nữa, hoạt động kinh tế suy yếu của Pháp là một trong những nguyên nhân lớn dẫn tới tình trạng kinh tế ngày càng tồi tệ hơn ở khu vực eurozone”, ông cũng dự đoán GDP eurozone sẽ tăng 0.2% trong quý hai.
Một thách thức lớn là lĩnh vực sản xuất khi dữ liệu PMI làm tiêu tan hy vọng rằng các nhà máy sẽ tìm lại được động lực sản xuất. Ngành công nghiệp Đức tiếp tục là một điểm yếu khi tiếp tục giảm so với tháng trước. Pháp cũng chứng kiến xu hướng tương tự, mặc dù tình trạng bất ổn ở nước này không quá tồi tệ.
Ông De la Rubia cho biết: “Ngành dịch vụ tiếp tục giúp cho khu vực eurozone phát triển. Mặc dù hoạt động kinh doanh không tăng nhiều như tháng trước và không đạt mức mà hầu hết các nhà phân tích mong đợi, nhưng mức tăng trưởng tổng thể vẫn ổn định.”
Lãi suất thấp hơn có thể là một “vị cứu tinh” trong tình hình này. ECB đã bắt đầu cắt giảm lãi suất từ mức kỷ lục trong tháng này và sẽ duy trì chính sách này nếu lạm phát tiếp tục giảm về mức mục tiêu đề ra.
Với việc mức tăng lương của người lao động vẫn tăng cao, thị trường đang định giá 100% ECB sẽ chỉ có một đợt cắt giảm 25 bps nữa trong năm nay, đưa lãi suất xuống 3.5%. Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã cảnh báo rằng lạm phát sẽ không giảm về mức mục tiêu 2% một cách thuận lợi. Bà cho biết: “Chúng ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức, tôi cho rằng quá trình hướng tới mục tiêu lạm phát 2% vẫn còn tiềm ẩn những khó khăn”.
Thị trường hy vọng rằng lạm phát hạ nhiệt và lãi suất giảm sẽ thúc đẩy người tiêu dùng trong quá trình phục hồi của châu Âu. Tuy nhiên, ông De la Rubia cảnh báo về những rủi ro trong quá trình giảm lạm phát, bao gồm giá bán của các nhà cung cấp dịch vụ tại Đức tăng mạnh hơn và lần đầu tiên chi phí đầu vào sản xuất tại khu vực eurozone tăng kể từ tháng 2/2023. Ông nói: “Các dữ liệu PMI đang không có đủ tác động để khiến ECB có một đợt cắt giảm lãi suất khác vào tháng 7.”
Chỉ số PMI đang được thị trường theo dõi sát sao và có khả năng tiết lộ xu hướng cũng như bước ngoặt trong nền kinh tế. Chỉ số này là thước đo mức độ thay đổi về sản lượng, do đó các cuộc điều tra kinh doanh đôi khi khó có thể liên hệ trực tiếp tới GDP hàng quý.
Dữ liệu PMI của Anh và Mỹ cũng sẽ được công bố vào thứ 6, cả hai dự kiến sẽ duy trì ở mức trên 50.
Bloomberg