Hướng dẫn giao dịch với Hỗ trợ và Kháng cự
Đỗ Duy Đạt
Associate Manager, FX G7
Hỗ trợ (Support) và Kháng cự (Resistance) là một công cụ mạnh mẽ trong giao dịch và hầu hết các chiến lược đều sử dụng phân tích Hỗ trợ/Kháng cự dù ít hay nhiều. Các vùng Hỗ trợ và Kháng cự thường xuất hiện xung quanh các khu vực quan trọng mà giá thường xuyên tiếp cận rồi sau đó đảo chiều. Bài viết này sẽ giải thích Hỗ trợ và Kháng cự là gì và giới thiệu các chiến lược giao dịch Hỗ trợ và Kháng cự phổ biến.
HỖ TRỢ VÀ KHÁNG CỰ LÀ GÌ?
Hỗ trợ và Kháng cự là một trong những trường phái phân tích kỹ thuật được sử dụng rộng rãi nhất trên thị trường tài chính. Đó là một phương pháp đơn giản để giúp phân tích biểu đồ một cách nhanh chóng nhằm xác định ba yếu tố quan trọng:
- Hướng đi của thị trường
- Thời điểm vào lệnh
- Thời điểm đóng lệnh bất kể lãi/lỗ
Nếu một trader có thể trả lời ba câu hỏi trên, thì về cơ bản họ đã có một ý tưởng giao dịch. Việc xác định các mức Hỗ trợ và Kháng cự trên biểu đồ có thể giúp trả lời những câu hỏi đó.
Hỗ trợ
Hỗ trợ là một khu vực trên biểu đồ mà giá giảm xuống nhưng không thể/rất vất vả để vượt qua. Biểu đồ trên cho thấy cách giá giảm xuống vùng Hỗ trợ và sau đó “bật lại” mạnh mẽ.
Về lý thuyết, hỗ trợ là mức giá mà tại đó nhu cầu (sức mua) đủ mạnh để ngăn giá tiếp tục giảm. Cơ sở lý luận đằng sau đó là khi giá ngày càng tiến gần đến vùng Hỗ trợ và trở nên “rẻ” hơn, phe mua sẽ nhận thấy “món hời” và có nhiều khả năng ra quyết định mua. Phe bán không muốn bán ra nữa, vì họ sẽ coi đó là một mức giá tệ hơn so với trước đó. Trong kịch bản này, cầu (người mua) sẽ vượt qua cung (người bán) và điều đó sẽ ngăn giá giảm xuống dưới vùng Hỗ trợ.
Kháng cự
Kháng cự là một khu vực trên biểu đồ mà giá tăng lên nhưng không thể/rất vất vả để vượt qua. Biểu đồ trên cho thấy cách giá tăng lên đến vùng kháng cự và sau đó “bật lại” mạnh mẽ.
Về lý thuyết, Kháng cự là mức giá mà tại đó lực cung (sức bán) đủ mạnh để ngăn giá tiếp tục tăng. Lý do đằng sau điều này là khi giá ngày càng tiến gần đến mức Kháng cự và trở nên “đắt” hơn, phe bán sẽ muốn bán ra ở vùng giá cao này, trong khi phe mua sẽ coi đó là một mức giá tồi tệ để mua vào. Trong kịch bản đó, cung (người bán) sẽ vượt qua cầu (người mua) và điều đó sẽ ngăn giá vượt qua ngưỡng Kháng cự.
4 CHIẾN LƯỢC GIAO DỊCH SỬ DỤNG HỖ TRỢ VÀ KHÁNG CỰ
Dưới đây là bốn chiến lược giao dịch phổ biến với Hỗ trợ và Kháng cự:
1) Giao dịch trong biên độ (Range Trading)
Giao dịch trong biên độ diễn ra trong vùng giá nằm giữa Hỗ trợ và Kháng cự, khi trader nhắm đến việc canh mua ở mức Hỗ trợ và canh bán ở mức Kháng cự. Hãy coi khu vực giữa Hỗ trợ và Kháng cự là một căn phòng. Hỗ trợ là sàn nhà và Kháng cự là trần nhà. "Range" xuất hiện khi thị trường đi ngang (sideway), không có dấu hiệu rõ ràng về xu hướng.
Mẹo giao dịch: Hỗ trợ và Kháng cự không phải lúc nào cũng là những mức giá hoàn hảo. Đôi khi giá sẽ bật lại từ một “vùng giá” chứ không phải là một “mức giá” cụ thể.
Trader cần xác định phạm vi giao dịch và do đó, cần xác định các khu vực Hỗ trợ và Kháng cự tương ứng. Vùng Hỗ trợ và Kháng cự có thể được xác định như trong biểu đồ dưới đây:
Khi thị trường giao dịch trong phạm vi, trader có xu hướng tìm kiếm các vị thế mua khi giá tiến đến vùng Hỗ trợ và vị thế bán khi giá tiến về vùng Kháng cự.
Rõ ràng là giá không phải lúc nào cũng "tôn trọng" các vùng Hỗ trợ và Kháng cự, đó là lý do tại sao trader nên cân nhắc đặt các điểm dừng lỗ dưới Hỗ trợ với vị thế mua và trên Kháng cự với vị thế bán.
Khi giá vượt ra khỏi phạm vi nói trên, điều này có thể do một cú bứt phá thật (breakout) hoặc một cú bứt phá giả (fakeout). Điều quan trọng là phải áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro hợp lý để hạn chế rủi ro khi thị trường phá vỡ phạm vi giao dịch.
2) Giao dịch phá vỡ (breakout)
Thông thường, sau một khoảng thời gian không rõ ràng về xu hướng, giá sẽ bứt phá và bắt đầu hình thành xu hướng. Trader thường tìm kiếm những nhịp bứt phá như vậy ở bên dưới Hỗ trợ hoặc bên trên Kháng cự để tận dụng đà tăng/giảm xa hơn. Nếu đà này đủ mạnh, nó sẽ có tiềm năng trở thành một xu hướng mới.
Tuy nhiên, trong nỗ lực tránh rơi vào bẫy “breakout” giả, các trader hàng đầu thường chờ đợi nhịp điều chỉnh (pullback) về hướng Hỗ trợ hoặc Kháng cự trước khi vào vị thế.
Ví dụ, biểu đồ dưới đây cho thấy mức Hỗ trợ mạnh trước khi phe bán đẩy giá xuống bên dưới vùng đó. Nhiều trader có thể bị cuốn theo và vội vàng vào lệnh Short đuổi theo. Thay vào đó, trader nên đợi phản ứng của thị trường (phe mua cố gắng giành lại quyền kiểm soát) để xuyên thủng trước vùng Hỗ trợ khi vào lệnh Short.
Trong kịch bản dưới đây, các trader nên đợi thị trường tiếp tục đi xuống, sau nhịp điều chỉnh, trước khi tìm kiếm các điểm vào lệnh.
3) Giao dịch theo đường xu hướng (Trendline)
Chiến lược giao dịch theo đường xu hướng sử dụng trendline làm Hỗ trợ hoặc Kháng cự. Rất đơn giản, chỉ cần vẽ một đường thẳng nối hai (hoặc nhiều) mức đỉnh trong một xu hướng giảm, hoặc hai (hoặc nhiều) mức đáy trong một xu hướng tăng. Trong một xu hướng mạnh, giá sẽ bật lại từ đường xu hướng và tiếp tục di chuyển theo xu hướng chính. Do đó, các trader chỉ nên tìm kiếm các cơ hội vào lệnh theo xu hướng chính để có xác suất chiến thắng cao hơn.
4) Sử dụng Đường trung bình (Moving Average) làm Hỗ trợ và Kháng cự
Đường trung bình (MA) có thể được sử dụng dưới dạng Hỗ trợ và Kháng cự động. Các đường trung bình phổ biến bao gồm đường trung bình động 20 và 50 kỳ, có thể được thay đổi một chút thành đường trung bình động 21 và 55 kỳ theo số Fibonacci. Nhiều trader cũng thường kết hợp giữa MA 100 và MA 200. Bạn sẽ phải tự tìm cho mình một thiết lập mà bạn cảm thấy thoải mái nhất.
Từ biểu đồ bên dưới, có thể thấy rõ rằng MA 55 ban đầu đóng vai trò là ngưỡng Kháng cự. Thị trường sau đó tạo đáy và đảo chiều, khiến đường MA 55 trở thành Hỗ trợ động. Các trader có thể sử dụng các đường trung bình này để đưa ra quyết định về khả năng thị trường tiếp tục xu hướng hay sẽ đảo chiều.
NHỮNG ĐIỀU CẦN NHỚ KHI SỬ DỤNG HỖ TRỢ VÀ KHÁNG CỰ
- Hỗ trợ và Kháng cự là một công cụ mạnh mẽ trong giao dịch và hầu hết các chiến lược đều sử dụng phân tích Hỗ trợ/Kháng cự dù ít hay nhiều.
- Các chiến lược sử dụng Hỗ trợ và Kháng cự có thể dựa trên việc giá "tôn trọng" các mức này (chiến lược giao dịch trong biên độ) hoặc kỳ vọng vào sự phá vỡ các vùng Hỗ trợ và Kháng cự (chiến lược giao dịch “breakout”).
- Giá sẽ không phải lúc nào cũng "tôn trọng" Hỗ trợ và Kháng cự. Ghi nhớ điều này, các trader cần kết hợp sử dụng các biện pháp quản lý rủi ro hợp lý để hạn chế thua lỗ trong trường hợp giá đi ngược với kỳ vọng.