Lạm phát tại Đức bất ngờ tăng tốc, thách thức mục tiêu của ECB và đà phục hồi kinh tế
Thành Duy
Junior editor
Lạm phát tại Đức bất ngờ tăng tốc trong tháng 4, lần đầu tiên kể từ tháng 12, đặt ra thách thức cho mục tiêu lạm phát 2% của ECB. Theo đó, lạm phát tại Đức đã tăng 2.4%, vượt qua dự báo 2.3% của các nhà kinh tế. Năng lượng là yếu tố chính thúc đẩy cho đà tăng này.
Thực tế tương tự cũng đang diễn ra ở các nước châu Âu khác. Tại Tây Ban Nha, lạm phát tăng vọt lên 3.4% sau khi chính phủ giảm trợ cấp năng lượng. Trong khi đó, lạm phát ở Ireland giảm nhẹ từ 1.7% xuống 1.6%.
Lạm phát tại Đức tăng trở lại
Dữ liệu lạm phát cho toàn khu vực đồng Euro với 20 quốc gia, dự kiến công bố vào thứ Ba, có khả năng sẽ giữ nguyên ở mức 2.4%. Đây là dự báo được hỗ trợ bởi phân tích của Bloomberg Economics. Tuy nhiên, lạm phát lõi (không bao gồm các mặt hàng dễ biến động như năng lượng và thực phẩm) dự kiến sẽ tiếp tục giảm.
Sự giảm nhiệt của lạm phát từ mức đỉnh hai con số vào năm 2022 đã khiến ECB lên kế hoạch giảm lãi suất lần đầu tiên vào tháng 6. Mức độ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay vẫn đang được thảo luận sôi nổi do triển vọng kinh tế còn nhiều bất ổn.
Nhận định từ Bloomberg Economics:
"Lạm phát của Đức tăng nhẹ trong tháng 4 do chi phí năng lượng cao hơn và có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong tháng tới do mối liên đới đến các hoạt động vận tải. Tuy nhiên, xu hướng chung vẫn là giảm,” theo nhà kinh tế Martin Ademmer.
Các nhà hoạch định chính sách đang đặc biệt quan tâm đến giá dịch vụ trong nước, vốn đã liên tục đi lên trong những tháng gần đây. Nguyên nhân chính là mức tăng lương mạnh nhằm bù đắp cho chi phí sinh hoạt leo thang.
"Mục tiêu lạm phát vẫn tiềm ẩn rủi ro do sự kết hợp giữa thực trạng năng suất tăng chậm trong khi lương tăng nhanh, tác động đến áp lực lạm phát chung của nền kinh tế", bà Fritzi Koehler-Geib, kinh tế trưởng của ngân hàng phát triển Đức KfW cảnh báo.
Mặc dù vậy, thu nhập cao hơn được xem là điều kiện tiên quyết cho phục hồi kinh tế đang diễn ra. Niềm tin kinh doanh tại Đức đã được cải thiện và hoạt động kinh tế đang tăng tốc, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ. Điều này cho thấy nền kinh tế Đức có thể đã tránh được suy thoái vào mùa đông.
Việc các quốc gia châu Âu dần loại bỏ các biện pháp hỗ trợ được cho là yếu tố chính khiến lạm phát có thể đi ngang trong phần còn lại của năm, dao động quanh mức mục tiêu 2%. Tại Đức, việc chấm dứt chính sách giảm thuế đối với khí đốt tự nhiên đã góp phần đẩy giá lên trong tháng này.
Mặc dù Văn phòng Thống kê Đức không công bố số liệu trong báo cáo sơ bộ, dữ liệu khu vực cho thấy lạm phát lõi có thể giảm xuống 2.9% từ 3.2%, theo Bloomberg Economics. Dự báo giá sẽ tăng nhanh hơn nữa trong tháng 5, chủ yếu do hiệu ứng giá cả liên quan đến vận tải. Tuy nhiên, xu hướng giảm sâu hơn dự kiến sẽ tiếp tục sau khi cú sốc giá năng lượng lắng xuống và các vấn đề chuỗi cung ứng được giải quyết.
Bloomberg