Nền kinh tế suy yếu của Nhật Bản chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng
Đặng Thùy Linh
Junior Analyst
Nền kinh tế Nhật Bản không có nhiều dấu hiệu rõ ràng về khả năng phục hồi, chỉ là suy giảm thấp hơn dự báo, khiến các nhà hoạch định chính sách phải tiếp tục thận trọng trong bối cảnh BoJ đang cân nhắc thời điểm tăng lãi suất tiếp theo.
Văn phòng Nội các hôm thứ Hai cho biết rằng GDP của Nhật Bản trong quý I/2024 đã giảm 1.8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với dự báo giảm 2% trong dữ liệu sơ bộ. Các chuyên gia kinh tế dự đoán số liệu cập nhật sẽ không thay đổi.
Dữ liệu cho thấy cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều cắt giảm chi tiêu và hàng tồn kho chưa bán đã tăng lên trong bối cảnh lạm phát ở mức đỉnh trong nhiều thập kỷ tiếp tục làm giảm chi tiêu thực.
Dữ liệu GDP hàng quý của Nhật Bản
Toru Suehiro, chuyên gia kinh tế tại Daiwa Securities, nhận định: "Dữ liệu cho thấy sự suy yếu trong tiêu dùng. Số liệu cụ thể cho thấy việc chi tiêu cho hàng hóa lâu bền còn yếu, điều này phản ánh tác động của vụ bê bối tại Daihatsu lên việc mua ô tô. BoJ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thận trọng về tình hình kinh tế."
Dữ liệu về chi tiêu cá nhân không thay đổi ở mức giảm 0.7%, cho thấy sự suy yếu trong quý thứ tư liên tiếp. Mặt khác, dữ liệu chi tiêu của doanh nghiệp được điều chỉnh xuống giảm 0.4%, thấp hơn so với số liệu sơ bộ là giảm 0.8%. Hàng tồn kho đã tăng trưởng thêm 0.3bps.
Chi tiêu tiêu dùng yếu hơn là mối lo ngại đối với chính phủ và BoJ khi giới chức trách đang tìm kiếm dấu hiệu cho thấy nhu cầu vẫn có thể ổn định bất chấp lạm phát dai dẳng. Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng BoJ sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định trong cuộc họp kéo dài hai ngày và kết thúc vào thứ Sáu, nhiều nhà đầu tư dự đoán BoJ sẽ tăng lãi suất vào tháng 10.
Một số chuyên gia kinh tế kỳ vọng tăng trưởng kinh tế tại Nhật Bản sẽ phục hồi trong quý hiện tại khi nền kinh tế nước này vực dậy sau tác động của các yếu tố bất ngờ bao gồm trận động đất vào ngày đầu năm mới ở phía tây bắc Tokyo. Việc ngừng sản xuất ô tô do một vụ bê bối cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng trong giai đoạn này. Mặc dù sản lượng đó đã được khôi phục nhưng một vụ bê bối mới có thể sẽ tiếp tục kìm hãm tăng trưởng trong quý hiện tại.
Dữ liệu GDP quý II/2024 mạnh mẽ, dự kiến được công bố vào tháng 8, sẽ là một điểm tích cực đối với Thủ tướng Fumio Kishida, ông cần phải giành chiến thắng trong cuộc tranh cử vị trí lãnh đạo tiếp theo của đảng cầm quyền vào tháng 9 để tiếp tục nắm quyền.
Mặt khác, các hộ gia đình sẽ phải đối mặt với việc chi phí tiện ích tăng lên khi chính phủ dần loại bỏ trợ cấp. Trong khi đó, người lao động đã chứng kiến mức lương thực tế giảm trong hơn hai năm, những người về hưu với thu nhập cố định thậm chí còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn khi họ phải đối mặt với lạm phát ở mức mục tiêu hoặc vượt mục tiêu 2% của BoJ. Chi phí nhập khẩu cao hơn do đồng yên mất giá có thể tiếp tục đẩy giá lương thực và năng lượng lên cao hơn nữa.
Nhiều hộ gia đình sẽ nhận được trợ cấp dưới hình thức hoàn thuế, bắt đầu từ tháng Sáu. Trong khi Kishida kỳ vọng biện pháp này sẽ giúp xóa bỏ tâm lý về giảm phát của quốc gia, các chuyên gia kinh tế lại tỏ ra thờ ơ khi đánh giá những tác động có thể xảy ra của động thái này.
Mặc dù vậy, các chuyên gia phân tích kỳ vọng tiền lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát sẽ chuyển biến tích cực trong những tháng tới sau khi các cuộc đàm phán về tiền lương hàng năm đi đến cam kết về mức tăng lương hơn 5% của các công ty lớn. Đồng yên yếu cũng tác động tích cực đến nền kinh tế, giúp tăng lợi nhuận cho các công ty Nhật Bản hoạt động ở nước ngoài và thúc đẩy du lịch trong nước.
Bức tranh kinh tế ảm đạm khiến việc hoạch định chính sách của BoJ ngày càng phức tạp. Theo nguồn đáng tin cậy, BoJ có thể sẽ thảo luận về động thái giảm lượng mua trái phiếu chính phủ vào đầu tuần này, khi họ tiếp tục bình thường hóa chính sách sau đợt tăng lãi suất vào tháng 3.
Shumpei Goto, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản, cho biết: “Thật khó để BoJ tăng lãi suất mạnh mẽ do nhu cầu nội địa hiện đang yếu. Mặt khác, đồng yên yếu đã đẩy giá thực phẩm và hàng hóa không lâu bền tăng cao, từ đó làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng, vì vậy, BoJ có khả năng sẽ điều chỉnh nhẹ hướng đi của mình thông qua việc điều chỉnh kế hoạch mua trái phiếu hoặc các biện pháp khác."
Khi làn sóng phản đối đồng Yên yếu ngày càng gia tăng trong giới doanh nghiệp, Nhật Bản đã chi kỷ lục 9.8 nghìn tỷ Yên (62.8 tỷ USD) để hỗ trợ đồng Yên trong năm nay.
BoJ hiện kỳ vọng lạm phát do chi phí đẩy sẽ tiếp tục hạ nhiệt và chuyển sang lạm phát do cầu kéo. Thống đốc Kazuo Ueda cho biết BoJ sẽ xem xét hành động nếu biến động ngoại hối có tác động lớn đến xu hướng lạm phát.
Bloomberg