Mức lương cơ bản của Nhật Bản tăng mạnh nhất kể từ năm 1994 khi các cuộc đàm phán về tiền lương bắt đầu có hiệu lực
Trần Quốc Khải
Junior Editor
Mức lương cơ bản của công nhân Nhật Bản tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 1994 trong một dấu hiệu cho thấy cam kết của các công ty về mức tăng lương cao nhất trong ba thập kỷ bắt đầu có hiệu lực.
Bộ Lao động cho biết mức lương cơ bản đã tăng 2.3% vào tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, nâng mức lương danh nghĩa thêm 2.1%. Mức lương toàn thời gian của công nhân sau khi loại bỏ các yếu tố như hình phạt, tiền thưởng và làm thêm giờ cũng ghi nhận mức tăng 2.1%.
Biến động mức lương danh nghĩa hàng tháng của Nhật Bản
Kết quả này dường như là một bằng chứng ''đanh thép'' cho thấy kịch bản chu kỳ tiền lương-giá cả tích cực mà BoJ hướng đến đang dần trở thành sự thật. Ngân hàng trung ương đang xem xét thận trọng vấn đề này trước khi tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 3 sau lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2007.
BoJ sẽ họp vào tuần tới để quyết định chính sách. Quan điểm được các nhà kinh tế ủng hộ nhiều nhất là BoJ sẽ đợi đến tháng 10 trước khi tăng lãi suất. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cũng kỳ vọng về một động thái sớm hơn của BoJ, một phần do đồng yên tiếp tục suy yếu, đe dọa đến việc tăng giá nhập khẩu.
Dữ liệu từ cuộc đàm phán liên quan đến tiền lương trong năm nay đảm bảo cho một mức tăng lương trung bình trên 5%, đánh dấu mức tăng lớn nhất trong ba thập kỷ. Báo cáo cho thấy mức tăng lương thể hiện rõ ràng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trải dài từ sản xuất đến dịch vụ.
Mức tăng trong tiền lương hàng năm sẽ được phản ánh trong tiền lương của người lao động giai đoạn từ tháng 4 đến hết mùa hè. Theo một nghiên cứu của BoJ, gần 40% mức tăng lương trong năm tài chính này sẽ được thực hiện vào tháng 4 và dự kiến con số này sẽ là 80% vào tháng 7.
Thị trường việc làm thắt chặt có thể sẽ tiếp tục dẫn đến mức lương và giá cả cao hơn trong tương lai, với tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản luôn ở mức dưới 3%, thấp nhất trong số các quốc gia thuộc OECD. Trong báo cáo triển vọng mới nhất, BoJ tuyên bố rằng: “Áp lực tăng lương sẽ lớn hơn khi thị trường lao động thắt chặt”.
Tuy nhiên, tiền lương thực tế đã giảm 0.7% trong tháng gần nhất, đánh dấu mức giảm thứ 25 liên tiếp do tốc độ tăng lương chậm hơn lạm phát. Tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức bằng hoặc cao hơn mục tiêu 2% của BoJ trong hai năm, khiến mức tăng lương khó có thể bắt kịp.
Việc đồng yên suy yếu kéo dài có thể tiếp tục tạo áp lực cho giá cả, gây cản trở việc tiền lương thực tế quay về mức dương. Ngay cả sau khi chính phủ chi số tiền kỷ lục 9.8 nghìn tỷ yên (62.9 tỷ USD) để hỗ trợ đồng yên trong tháng qua, đồng tiền này vẫn rất yếu, giao dịch ở mức thấp hơn khoảng 10% so với năm trước.
Trong bối cảnh lạm phát kéo dài, các hộ gia đình đã giảm chi tiêu hàng tháng trong năm qua, gây cản trở cho toàn bộ nền kinh tế quốc gia. Nền kinh tế Nhật Bản suy thoái trong quý đầu tiên do người tiêu dùng và doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu, xu hướng này sẽ được thể hiện rõ hơn thông qua số liệu về GDP sắp được công bố.
Nhu cầu trong nước ảm đạm không chỉ ảnh hưởng tới các quyết định về chính sách của BoJ mà còn gây bất lợi cho Thủ tướng Fumio Kishida, người đang cố gắng thuyết phục rằng quốc gia cuối cùng đã thoát khỏi tâm lý giảm phát đè nặng lên nền kinh tế trong nhiều thập kỷ sau khi bong bóng bất động sản vỡ vào năm 1990.
Trong nỗ lực kích thích tiêu dùng cá nhân và củng cố chu kỳ kinh tế tích cực, chính phủ đã triển khai chính sách cắt giảm thuế 40,000 yên bắt đầu từ tháng 6. Thủ tướng Kishida phát biểu với một nhóm doanh nghiệp vào tuần trước rằng đây là thời điểm quan trọng để xem liệu nền kinh tế có thể vượt qua giảm phát và chuyển sang giai đoạn kinh tế mới hay không.
Bloomberg