Lạm phát Nhật Bản tăng trong tháng 5, hỗ trợ kịch bản BoJ tăng lãi suất
Trần Phương Thảo
Junior Analyst
Lạm phát của Nhật Bản tăng nhanh do chi phí năng lượng tăng cao, ủng hộ khả năng BoJ xem xét tăng lãi suất trong những tháng tới
Bộ Nội vụ công bố vào thứ Sáu rằng CPI không bao gồm thực phẩm tươi sống đã tăng 2.5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức 2.2% trong tháng 4. Con số này thấp hơn một chút so với sự đồng thuận của các nhà kinh tế trong khi vẫn cao hơn mục tiêu 2% của BoJ trong tháng thứ 26. Lạm phát được thúc đẩy bởi giá điện tăng 14.7%.
Kết quả trên toàn quốc gần như phù hợp với số liệu tháng 5 của Tokyo được công bố ba tuần trước.
Lạm phát Nhật Bản duy trì trên mức mục tiêu 2% tháng thứ 26 liên tiếp
Lạm phát toàn phần đã tăng trở lại sau hai tháng giảm tốc, tạo cơ sở hợp lý để BoJ xem xét tăng lãi suất sớm nhất là vào tháng tới. Trước đó, BoJ đã tuyên bố sẽ cung cấp thông tin chi tiết về kế hoạch giảm lượng mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản trong cuộc họp tháng 7. Theo Nobuyasu Atago, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu kinh tế chứng khoán Rakuten, việc liệu báo cáo hôm thứ Sáu có đủ mạnh để thúc đẩy một động thái hay không vẫn còn là một câu hỏi.
Atago cho biết: “Sự phục hồi của CPI nằm trong phạm vi dự kiến và tôi không nghĩ riêng báo cáo này sẽ là yếu tố quyết định cho đợt tăng lãi suất tiếp theo của BoJ. Tôi không nghĩ BoJ có thể nói rằng sự chắc chắn về việc đạt được mục tiêu lạm phát 2% đã tăng lên chỉ nhờ báo cáo này.”
Atago cho biết BoJ có thể sẽ chờ đến khi có dữ liệu tăng trưởng kinh tế quý 2 được công bố vào tháng 8.
Nhà kinh tế Taro Kimura cho biết: “Sự tăng trưởng chủ yếu do yếu tố chi phí đẩy chứ không phải do nhu cầu tăng cao. Có rất ít bằng chứng cho thấy tăng trưởng tiền lương nhanh hơn sẽ thúc đẩy lạm phát dịch vụ, vốn là kịch bản mà BoJ đã đặt cược. Tuy nhiên, việc lạm phát cơ bản cao hơn mục tiêu lạm phát 2% là phù hợp với triển vọng của ngân hàng trung ương.”
Hiện tại, Thống đốc Kazuo Ueda vẫn để ngỏ các lựa chọn. Tuần trước khi được hỏi liệu các nhà chức trách có thể tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 7 hay không, Ueda trả lờ: " Tất nhiên, miễn là dữ liệu đảm bảo một động thái như vậy." Ông còn nhấn mạnh thêm khả năng tăng lãi suất sớm khi phát biểu tại quốc hội hôm thứ Ba khi chỉ ra rằng rất có thể lãi suất chính sách sẽ được tăng vào tháng tới, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và tài chính.
Tuy nhiên, vẫn có lý do để thận trọng. Một thước đo sâu hơn về lạm phát là CPI loại trừ giá thực phẩm tươi sống và năng lượng đã tăng 2.1% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 5, đánh dấu tháng thứ chín liên tiếp hạ nhiệt. Tốc độ tăng giá dịch vụ - điều mà BoJ nhấn mạnh là yếu tố chính trong các cân nhắc chính sách của mình, đã giảm xuống mức 1.6% sau khi giảm mạnh xuống còn 1.7% vào tháng 4. Sự giảm tốc đó có thể cho thấy các doanh nghiệp ngày càng miễn cưỡng trong việc tăng giá vì chi phí cao ngày càng làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng.
Atsushi Takeda, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Itochu cho biết: “Lạm phát dịch vụ yếu, điều này tác động tiêu cực đến chính sách tiền tệ. Tình huống lý tưởng là mức tăng lương sẽ được kết chuyển vào giá cả và giá cả sẽ tăng ổn định.”
Trong số các thành phần ảnh hưởng đến chỉ số, thực phẩm chế biến đóng vai trò lớn khi tốc độ tăng giá của ngành hàng này giảm xuống mức 3.2% - một phần do tác động cơ bản. Theo khảo sát mới nhất của Teikoku Databank, số lượng mặt hàng thực phẩm tăng giá trong tháng 5 chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tương lai, tồn tại cả rủi ro giá cả tăng và giảm. Một trong những yếu tố chính đẩy giá cao hơn là sự suy yếu của đồng Yên. USDJPY tiến gần mức đỉnh trong 34 năm.
Cặp tiền tăng lên ngưỡng 159.00, dẫn đến một loạt sự can thiệp bằng ngôn từ của các quan chức Nhật Bản. Thứ trưởng Tài chính Masato Kanda cho biết ông không thay đổi quan điểm trong việc thực hiện các biện pháp thích hợp nếu có biến động tiền tệ quá mức.
Khoảng cách lớn giữa lãi suất của Nhật Bản và lãi suất của các nước khác dự kiến sẽ gây áp lực lên JPY và tiếp tục gây ra việc tăng giá do nhập khẩu. Dữ liệu thương mại trong tháng 5 cho thấy thâm hụt thương mại của Nhật Bản tăng lên hơn 1 nghìn tỷ yên (6.3 tỷ USD).
Ueda cho biết các nhà chức trách cần theo dõi xem đồng Yên và giá nhập khẩu đang ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế nói chung.
Một rủi ro tăng giá khác bắt nguồn từ chính sách năng lượng. Chính phủ bắt đầu loại bỏ dần các khoản trợ cấp tiện ích vào tháng 5, các chính sách từng giúp giảm hóa đơn điện và gas tiêu dùng tới 20%. Các nhà kinh tế nhận thấy việc chấm dứt trợ cấp, cùng với việc tăng thuế năng lượng tái tạo, đẩy tỷ lệ lạm phát lên tới 3% trong mùa hè.
Mặt khác, tiêu dùng trầm lắng là yếu tố làm dịu lạm phát. Tâm lý người tiêu dùng Nhật Bản trở nên tồi tệ nhất trong hai năm vào tháng 5, khi các hộ gia đình ngày càng lo ngại về lạm phát dai dẳng.
Liệu Nhật Bản có thể đạt được một nền kinh tế lành mạnh nhờ chu kỳ tăng trưởng tiền lương - giá cả dương do nhu cầu dẫn dắt hay không cũng là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự của Thủ tướng Fumio Kishida. Việc tăng lương có hiệu lực từ tháng 6 và việc giảm thuế thu nhập của chính phủ dự kiến sẽ thúc năng thu nhập khả dụng của người dân. Tuy nhiên, việc thu nhập tăng thêm có thúc đẩy tiêu dùng và giá cả vẫn còn là điều cần phải xem xét.
Thủ tướng đang đặt hy vọng vào việc tăng trưởng kinh tế, khi cơ hội lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền trong cuộc bầu cử tiếp theo dần mờ nhạt. Hai cuộc thăm dò cuối tuần qua cho thấy mức độ tán thành của cử tri giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2021.
Bloomberg