Lý giải vì sao Gamestop suýt khiến cả hệ thống tài chính đi đến bờ vực sụp đổ
Tùng Trịnh
CEO
"Điều tôi muốn nói ở đây là chúng ta đã tiến gần đến sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống một cách nguy hiểm, và dường như không ai ý thức hết được điều đó, ngay cả Quốc hội và các cơ quan quản lý."
Đó là nhận xét của Thomas Peterffy, người sáng lập và chủ tịch của Interactive Brokers, khi ông nhắc đến tình trạng tồi tệ mà thị trường chứng khoán trải qua vào cuối tháng 1, khi nhà đầu tư cá nhân trên các trang mạng xã hội tập hợp nhau lại để đưa những mã cổ phiếu vốn đang bị bán khống mạnh mẽ, trong đó có GameStop Corp (GME), và chuỗi AMC Entertainment Holdings (AMC) lên mức cao ngất ngưởng.
Peterffy giải thích rằng làn sóng đóng cắt lỗ vị thế Short đã làm rung chuyển các trung tâm thanh toán bù trừ, và buộc một số công ty môi giới cố gắng tự bảo vệ mình bằng cách tăng yêu cầu ký quỹ và giới hạn giao dịch ở một số cổ phiếu để ngăn chặn sự hỗn loạn trên diện rộng.
Bình luận của Peterffy được đưa ra trước phiên điều trần rất được mong đợi vào thứ Năm, nơi Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện sẽ làm việc với các giám đốc điều hành từ Robinhood Market, Melvin Capital và Kenneth Griffin, người sở hữu quỹ đầu cơ Citadel LLC và chi nhánh giao dịch chứng khoán của hãng này là Citadel Securities, công ty truyền thông xã hội Reddit, và Keith Gill, một nhà đầu tư độc lập, người đã tạo được danh tiếng bất ngờ trong vụ GameStop, cũng sẽ bị thẩm vấn về vai trò của họ trong cơn bão giao dịch điên cuồng châm ngòi cho đợt bán tháo nhỏ của Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite.
Các trung tâm thanh toán bù trừ đóng một vai trò quan trọng đối với các thị trường từ cổ phiếu đến chứng khoán phái sinh. Họ đứng giữa các bên tham gia giao dịch để đảm bảo hợp đồng được thực thi và thanh toán. Và đây chính là trung tâm của vấn đề.
Peterffy cho biết các giao thức hiện có xung quanh việc bán khống có thể dẫn đến thảm họa trên thị trường chứng khoán bởi vì, trong một số trường hợp, cổ phiếu của công ty mà những người bán khống nhắm mục tiêu vượt quá tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
“Vì vậy, khi giá tăng cao, các công ty môi giới mặc định giữ trạng thái Short và giờ đây họ phải đóng chúng lại, [và] điều đó khiến giá tăng cao hơn nữa, các nhà môi giới có nguy cơ vỡ nợ với trung tâm thanh toán bù trừ, chúng sẽ tạo ra một mớ hỗn độn không thể phân loại được, ”chủ tịch Interactive Brokers nói với CNBC. "đó là những gì gần như đã xảy ra."
Trong lời khai chuẩn bị trước phiên điều trần của mình, Giám đốc điều hành của Robinhood, Vlad Tenev, đã đưa ra quan điểm của mình về diễn biến trong tháng 1: “Những gì chúng tôi trải qua tháng trước chưa từng có trong tiền lệ, và các giới hạn giao dịch mà chúng tôi đặt ra cho GameStop cũng như các cổ phiếu khác là cần thiết để cho phép chúng tôi tiếp tục đáp ứng các yêu cầu tiền gửi của trung tâm thanh toán bù trừ, để hỗ trợ giao dịch của khách hàng trên nền tảng của chúng tôi."
Giám đốc điều hành Robinhood nói rằng sàn giao dịch này ghi nhận rủi ro VAR đã tăng gần 600% từ 202 triệu đô la vào ngày 25 tháng 1 lên 1.4 tỷ đô la vào ngày 28 tháng 1.
Sự gia tăng trong yêu cầu ký quỹ đã buộc Robinhood phải huy động thêm 3.4 tỷ đô la vốn để cho phép khách hàng tiếp tục giao dịch bình thường trên nền tảng của mình.
Peterffy nói rằng các nhà lập pháp và cơ quan quản lý có thể giải quyết các vấn đề hiện tại xung quanh việc bán khống bằng cách kêu gọi dữ liệu thường xuyên hơn về bán khống và tăng dần yêu cầu ký quỹ cũng như đòn bẩy được sử dụng để bán khống cổ phiếu.