Lãi suất cao hơn: Liệu người dân Canada có "sức đề kháng" đủ tốt?
Ngọc Lan
Junior Editor
BoC cho rằng người dân có thể thích nghi với lãi suất cao hơn đồng thời cũng cảnh báo rủi ro từ việc định giá tài sản tăng và áp lực tài chính đối với người thuê nhà.
Trong báo cáo đánh giá hệ thống tài chính thường niên được công bố hôm thứ Năm, BoC cho biết người dân đang chủ động thích nghi trước việc lãi suất tăng cao. Hệ thống tài chính nhìn chung vẫn duy trì khả năng phục hồi. Mặc dù khoản vay thế chấp của khoảng một nửa số hộ gia đình tăng lên, các quan chức cho biết người dân có mức lương và tiết kiệm cao hơn, đồng thời các hộ gia đình cũng đang điều chỉnh chi tiêu để thích ứng.
Phó Thống đốc BoC Carolyn Rogers cho biết tại một cuộc họp báo: “Nhìn chung, các bằng chứng cho thấy các hộ gia đình có thể linh hoạt tiếp tục trả nợ với lãi suất cao hơn”.
Ngân hàng cho biết, nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp đã tích lũy tài sản lưu động trong thời kỳ đại dịch, và ngày càng nhiều người vay với các khoản thế chấp có lãi suất linh hoạt, thanh toán cố định đang thực hiện thanh toán một lần trước khi gia hạn.
Vì tình trạng căng thẳng tài chính diện rộng chưa xảy ra, các nhà hoạch định chính sách có nhiều dư địa để tập trung kiềm chế lạm phát khi cân nhắc thời điểm bắt đầu giảm lãi suất. Nếu các hộ gia đình Canada có thể thích nghi với môi trường lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, thì nhu cầu cắt giảm lãi suất ngay lập tức hoặc mạnh mẽ hơn sẽ giảm bớt, đặc biệt là trong bối cảnh rủi ro suy thoái giảm.
Nhiều người Canada đang gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ thẻ tín dụng và vay mua ô tô. BoC cho biết tỷ lệ người vay không có thế chấp bị trễ thanh toán các khoản vay trên đã quay trở lại hoặc vượt qua mức trước đại dịch. Cụ thể, hơn 10% người vay Canada không có thế chấp đang có số dư thẻ tín dụng bằng hoặc hơn 80% hạn mức cho vay của họ. Con số này đã tăng đáng kể so với mức thấp chỉ dưới 8% vào năm 2021.
Các nhà hoạch định chính sách cũng bày tỏ lo ngại về việc định giá tài sản tài chính, bao gồm cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp ở Mỹ và Canada, đang ở mức cao. Theo BoC, mức định giá này có thể không phản ánh đúng rủi ro đối với triển vọng kinh tế và do đó làm tăng khả năng xảy ra điều chỉnh giá hỗn loạn.
Số lượng doanh nghiệp phá sản tại Canada đã tăng mạnh trong những tháng gần đây khi các khoản vay hỗ trợ đại dịch hết hạn. BoC cho biết, nguyên nhân chính của sự gia tăng này là "hiệu ứng bắt kịp", khi các khoản vay đến hạn sau một thời gian trì hoãn do đại dịch. Tuy nhiên, lãi suất cao hơn và nhu cầu chậm lại cũng là những yếu tố góp phần làm tăng tình trạng phá sản doanh nghiệp.
Cứ 10 người Canada vay không thế chấp thì có 1 người đang nợ thẻ tín dụng gần chạm mức tối đa
Các quan chức cho biết các ngân hàng vừa và nhỏ là đối tượng dễ rủi ro nhất liên quan đến bất động sản thương mại, chiếm khoảng 20% các khoản vay, nhưng lưu ý rằng những rủi ro đó không tập trung vào một lĩnh vực duy nhất của hệ thống tài chính.
Trong cuộc họp báo, Thống đốc Tiff Macklem bày tỏ lo ngại về việc các quỹ đầu cơ thực hiện giao dịch chênh lệch lãi suất trên thị trường trái phiếu chính phủ. Đây là một giao dịch phổ biến ở Mỹ và đang phát triển ở Canada, nơi các nhà giao dịch tận dụng sự khác biệt về giá giữa trái phiếu và hợp đồng tương lai trái phiếu.
“Để khiến cho việc này trở nên có giá trị, bạn cần phải thực hiện rất nhiều giao dịch, và để thực hiện nhiều giao dịch, bạn cần phải vay tiền,” Macklem nói. Ông cảnh báo nếu trái phiếu đột ngột được định giá lại, các lệnh ký quỹ hoặc nhu cầu hủy bỏ các giao dịch đó có thể thực sự khuếch đại sự biến động của thị trường.
Ngân hàng cho biết trong báo cáo của mình, các quỹ đầu cơ và quỹ hưu trí đã khiến gia tăng sử đòn bẩy trong thị trường repo, lần lượt tăng 75% và 14% trong năm ngoái. Rủi ro này được khuếch đại bởi việc phát hành trái phiếu chính phủ nhiều hơn, điều có thể khiến lợi suất trái phiếu tăng lên.
Người Canada thuộc nhóm những người có nợ cao nhất trong các quốc gia phát triển, và giá nhà tăng cùng lãi suất cao đã đẩy khả năng chi trả nhà ở xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Ngân hàng cho biết, vào cuối năm 2023, hơn một phần ba các khoản vay thế chấp mới có tỷ lệ chi trả nợ lớn hơn 25%, tăng so với mức dưới một phần năm trước đại dịch.
Thống đốc Macklem và các quan chức sẽ họp để quyết định lãi suất lần tiếp theo vào ngày 5/6, và phần lớn các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Bloomberg dự đoán các nhà hoạch định chính sách sẽ cắt giảm lãi suất qua đêm xuống 4.75% tại cuộc họp đó. Thị trường dự đoán khả năng cắt giảm lãi suất là khoảng hai phần ba.
Áp lực lạm phát cơ bản đã giảm bớt trong ba tháng đầu năm, nhưng BoC cho biết họ muốn thấy thêm tiến triển trong việc giảm lạm phát trước khi cắt giảm lãi suất. Dữ liệu CPI của tháng 4, dự kiến sẽ được công bố vào ngày 21/5, là một yếu tố quan trọng.
Bloomberg