Nhận định giá vàng: Câu chuyện tuần tới có gì hấp dẫn?

Nhận định giá vàng: Câu chuyện tuần tới có gì hấp dẫn?

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

22:09 27/07/2024

Xoay quanh các dữ liệu PMI S&P Global, GDP cùng với PCE của Mỹ và động thái cắt giảm lãi suất bất ngờ từ PBOC, vàng đã có một tuần dài với phần lớn thời gian giao dịch trong sắc đỏ, thủng mức 2,400 USD trước khi bật tăng trở lại và đóng cửa với 2,387 USD/ounce. Với bài phân tích dưới đây, chúng ta sẽ cùng chuyên gia FXStreet điểm lại diễn biến giá vàng tuần qua, cùng với đó là những phân tích về câu chuyện của tuần tới với loạt dữ liệu và sự kiện quan trọng.

Diễn biến giá vàng tuần qua

Sau pha sụt mạnh vào thứ Sáu tuần trước, giá vàng tiếp tục giảm nhẹ vào đầu tuần này. Hôm thứ Hai, PBOC đã bất ngờ cắt giảm lãi suất cơ bản khoản cho vay LPR kỳ hạn 1 năm, tức lãi suất chuẩn để tính toán cho các doanh nghiệp vay giảm từ 3.45% xuống còn 3.35%; lãi suất LPR kỳ hạn 5 năm, áp dụng cho các khoản vay thế chấp giảm xuống mức 3.85%. Bên cạnh đó, lãi suất qua đêm kỳ hạn 7 ngày cũng giảm từ 1.8% xuống 1.7%. Động thái nới lỏng chính sách bất ngờ từ quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới này đã khiến vàng gặp khá nhiều khó khăn trong việc thu hút lực cầu.

Đặt trong bối cảnh thiếu vắng các dữ liệu kinh tế quan trọng, giá vàng đã trải qua một đợt điều chỉnh kỹ thuật và ổn định gần mức 2,400 USD vào thứ Ba. Ngày hôm sau, giá vàng tiếp tục tăng cao hơn khi dữ liệu PMI sơ bộ của S&P Global trong tháng 7 cho thấy kết quả trái chiều, gây áp lực lên USD. Đáng chú ý, PMI Sản xuất của S&P Global đã giảm xuống dưới mức 50.0 lần đầu tiên kể từ tháng 12 trong tháng 7, cho thấy sự co lại trong hoạt động kinh doanh của lĩnh vực sản xuất. Mặt khác, PMI Dịch vụ lại cho thấy sự cải thiện lên 56.0 từ 55.3 của tháng 6.

Vào phiên Á sáng thứ Năm, PBOC đã hạ lãi suất cho vay trung hạn 1 năm (MLF) từ 2.50% xuống 2.30%. Quyết định này, kết hợp với các đợt cắt giảm lãi suất bất ngờ được công bố trước đó vào đầu tuần, đã khiến các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về triển vọng kinh tế Bắc Kinh. Do đó, giá vàng đã chịu áp lực giảm trở lại và nhanh chóng xuyên thủng mức 2,400 USD.

Ngay sau đó trong ngày, Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố báo cáo GDP Q2 của Mỹ với mức tăng trưởng 2.8% so với cùng kỳ (ước tính sơ bộ). Con số này vượt xa dự báo là 2.0% và cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với quý đầu tiên. Bên cạnh đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần giảm xuống 235,000 trong tuần kết thúc ngày 20/07 từ mức 243,000 của tuần trước đó. Giá vàng theo đó mở rộng đà giảm và chạm mức thấp nhất trong hai tuần dưới 2,360 USD vào phiên Mỹ.

Kế đến, lạm phát tại Mỹ đo lường theo chỉ số PCE đã giảm nhẹ xuống 2.5% so với cùng kỳ trong tháng 6, từ mức 2.6% của tháng 5, theo dữ liệu công bố từ Cục Thống kê Lao động Mỹ vào thứ Sáu. Mặt khác, chỉ số PCE lõi (loại trừ các mặt hàng thực phẩm và năng lượng biến động) tăng nhẹ lên 2.6% so với cùng kỳ, cao hơn dự báo là 2.5%. Hậu công bố báo cáo PCE, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm nhẹ và đẩy giá vàng tăng chạm mức cao 2,390 USD, sau đó chốt tuần tại 2,387 USD.

Câu chuyện tuần tới

Giờ đây, các nhà đầu tư có lẽ đã chuyển hướng chú ý sang cuộc họp FOMC và các dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ trong tuần tới. Sáng ngày 31/07 tới, dữ liệu PMI Sản xuất và PMI Dịch vụ phi sản xuất tháng 7 của NBS từ Trung Quốc sẽ thu hút sự quan tâm đáng kể bởi các nhà đầu tư, đặc biệt là sau những động thái bất ngờ trong tuần này từ PBOC. Nếu cả hai số liệu PMI công bố đều dưới mức 50.0, áp lực bán lên vàng có thể quay lại ngay lập tức.

Sau đó, dữ liệu thay đổi việc làm ADP cũng được công bố vào cùng ngày, nhưng khả năng các nhà đầu tư sẽ bỏ qua dữ liệu này và dành sự tập trung cho quyết định chính sách tiền tệ của FOMC. Hiện tại, thị trường đều đồng thuận rằng lãi suất chính sách sẽ được giữ nguyên sau cuộc họp kéo dài hai ngày từ 30-31/07. Mặt khác, công cụ FedWatch của CME cho thấy rằng thị trường vẫn đang đặt cược 100% vào một đợt cắt giảm lãi suất 25 bps tại cuộc họp tháng 9, cho thấy rằng USD không còn nhiều dư địa giảm, kể cả khi các quan chức xác nhận điều này đi chăng nữa.

Đi đến cuộc họp báo sau cuộc họp, những bình luận của Chủ tịch Jerome Powell về triển vọng chính sách sẽ là điều mà chúng ta cần quan tâm tiếp theo. Một lần nữa, công cụ FedWatch của CME cho thấy có gần 70% khả năng FOMC sẽ cắt giảm lãi suất tổng cộng 75 bps vào cuối năm nay. Nếu vị này nhấn mạnh các con số tăng trưởng tích cực, đồng thời cho rằng ngân hàng trung ương cần tiếp tục quan sát thêm dữ liệu và tạm trì hoãn việc bắt đầu nới lỏng chính sách, thị trường có thể sẽ phải đánh giá lại số lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Điều này có thể sẽ hỗ trợ cho USD và gây áp lực lên giá vàng.

Dù vậy, thị trường vẫn có thể duy trì sự lạc quan về một số đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay và mở đường cho một nhịp tăng mới của giá vàng nếu ông Powell bày tỏ sự tự tin vào tiến trình kiểm soát lạm phát hơn nữa, trong khi thừa nhận điều kiện nới lỏng trên thị trường lao động.

Vào thứ Năm ngày 01/08, báo cáo PMI Sản xuất ISM cho tháng 7 sẽ được phát hành, dự kiến tăng nhẹ lên 48.8 từ 48.5 trong tháng 6. Nếu kết quả là một con số vượt mức 50.0 và hoạt động kinh doanh cho thấy sự mở rộng bất ngờ vào tháng 7, USD có thể sẽ được hỗ trợ. Mặc dù vậy, trước thềm công bố báo cáo việc làm vào thứ Sáu, bất kỳ phản ứng nào của thị trường đều chỉ mang tính tức thời và còn có thể đi kèm nhiều tín hiệu nhiễu.

Báo cáo việc làm phi nông nghiệp (NFP) tăng 206,000 vào tháng 6, cao hơn mức ước tính là 190,000. Dù vậy, USD đã không thể hưởng lợi từ dữ liệu này vì báo cáo việc làm cũng cho thấy mức tăng 272,000 của tháng 5 đã được điều chỉnh xuống còn 218,000, một mức giảm đáng kể. Nhìn về tương lai, trừ khi có một sự điều chỉnh đáng kể đối với số liệu tháng 6, cùng với một mức tăng NFP đáng thất vọng khác trong tháng 7 có thể tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực lên đồng USD.

Mặt khác, nếu số liệu công bố lần tới gần hoặc bằng với ước tính, nhà đầu tư sẽ hướng sự chú ý sang một thành phần khác không kém quan trọng trong báo cáo là lạm phát tiền lương để tìm kiếm thêm động lực giao dịch với USD. So với cùng kỳ, thu nhập theo giờ trung bình tăng 3.9% trong tháng 6. Một sự gia tăng đáng kể trong báo cáo lần tới có thể sẽ hỗ trợ đồng bạc xanh cho đến cuối tuần.

Lịch kinh tế quan trọng 

Múi giờ gốc là GMT+0, quý độc giả +7 tiếng để quy về giờ Việt Nam

Phân tích kỹ thuật

Dưới góc độ kỹ thuật, chỉ báo RSI trên biểu đồ hàng ngày đang cho thấy dấu hiệu phục hồi, mặc dù giá vàng giảm mạnh vào thứ Năm, chạm mức thấp 2,353 USD/ounce. Điều này cho thấy áp lực bán đang tạm thời giảm bớt.

Sau đó, vàng đã thu hút được lực cầu quanh mức 2,360 USD, vùng hỗ trợ được hình thành bởi ngưỡng Fibonacci 61.8% của xu hướng tăng trong tháng 7 và SMA 50 trên biểu đồ ngày. Nếu giá vàng quay đầu phá vỡ vùng hỗ trợ này và chuyển thành kháng cự, áp lực bán có thể ngay lập tức quay trở lại. Diễn biến theo kịch bản này, mục tiêu giảm tiếp theo có thể là vùng 2,330-2,325 USD, ứng với ngưỡng Fibonacci 78.6% và SMA 100.

Ngược lại ở chiều tăng, vùng kháng cự mạnh cần chú ý là 2,390-2,400 USD, nơi hội tụ cả SMA 20 và ngưỡng tâm lý. Nếu giá vàng ổn định trên vùng này, mục tiêu tiếp theo có thể là mức 2,430 USD, ứng với ngưỡng Fibonacci 23.6% và sau đó là mức 2,460 USD, trước khi quay lại thử thách đỉnh lịch sử 2,483 USD.

Biểu đồ giá vàng (XAU/USD) khung ngày

FXStreet

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Nhận định USD/JPY: BoJ và báo cáo việc làm Mỹ - Hai biến số then chốt định hình xu hướng
Quỳnh Chi

Quỳnh Chi

Junior Editor

Nhận định USD/JPY: BoJ và báo cáo việc làm Mỹ - Hai biến số then chốt định hình xu hướng

Dòng vốn ngoại có thể tạo áp lực giảm đối với tỷ giá USD/JPY, từ đó ảnh hưởng tới lạm phát, nhu cầu hàng hóa Nhật Bản và chính sách tiền tệ của BoJ. Sự tăng giá của đồng Yên có thể dẫn đến giảm giá hàng nhập khẩu, buộc các doanh nghiệp nội địa phải cắt giảm giá bán và tiềm ẩn nguy cơ giảm phát. Đồng thời, số liệu việc làm Mỹ suy yếu có thể kích thích đồn đoán về khả năng Fed cắt giảm lãi suất mạnh vào tháng 11.
Nhận định AUD/USD: Đồng Aussie bật dậy mạnh mẽ sau báo cáo thị trường lao động ấn tượng
Phạm Phương Anh

Phạm Phương Anh

Junior Editor

Nhận định AUD/USD: Đồng Aussie bật dậy mạnh mẽ sau báo cáo thị trường lao động ấn tượng

Đồng AUD tăng sau khi số việc làm mới được tạo ra trong tháng 8 cao hơn dự kiến. Thay đổi việc làm ở Úc tăng 47,500 trong tháng 8, vượt qua dự báo 25,000. Cắt giảm lãi suất mạnh của Cục Dự trữ Liên bang thể hiện cam kết bảo vệ thị trường lao động và nền kinh tế khỏi suy thoái.
Bitcoin "nín thở" trước ngưỡng cửa quyết định lãi suất quan trọng của Fed
Quỳnh Chi

Quỳnh Chi

Junior Editor

Bitcoin "nín thở" trước ngưỡng cửa quyết định lãi suất quan trọng của Fed

Bitcoin đang dao động quanh ngưỡng 60,000 USD trước thềm quyết định then chốt về lãi suất của Fed. Dữ liệu từ hợp đồng tương lai lãi suất quỹ liên bang cho thấy xác suất 63% Fed sẽ thực hiện đợt cắt giảm lãi suất mạnh 50 bps. Đồng thời, các chỉ số on-chain đang hỗ trợ triển vọng tăng giá khi các "cá voi" mới của BTC tích cực tích lũy, trong khi các "cá voi" lâu năm vẫn duy trì vị thế nắm giữ.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ