Kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng chậm lại trong quý III
Minh Anh
Junior Editor
Nền kinh tế Trung Quốc dự kiến đã tăng trưởng chậm lại trong quý 3, do bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái kéo dài trong lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng, tiếp tục tạo áp lực lên các quyết định về các biện pháp kích thích kinh tế để phục hồi tăng trưởng.
Theo khảo sát của Reuters, thị trường kỳ vọng dữ liệu công bố vào thứ Sáu sẽ cho thấy đà tăng trưởng 4.5% của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới so với cùng kỳ năm ngoái trong giai đoạn tháng 7-9, giảm từ mức 4.7% trong quý 2 và đây sẽ là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ quý 1 năm 2023.
Bắc Kinh sẽ công bố số liệu mới nhất trong bối cảnh các nhà chức trách đã bắt đầu tăng cường mạnh mẽ các biện pháp kích thích nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% mà chính phủ đặt ra cho năm 2024.
Khảo sát của Reuters cho thấy kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng 4.8% trong năm 2024, thấp hơn mục tiêu của Bắc Kinh, và có thể tiếp tục giảm xuống 4.5% vào năm 2025.
Nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng không đồng đều trong năm nay, với sản xuất công nghiệp vượt trội so với tiêu dùng trong nước, làm gia tăng nguy cơ giảm phát trong bối cảnh suy thoái ở lĩnh vực bất động sản và nợ công ngày càng tăng.
Các nhà hoạch định chính sách, vốn thường dựa vào đầu tư vào hạ tầng và sản xuất để thúc đẩy tăng trưởng, đã cam kết sẽ chuyển hướng tập trung sang kích thích tiêu dùng, nhưng thị trường đang chờ đợi thêm thông tin chi tiết về gói kích thích tài khóa dự kiến.
Theo khảo sát, nền kinh tế dự kiến đã tăng trưởng 1.0% trong quý 3 so với quý trước, so với mức tăng 0.7% trong quý 2.
Dữ liệu GDP sẽ được công bố vào thứ Sáu lúc 9h00. Dữ liệu riêng về các hoạt động kinh tế trong tháng 9 dự kiến sẽ cho thấy bức tranh kinh tế không đồng nhất, với doanh số bán lẻ tăng nhưng đầu tư lại có dấu hiệu giảm sút.
Dữ liệu gần đây đã làm gia tăng nguy cơ Trung Quốc rơi vào giai đoạn áp lực giảm phát kéo dài, trong khi triển vọng xuất khẩu, điểm sáng duy nhất của nền kinh tế trong năm nay có vẻ đang mờ nhạt hơn do các biện pháp hạn chế thương mại từ các đối tác nước ngoài.
Xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm mạnh trong tháng 9, trong khi nhập khẩu cũng chậm lại, thấp hơn dự báo rất nhiều, cho thấy các nhà sản xuất đang giảm giá để đẩy hàng tồn kho trước các rào cản thuế quan từ nhiều đối tác thương mại.
CPI của Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 9, trong khi giá sản xuất tiếp tục giảm sâu hơn, làm tăng áp lực lên Bắc Kinh phải có biện pháp kích thích nhu cầu trong bối cảnh xuất khẩu đang chững lại.
Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc cam kết "tăng đáng kể" nợ công để thúc đẩy tăng trưởng, nhưng không tiết lộ quy mô tổng thể của gói kích thích.
Caixin Global đưa tin rằng Trung Quốc có thể tăng thêm 6 nghìn tỷ CNY (khoảng 842.6 tỷ USD) từ trái phiếu đặc biệt trong ba năm tới để hỗ trợ nền kinh tế đang suy yếu thông qua việc mở rộng kích thích tài khóa.
Reuters cũng đã báo cáo vào tháng trước rằng Trung Quốc dự kiến phát hành trái phiếu đặc biệt trị giá khoảng 2 nghìn tỷ CNY trong năm nay như một phần của gói kích thích tài khóa mới.
PBOC vào cuối tháng 9 đã công bố các biện pháp hỗ trợ mạnh nhất kể từ đại dịch COVID-19, bao gồm cắt giảm lãi suất, bơm thanh khoản 1 nghìn tỷ CNY và các biện pháp khác để hỗ trợ thị trường bất động sản và chứng khoán.
Theo các nhà phân tích được Reuters khảo sát, dự kiến Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất cho vay kỳ hạn một năm khoảng 20 bps, cũng như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng trong quý 4 khoảng 25 bps.
Reuters