Kế hoạch ngân sách của Trump gây thâm hụt gần gấp 5 lần so với đề xuất của Harris
Quế Anh
Junior Editor
Kế hoạch ngân sách của cựu Tổng thống Donald Trump sẽ làm thâm hụt ngân sách tăng thêm 5.8 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới, gần gấp năm lần so với đề xuất của Phó Tổng thống Kamala Harris.
Theo báo cáo về kế hoạch của ông, việc gia hạn vĩnh viễn các khoản cắt giảm thuế năm 2017 sẽ thêm hơn 4 nghìn tỷ USD vào thâm hụt ngân sách trong 10 năm tới. Đề xuất của Trump về loại bỏ thuế An sinh Xã hội sẽ tiêu tốn 1.2 nghìn tỷ USD, trong khi cam kết giảm thêm thuế doanh nghiệp sẽ làm tăng thêm gần 6 tỷ USD.
Phân tích về Harris thì chỉ ra kế hoạch của bà trong việc mở rộng các chương trình miễn thuế như chương trình hoàn thuế cho trẻ em, hoàn thuế thu nhập kiếm được và các khoản miễn thuế khác sẽ làm thâm hụt thêm 2.1 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới. Thâm hụt ngân sách cũng sẽ tăng lên 140 tỷ USD nếu đề xuất của Harris về khoản trợ cấp mua nhà được thực hiện, tức 25.000 USD cho tất cả những người mua nhà lần đầu đủ điều kiện.
Tuy nhiên, việc tăng thuế doanh nghiệp lên 28% từ mức hiện tại là 21%, như Harris đã đề xuất, có thể bù đắp một phần chi phí chi tiêu chính phủ bằng cách tăng thêm 1.1 nghìn tỷ USD. Ngoài việc tăng thuế doanh nghiệp, Harris còn bày tỏ sự ủng hộ đối với các biện pháp tăng doanh thu chính phủ trị giá 5 nghìn tỷ USD trong đề xuất ngân sách của Tổng thống Joe Biden cho năm tài khóa 2025.
Tuy nhiên, phần lớn nguồn thu theo đề xuất của Harris đi kèm với một yếu tố quan trọng: Sự chấp thuận của Quốc hội.
Ngược lại, Trump đã đề xuất chi trả cho kế hoạch của mình bằng cách áp đặt mức thuế quan 10% lên tất cả hàng nhập khẩu và 60% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, và những biện pháp này không cần Quốc hội thông qua để thực hiện. Trump tuyên bố rằng các chính sách thương mại này sẽ tác động đến sự tăng trưởng kinh tế dài hạn trong nước để bù đắp cho các chi phí ngắn hạn của chương trình kinh tế của ông.
Theo ước tính của Mark Zandi, kinh tế trưởng của Moody’s, các mức thuế của Trump có thể tạo ra khoảng 2.5 nghìn tỷ USD doanh thu. Mặc dù vậy, các nhà kinh tế cảnh báo một chính sách thuế cứng rắn như vậy có thể tái khởi động lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ tăng giá tiêu dùng mới bắt đầu hạ nhiệt.
Các chiến dịch của Trump và Harris đang cạnh tranh gay gắt, coi đối thủ như một mối đe dọa kinh tế. Mỗi bên cố gắng thu hút những cử tri mệt mỏi vì chi phí sinh hoạt cao.
"Chiến dịch 2025 của Donald Trump là một quả bom lạm phát và thâm hụt ngân sách, khiến tầng lớp trung lưu phải trả nhiều hơn và người giàu trả ít hơn," người phát ngôn của chiến dịch Harris, James Singer, nói trong một tuyên bố với CNBC.
Karoline Leavitt, người phát ngôn của chiến dịch Trump tuyên bố với CNBC: "Tổng thống Trump là một doanh nhân đã xây dựng nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ, và chắc chắn không cần những bài học kinh tế từ một người tự do cấp tiến tại San Francisco, người đang cố gắng thực thi các biện pháp kiểm soát giá cả mang tính cộng sản."
Chỉ hơn một tháng kể từ khi Biden rút khỏi cuộc đua, Harris đã vô cùng nỗ lực trong chiến dịch để triển khai kế hoạch kinh tế của mình.
Áp lực này càng gia tăng khi kinh tế trở thành điểm yếu xuyên suốt cho chiến dịch tranh cử của Đảng Dân chủ trong kỳ bầu cử này, khi những cử tri vẫn hoài niệm về nền kinh tế trước đại dịch dưới chính quyền Trump.
CNBC