Kinh tế thế giới: Tăng trưởng, lạm phát và những thách thức tiềm ẩn
Đặng Thùy Linh
Junior Analyst
Nhìn chung, có một vài yếu tố khiến lạm phát tăng hoặc giảm ở những quốc gia khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, báo cáo CPI của Mỹ sẽ là sự kiện chính trong tuần này khi thị trường tiếp tục tìm kiếm những dấu hiệu về triển vọng lạm phát.
GDP quý I/2024 của Anh gây bất ngờ vào cuối tuần trước khi đạt mức tăng trưởng 0.6%, cao hơn so với mức 0.4% khiêm tốn mà các nhà kinh tế dự đoán. Điều đó có nghĩa là nước Anh đã chính thức thoát khỏi suy thoái. Có lẽ điều quan trọng hơn đối với Thủ tướng Rishi Sunak là GDP bình quân đầu người đã tăng lần đầu tiên sau hai năm và Thống đốc Ngân hàng Anh đã đề cập đến việc cắt giảm lãi suất. Báo cáo FT cho biết hoạt động thâu tóm doanh nghiệp đối với các công ty Anh đã đạt mức đỉnh kể từ năm 2018 khi các nhà quản lý tài sản quốc tế nhận ra rằng cổ phiếu Anh tương đối rẻ. Thoạt nhìn, mọi thứ dường như đang ủng hộ Thủ tướng Sunak, nhưng điều đó khó có thể cứu vãn ông khỏi thất bại trong các cuộc bầu cử vào cuối năm.
Tăng trưởng kinh tế nhanh hơn có thể là con dao hai lưỡi. Nếu nền kinh tế phục hồi nhanh hơn, nó đặt ra câu hỏi về áp lực lạm phát - có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất mà Thống đốc Bailey đã gợi ý. Trong trường hợp của Anh, điều này có thể không phải là vấn đề vì kết quả GDP mạnh hơn được thúc đẩy bởi việc hình thành vốn cố định - cho thấy các doanh nghiệp đang đầu tư nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế - trong khi các hộ gia đình dường như đã nghe theo lời khuyên của Huw Pill khi chấp nhận rằng họ nghèo hơn và hạn chế chi tiêu.
Ở Canada có thể lại là một câu chuyện khác. Dữ liệu thị trường lao động trong tháng 4 cho thấy mức tăng trưởng việc làm đạt 90,000 trong tháng. Đây là sự phục hồi mạnh mẽ sau khi mất 2,200 việc làm trong tháng 3 và vượt xa mức ước tính là hơn 20,000 việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm (bất chấp tỷ lệ tham gia thị trường lao động tăng 1 điểm) xuống mức cao 6.1% và tốc độ tăng trưởng tiền lương theo giờ cũng cao hơn dự kiến ở mức 4.8% so với cùng kỳ năm ngoái (mặc dù thấp hơn con số 5% của tháng 3).
Do đó, xác suất 65% về khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 6 mà các nhà giao dịch HĐTL OIS dự đoán vào thứ Năm tuần trước đã đột ngột giảm xuống còn 45%. Thị trường cũng đang dự báo việc hạ lãi suất vào tháng 7, nhưng chỉ là dự báo.
Một thách thức khác cho cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu diễn ra vào thứ Sáu tuần trước khi bản cập nhật mới nhất về tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan được công bố. Niềm tin của người tiêu dùng giảm mạnh từ 77.2 vào tháng 4 xuống 67.4 vào tháng 5. Cả "điều kiện hiện tại" và "kỳ vọng tương lai" đều có vẻ ảm đạm, điều này có lẽ cho thấy thái độ "cả hai đều tồi tệ" đối với hai ứng cử viên hàng đầu cho chức Tổng thống Mỹ. Điều quan trọng là kỳ vọng lạm phát 1 nă m tăng vọt từ 3.2% lên 3.5%, và kỳ vọng 5-10 năm (thường là con số biến động thấp) tăng nhẹ từ 3% lên 3.1%. Ngay cả khi Jerome Powell "không nhận thấy đình lạm", thì có vẻ như người tiêu dùng có thể.
Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến có bài phát biểu quan trọng vào ngày mai, nhưng thời điểm này đặt ra một số thách thức tiềm ẩn. Phát biểu của ông Powell diễn ra sau khi công bố dữ liệu PPI tháng 4 nhưng trước báo cáo CPI. Báo cáo CPI dự kiến sẽ là tâm điểm chú ý của thị trường tài chính trong tuần này, bên cạnh đó còn có vấn đề không nhỏ liên quan đến việc áp thuế quan mới đối với xe điện Trung Quốc (cùng một số mặt hàng khác) dự kiến được công bố vào ngày mai. CPI được dự báo sẽ tăng 0.4% so với tháng trước, tương tự như tháng 3. Tuy nhiên, mức tăng 0.4% này không tương thích với mục tiêu lạm phát 2% hằng năm, do đó ông Powell có thể vẫn sẽ né tránh đưa ra những tuyên bố rõ ràng về đình lạm.
Những nền kinh tế như Nhật Bản, Trung Quốc và Australia gần đây đã gặp phải một số khó khăn trên con đường đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu. Dữ liệu tiền lương thực tế của lao động Nhật Bản tháng 3 được báo cáo vào tuần trước cho thấy mức tăng trưởng theo năm chỉ bằng chưa đến một nửa so với dự báo. Mặt khác, PPI của Trung Quốc tiếp tục rơi vào tình trạng giảm phát ở mức -2.5% trong tháng 4 (mặc dù CPI tăng nhẹ lên 0.3%) và tổng mức tài trợ giảm lần đầu tiên kể từ năm 2005.
Khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn và có vẻ như điều này đã bắt đầu khiến Tập Cận Bình lo lắng. Ông được cho là đang tìm cách bảo vệ các doanh nghiệp nhà nước, điều này cũng có thể giúp kiềm soát tình trạng "suy thoái bảng cân đối kế toán" đang diễn ra đối với các hộ gia đình Trung Quốc. Gói kích thích kinh tế được chờ đợi từ lâu có thể sắp được tung ra (theo một cách nào đó), nhưng chắc chắn không dành cho các nhà phát triển tư nhân, những người có thể quá gần gũi với chủ nghĩa tư bản phương Tây theo quan điểm của ông Tập.
Diễn biến của các công ty phát triển bất động sản Trung Quốc đặc biệt được Úc quan tâm, vì các loại hàng hóa phục vụ sản xuất thép và bê tông (quặng sắt, than cốc) đứng đầu danh sách các mặt hàng xuất khẩu chính của Úc.
Chính phủ Úc sẽ công bố báo cáo về ngân sách vào tối mai - đây là lần công bố thứ ba của Bộ trưởng Tài chính Jim Chalmers, và có thể ghi nhận khoản thặng dư thứ hai liên tiếp. Những thông tin rò rỉ hiện nay cho mấy một động lực tài chính hướng tới tăng trưởng nhiều hơn, điều này thường sẽ là mối lo ngại đối với Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) - ngân hàng đã duy trì lập trường trung lập về lãi suất một cách khó hiểu vào tuần trước, mặc dù đã điều chỉnh dự báo lạm phát tăng mạnh và dự báo thất nghiệp giảm.
Một nghi ngờ được dấy lên rằng RBA đã không phản ứng trước báo cáo lạm phát quý 1 mạnh mẽ vào một tuần trước đó do có thông tin cảnh báo trước từ Bộ Tài chính rằng các sáng kiến ngân sách sẽ làm giảm đáng kể chỉ số CPI. Bộ Tài chính được cho là dự báo CPI sẽ giảm xuống dưới 3% vào cuối năm do các khoản trợ cấp mới cho hóa đơn điện, hỗ trợ tiền thuê nhà và chăm sóc trẻ em sẽ chuyển gánh nặng thanh toán từ hộ gia đình sang chính phủ. Những khoản trợ cấp tăng thêm đó sẽ tự động làm giảm CPI được đo lường một cách máy móc, nhưng chúng sẽ không giảm bớt áp lực chi phí, thay vào đó sẽ được thanh toán thông qua hệ thống thuế. May mắn thay, ngân sách cũng sẽ bao gồm việc giảm thuế thu nhập.
Zerohedge