Lý giải đà tăng khó hiểu của giá bằng lý thuyết "kẻ ngốc hơn"
Tùng Trịnh
CEO
Lý thuyết Greater Fool (kẻ ngốc hơn) là một lý thuyết về tâm lý học hành vi, lập luận rằng giá tăng bởi vì mọi người có thể bán chứng khoán được định giá quá cao cho một "kẻ ngốc hơn", cho dù chúng có được định giá quá cao hay không. Đó là tất nhiên, cho đến khi không còn kẻ ngốc nào dại dột hơn nữa.
Đầu tư theo lý thuyết Greater Fool có nghĩa là bạn bỏ qua việc định giá, báo cáo thu nhập và tất cả các dữ liệu khác. Tất nhiên, việc bỏ qua các nguyên tắc cơ bản có thể đem đến rủi ro; và do đó, những người theo lý thuyết này có thể bị "kẹt hàng" khi giá điều chỉnh.
Tìm hiểu về lý thuyết Kẻ ngốc hơn
Nếu hành động theo lý thuyết Kẻ ngốc hơn, nhà đầu tư sẽ mua chứng khoán mà không quan tâm đến chất lượng của chúng. Nếu lý thuyết này đúng, nhà đầu tư sẽ vẫn có thể bán chúng cho một ai đó "ngu ngốc hơn” ngoài kia, một kẻ cũng đang hy vọng có thể tiếp tục bán chúng đi và kiếm lời một cách nhanh chóng. Thật không may, bong bóng đầu cơ cuối cùng sẽ vỡ, dẫn đến sự sụt giá nhanh chóng của giá tài sản.
Trong một số trường hợp, lý thuyết Kẻ ngốc hơn không hiệu quả, chẳng hạn như khủng hoảng và suy thoái kinh tế. Vào năm 2008, khi các nhà đầu tư nắm giữ các loại chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp, rất khó để tìm được người mua lại chúng khi thị trường sụp đổ.
Năm 2004, tỷ lệ sở hữu nhà ở Hoa Kỳ đã đạt mức cao nhất là 70%. Vào cuối năm 2005, giá nhà bắt đầu giảm, dẫn đến Chỉ số Xây dựng Nhà của Hoa Kỳ giảm 40% trong năm 2006.
Nhiều người đi vay nợ dưới chuẩn không còn chịu được lãi suất cao và bắt đầu vỡ nợ. Các công ty tài chính và quỹ đầu cơ sở hữu hơn 1 nghìn tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng các khoản thế chấp dưới chuẩn này cũng bắt đầu lâm vào cảnh khốn đốn.
Thuyết Kẻ ngốc hơn và định giá nội tại
Một trong những lý do khiến việc tìm kiếm người mua chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 trở nên khó khăn là vì số chứng khoán này được đảm bảo trên những khoản nợ có chất lượng rất kém. Trong mọi tình huống, điều quan trọng là phải tiến hành thẩm định kỹ lưỡng về một khoản đầu tư, trong đó có cả mô hình định giá, để xác định giá trị cơ bản của nó.
Định giá là một thuật ngữ rộng bao gồm một loạt các phân tích định tính và định lượng. Một số khía cạnh của việc thẩm định có thể bao gồm tính toán vốn hóa hoặc tổng giá trị của công ty; xác định xu hướng doanh thu, lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận; nghiên cứu đối thủ cạnh tranh và xu hướng của ngành; cũng như đặt khoản đầu tư vào bối cảnh thị trường rộng lớn hơn —tính toán các hệ số nhất định như PE (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu), P/S (hệ số giá/doanh thu), hoặc PEG. Các nhà đầu tư thậm chí còn tìm hiểu sâu hơn về cách thức quản lý của doanh nghiệp (tác động và phương pháp ra quyết định của họ), cơ cấu cổ đông (phân tích ai sở hữu phần lớn cổ phần của công ty và có quyền biểu quyết mạnh nhất).
Ví dụ về lý thuyết Kẻ ngốc hơn
Giá của Bitcoin thường được coi là một ví dụ về lý thuyết Kẻ ngốc hơn. Tiền điện tử không có giá trị nội tại (với một số người, mặc dù đây là một lĩnh vực tranh luận), tiêu thụ một lượng lớn năng lượng chỉ để lấy về các dòng mã được lưu trữ trong mạng máy tính. Bất chấp những lo ngại này, giá Bitcoin vẫn tăng chóng mặt trong những năm qua.
Vào cuối năm 2017, Bitcoin đã chạm mức đỉnh 20,000 đô la. Bị thu hút bởi đà tăng này, các nhà giao dịch và nhà đầu tư nhanh chóng mua và bán tiền điện tử, với hy vọng (theo phương tiện truyền thông đưa tin) rằng sau này sẽ bán lại với giá cao hơn cho người khác. Lý thuyết Kẻ ngốc hơn đã giúp giá Bitcoin tăng vọt trong một khoảng thời gian ngắn khi nhu cầu vượt xa nguồn cung của tiền điện tử.
Tuy nhiên, giai đoạn 2020-21 lại chứng kiến Bitcoin tăng lên mức cao mới, chạm đỉnh lịch sử trên $60,000 và sau đó dao động trên mốc $50,000 đô la trong nhiều tuần. Tuy nhiên, trong sóng tăng lần này, các nhà đầu tư của tổ chức lớn và các tập đoàn như Tesla và Apple đã mua vào - tạo ra một cuộc tranh cãi liệu đây có phải là những trò ngu ngốc hay không. Giờ đây, có lẽ Bitcoin không còn là một ví dụ hoàn hảo cho lý thuyết kẻ ngốc hơn.