Một yếu tố cơ bản của thị trường chứng khoán Mỹ đã thay đổi
Đức Nguyễn
FX Strategist
Các F0 trên thị trường chứng khoán Mỹ chuẩn bị được học một bài học đầy đắng cay về “bật” và “phóng.”
Một pha “bật” không có ngoại lực tác động và dựa vào động lực từ việc đi xuống để lấy đà cất cánh. Một pha “phóng” sử dụng ngoại lực để vượt qua sức hút của trọng lực và lên tới những mức không thể đạt được chỉ với nội lực.
Tháng 3/2020, thị trường chứng khoán đã có một pha phóng rất mạnh nhờ nguồn nhiên liệu dồi dào từ chính sách tài khóa và tiền tệ. Những sự kiện như vậy đã quá đỗi quen thuộc trong thập kỷ trước.
Lần cuối cùng chứng khoán bật lại là năm 2008, nhưng môi trường chính sách như vậy không hiếm trong những thập kỷ trước khủng hoảng tài chính toàn cầu. Một số sẽ hỏi tại sao các nhà hoạch định chính sách lại muốn giới đầu tư quay về thời đồ đá đó, nhưng sự phát triển chỉ có thể nhìn thấy trong dài hạn. Tiếp tục nói về thị trường và vũ trụ, Neil Armstrong là sứ giả của một thời đại mới khi trở thành người đầu tiên bước chân lên mặt trăng 52 năm trước. Và, kể từ thời điểm lịch sử đó, gần 50 năm nay con người vẫn chưa trở lại mặt trăng.
Tại sao thị trường sẽ cảm nhận thấy thay đổi? Vì chính lý do ta không quay lại mặt trăng nữa: tiền. Cuộc đua vũ trụ là một thách thức khổng lồ với Mỹ thời chiến tranh lạnh, và không khó để tìm lý do đổ hàng đống tiền vào đó. Một khi đã hoàn thành nhiệm vụ, người ta cho rằng tiếp tục các chương trình vũ trụ quá đắt. Như hiện tại, giữa tình hình đại dịch, các chính trị gia sẵn sàng ủng hộ các gói kích thích tài khóa khổng lồ. Khi dịch lắng xuống, lại có nợ phải trả, và sự tập trung hướng sang những thứ khác.
Lạm phát, thậm chí là lạm phát đình trệ, trở thành ông kẹ với nước Mỹ trong những năm 1970, và lúc này, ông kẹ đó đã trở lại. Trùng hợp thay, đó là thời gian cuối năm 1972, trùng với thời điểm Eugene Cernan trở thành người cuối cùng đặt chân lên mặt trăng. Mô tả cho thời gian này trên Investopedia cũng trùng hợp đến đáng sợ: “Lạm phát được đổ lỗi lên đầu giá dầu, đầu cơ tiền tệ, những doanh nhân và lãnh đạo liên đoàn tham lam. Nhưng rõ ràng là chính sách tiền tệ, vốn đã tài trợ cho thâm hụt ngân sách khổng lồ và được hỗ trợ bởi các chính trị gia, mới là kẻ thủ ác.
Các nhà hoạch định chính sách không thể - về cả tài chính lẫn chính trị - làm bệ phóng cho thị trường chứng khoán lúc này. Một pha bật lại sẽ đến trong vài tuần tới, nhưng rồi cũng sẽ bị giết chết bởi biến động thị trường.
Tình hình tài chính đã bị thắt chặt hơn trước rất nhiều. Tiền rẻ mới chỉ là khởi đầu. Các chương trình hỗ trợ tài khóa sẽ kết thúc và thuế sẽ được tăng. Trên thế giới, những người tham gia thị trường phải trả lãi suất cao hơn để gia hạn khoản vay, bào mòn sức mua, giống hệt như thu nhập bị bào mòn bởi lạm phát.
Đây sẽ là một năm khó khăn cho những nhà đầu tư không chấp nhận rằng điều gì đó đã thay đổi. Thị trường gấu có những lần bật rất mạnh, nhưng sau 14 năm núp bóng, có lẽ đã đến lúc sell-on-rally thay vì buy-on-dip.
Bloomberg