Lợi suất trái phiếu tiếp tục thoái lui, Dow Jones tăng hơn 550 điểm
Đoàn Phương Thảo
Junior Analyst
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm khi các nhà đầu tư kỳ vọng Fed đã có thể hoàn tất việc tăng lãi suất cho năm 2023.
Chỉ số Dow Jones tăng 564.5 điểm, tương đương 1.7%, đạt mức 33,839.08, phiên tốt nhất kể từ tháng 6. S&P 500 tăng 1.89% và đóng cửa ở mức 4,317.78, phiên tốt nhất kể từ tháng 4. Đây cũng là lần đầu tiên S&P 500 ghi nhận 2 phiên tăng hơn 1& liên tiếp hơn kể từ tháng 2. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 1.78% và đóng cửa ở mức 13,294.19, đánh dấu phiên tốt nhất kể từ tháng 7.
Trong tuần qua, S&P 500 tăng khoảng 4.9% và chỉ số Dow Jones tăng 4.4%. Nasdaq đang trên đà tăng hơn 5%.
Nhìn chung, đà tăng diễn ra trên diện rộng với tất cả 11 lĩnh vực của S&P 500 kết thúc ngày trong sắc xanh, dẫn đầu là năng lượng và bất động sản đều tăng 3.1%.
Lợi suất trái phiếu giảm, trong đó lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm khoảng 12 điểm cơ bản xuống 4.668% sau khi đạt mức 5% vào tháng trước.
Dữ liệu được công bố vào sáng thứ Năm cho thấy lạm phát hạ nhiệt và thị trường lao động nới lỏng, khiến thị trường kỳ vọng Fed đã hoàn tất việc tăng lãi suất. Bộ Lao động Mỹ cho biết chi phí lao động bất ngờ giảm trong quý III. Và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần tăng lên 217,000.
Fed đã giữ nguyên lãi suất lần thứ hai liên tiếp, hỗ trợ chứng khoán tăng điểm vào thứ Tư.
“Đây là sự phục hồi sau một vài tháng ảm đạm trên thị trường chứng khoán, khi trái phiếu bị bán tháo. Cuộc họp của Fed đã ở phía sau ta. Bây giờ ta có thể chờ đợi dữ liệu kinh tế và xem liệu điều đó có xác nhận rằng Fed có thể hoàn toàn ngừng tăng lãi suất hay không”, Megan Horneman, giám đốc đầu tư tại Verdence Capital Advisors, cho biết.
Tuy nhiên, bà lo ngại các nhà đầu tư có thể quá lạc quan khi Chủ tịch Jerome Powell lưu ý rằng sẽ không loại trừ việc tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 12.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy lạm phát vẫn còn nhiều biến động. Điều khiến chúng tôi lo ngại là lạm phát cực kỳ dễ bùng phát trở lại.”
CNBC