Nắm bắt tâm lý thị trường trong giao dịch Forex (Phần cuối)
Uông Quang
Manager, Technical Analyst
Chúng ta đã đi tới phần cuối trong series phân tích tâm lý thị trường forex bằng báo cáo COT, sau đây là những ứng dụng hữu ích khác của công cụ này.
Làm thế nào để bắt đỉnh/bắt đáy với báo cáo COT
Bạn có thể đoán định rằng ý tưởng để vào mua hoặc bán là dựa vào các điểm cực của tâm lý thị trường Nhìn trên biểu đồ bạn sẽ thấy, nhóm đầu cơ (đường màu xanh lá) và nhóm nhà giao dịch tránh rủi ro (màu xanh dương) cho tín hiệu ngược lại nhau. Trong khi những nhà giao dịch tránh rủi ro (tức là các cty thương mại) mua khi thị trường đang chạm đáy và bán ra khi thị trường chạm đỉnh thì nhà đầu cơ bán trong khi giá đang trên đường di chuyển xuống đáy và mua khi giá di chuyển lên đỉnh. Xem lại biểu đồ một chút nhé.
Kết quả là, giao dịch của nhóm tránh rủi ro có xu hướng cảnh báo được ngưỡng đảo chiều, trong khi đó giao dịch của nhóm đầu cơ có khả năng cảnh báo được xu hướng đang tăng hay giảm. Như trên biểu đồ, nếu nhà giao dịch tránh rủi ro (hedgers) tiếp tục mua vào trong khi nhà đầu cơ (speculators) tiếp tục bán ra thì đáy thị trường không còn xa. Nếu hedgers tiếp tục bán ra trong khi speculators tiếp tục mua vào, có thể sẽ sớm xuất hiện đỉnh thị trường. Tất nhiên, rất khó để xác định thời điểm chính xác điểm đáy và đỉnh khi các điểm cực tâm lý này xuất hiện, vì vậy tốt nhất là đừng nên làm gì đến khi thấy dấu hiệu của một sự đảo chiều thực sự có thể nhận thấy bằng mắt.
Những nhà đầu cơ nắm bắt rất nhanh xu hướng tăng hay giảm nhưng họ lại kém về việc xác định điểm đảo chiều do họ có thiên hướng đi theo xu hướng. Các nhà giao dịch tránh rủi ro thường kém trong việc xác định xu hướng nhưng lại rất giỏi dự đoán điểm đảo chiều, do họ là những người nắm giữ nhu cầu thực. Cho đến khi một điểm cực tâm lý xuất hiện, tốt hơn là cứ theo phe đầu cơ. Nhớ một điều cơ bản là, tất cả mọi đỉnh hay đáy đều được tạo ra từ tâm lý thị trường nhưng không phải cứ mỗi đợt cực điểm tâm lý thị trường là lại tạo ra đỉnh và đáy.
Cách diễn giải báo cáo COT
Vậy bây giờ chúng ta đã biết làm thế nào để xác định các điểm cực thị trường. Tuy nhiên cần nhớ rằng không phải tất cả các điểm cực cảm xúc đều kết thúc ở đáy hoặc đỉnh của thị trường, vì thế chúng ta cần một chỉ số phân tích chính xác hơn. Tính toán tỷ lệ phần trăm các vị thế đầu cơ với tổng số lượng các vị thế có giá trị cao trong việc dự đoán thị trường đang trên đỉnh hay chạm đáy. Phương trình để tính toán phần trăm mua và bán như sau:
% Mua = Số lượng hợp đồng Mua / (Số lượng hợp đồng mua + Số lượng hợp đồng bán)
% Bán = Số lượng hợp đồng Bán / (Số lượng hợp đồng mua + Số lượng hợp đồng bán)
Để hiểu rõ hơn, hãy cùng mường tượng lại những gì đã xảy ra với đồng đô la Canada (CAD) giao sau. Các báo cáo COT phát hành hàng tuần tính đến ngày 22/08/2008 cho biết, các nhà đầu cơ bán ròng 28,085 hợp đồng. Vào ngày 20/03/2009 các nhà đầu cơ bán ròng 23,950 hợp đồng.
Từ những thông tin trên, bạn cho rằng chúng ta sẽ dễ gặp đáy của thị trường vào tháng 8 hơn vì có nhiều trader đang bán hơn trong thời gian đó. Nghe đơn giản, đúng không?
Nhìn kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy có 66,726 hợp đồng được bán, trong khi 38,641 hợp đồng được mua. Trong số các nhà đầu cơ vào tháng Tám (66,726 / (38,641 + 66,726)) = 63.3% là vị thế bán. Mặt khác, chỉ có 8,715 hợp đồng mua và 32,665 hợp đồng bán vào tháng Ba. Điều này có nghĩa
(32,655 / (8,715 + 32,665)) = 78.9% các vị thế đầu cơ là vị trí bán trong thời gian đó. Điều này có nghĩa là gì?
Việc chạm đáy sẽ dễ xảy ra hơn khi 78.9% các vị thế đầu cơ là vị thế bán so với con số 63.3%. Bạn có thể thấy trên biểu đồ, thực tế việc chạm đáy đã không xảy ra vào tháng Tám năm 2008, khi đồng đô la Canada trị giá khoảng 94 cent Mỹ. Đồng đô la Canada tiếp tục giảm trong những tháng tiếp theo. Đến tháng Ba, khi tỷ lệ bán đạt 78.9%, đồng đô la Canada chạm đáy khoảng 77 cent Mỹ. Sau đó thì sao? Nó bắt đầu tăng đều đặn! Đáy thị trường đây ư? Đúng, bạn hiểu vấn đề rồi đấy.
Tổng kết
Trước khi chúng ta bắt đầu giao dịch dựa trên phân tích của chúng ta về báo cáo COT, hãy nhớ chỉ đôi khi có những trường hợp riêng biệt mà báo cáo COT cảnh báo một sự đảo chiều hoàn hảo của thị trường. Điều tốt nhất để làm là phải kiểm tra lại và xem xét lý do tại sao sự đảo chiều diễn ra. Vì sao???
Do nền kinh tế bùng nổ?
Hay là nó còn đang ở giữa một cuộc suy thoái?
Hãy nhớ rằng, các báo cáo COT đo tâm lý của nhà giao dịch trong một thời gian nhất định. Giống như mọi công cụ khác, báo cáo COT không phải là một chỉ số luôn luôn dự đoán đúng lúc thị trường đảo chiều. Vì vậy, hãy dành thời gian để nghiên cứu báo cáo này và có được cảm giác và nhận định của riêng bạn về những gì bạn cho là đúng và những gì không. Giá cả thị trường không được điều khiển bởi chỉ số hay công cụ như báo cáo COT, Stochastic, mức Fibonacci, v..v.. Thị trường được thúc đẩy bởi hàng triệu người phản ứng với phân tích kinh tế, báo cáo cơ bản, chính trị, sự kiện trong cuộc sống nói chung… Đó là cách mà bạn nên sử dụng những công cụ này để chuẩn bị một kế hoạch cho những gì xảy ra ở phía trước.
Chúng ta sẽ gặp lại trong những series tiếp theo, với những chủ đề hấp dẫn không kém. Happy trading !!