Mỹ đưa Việt Nam và Thuỵ Sỹ ra khỏi danh sách theo dõi thao túng tiền tệ
Tùng Trịnh
CEO
Bộ Tài chính Hoa Kỳ vừa cho biết Việt Nam và Thuỵ Sỹ có đủ các tiêu chí kinh tế về thao túng tiền tệ, theo đạo luật năm 2015, nhưng “không có đủ bằng chứng” để kết luận các đối tác thương mại này cố ý “ngăn chặn các điều chỉnh về cán cân thanh toán hoặc đạt được lợi thế cạnh tranh một cách không công bằng trong hoạt động thương mại quốc tế”, theo một đạo luật liên quan năm 1988.
Chính quyền của tổng thống Biden đang thực hiện một cách tiếp cận ít đối đầu hơn đối với chính sách tiền tệ quốc tế, sau khi cựu tổng thống Trump gắn mác thao túng lên Trung Quốc và các nước khác nhưng không đem lại hiệu quả mà còn thúc đẩy lo ngại chính trị.
Ireland và Mexico đã được thêm vào danh sách theo dõi của Bộ tài chính Hoa Kỳ, hai nước này đã có 2 trong 3 tiêu chí để bị kết luận là thao túng tiền tệ. Bộ tài chính cũng tiếp tục giữ Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Singapore và Malaysia trong danh sách giám sát.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết Trung Quốc “không cải thiện sự minh bạch” trong các hoạt động tại các ngân hàng quốc doanh. Các ngân hàng này hoạt động trên thị trường tiền tệ dưới định hướng của chính phủ do có mối quan hệ chặt chẽ với ngân hàng trung ương của Trung Quốc.
Tiêu chí gắn mác thao túng tiền tệ của Hoa Kỳ bao gồm:
• Thặng dư tài khoản vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP
• Thặng dư thương mại song phương ít nhất 20 tỷ USD
• Can thiệp lên thị trường tiền tệ với quy mô ít nhất 2% GDP
"Bộ tài chính đang làm việc không mệt mỏi để ngăn chặn các nền kinh tế nước ngoài thao túng giá trị tiền tệ của họ, khiến người lao động Mỹ gặp bất lợi", Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết trong một tuyên bố kèm theo báo cáo.
Việc chỉ định kẻ thao túng không đem lại hệ quả cụ thể hoặc tức thì, ngoài các tác động thị trường ngắn hạn. Nhưng luật pháp yêu cầu chính quyền phải tham gia với các quốc gia đó nhằm giải quyết tình trạng mất cân bằng tỷ giá hối đoái. Các hình phạt, bao gồm cả việc loại bỏ khỏi các hợp đồng với chính phủ Hoa Kỳ, có thể được áp dụng sau một năm trừ khi quốc gia đó được tháo mác.
Dưới thời cựu tổng thống Trump, Bộ Tài chính Mỹ đã từng bất ngờ gắn mác thao túng tiền tệ đối với Trung Quốc vào giữa năm 2019, nhưng 5 tháng sau họ đã dỡ bỏ nhằm giành lấy nhượng bộ trong một thỏa thuận thương mại.
Bloomberg