Nhật Bản chi tiêu mạnh tay cho ngân sách quốc phòng
Mai Khánh Linh
Junior Editor
Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ thông qua bản dự thảo chi tiêu ngân sách vào thứ Sáu tới cho năm tài khóa tiếp theo, với trọng tâm tăng cường chi tiêu quốc phòng và hỗ trợ các nền kinh tế khu vực.
Theo số liệu gần đây, ngân sách cho năm tài khóa bắt đầu từ tháng 4 năm 2025 sẽ vào khoảng 115.5 nghìn tỷ Yên (735 tỷ USD). Mặc dù chính phủ vẫn phải dựa nhiều vào việc phát hành nợ để tài trợ chi tiêu, nhưng nhờ thu thuế kỷ lục, số trái phiếu phát hành mới sẽ được cắt giảm gần một phần năm, xuống còn 28.6 nghìn tỷ Yên.
Mức chi tiêu ngân sách của năm tài khóa hiện tại, tăng từ 112.6 nghìn tỷ Yên lên 115.5 nghìn tỷ Yên tương đương khoảng 2.6%, phù hợp với dự báo lạm phát chung trong năm tài khóa này của chính phủ. Trước đó, các bộ đã đề xuất tổng chi lên tới 117.6 nghìn tỷ Yên.
Một trong những khoản tăng lớn nhất là chi tiêu quốc phòng, tăng hơn 10% lên 8.5 nghìn tỷ Yên, cùng với mức tăng khoảng 7% trong các khoản trợ cấp cho chính quyền địa phương.
Thủ tướng Shigeru Ishiba là người ủng hộ mạnh mẽ việc tăng chi tiêu quốc phòng và cải thiện điều kiện làm việc cho quân nhân, trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực càng ngày càng phức tạp và căng thẳng. Tuy nhiên, mức tăng ngân sách quốc phòng lần này phần lớn vẫn nằm trong kế hoạch từ trước.
Việc tăng cường hỗ trợ tài chính cho các chính quyền địa phương là một ưu tiên khác của Thủ tướng Ishiba, người từ lâu đã kêu gọi sự hỗ trợ lớn hơn từ chính phủ trung ương để thúc đẩy tái thiết vùng.
Dự thảo ngân sách cho thấy 38.3 nghìn tỷ yên được phân bổ cho an sinh xã hội, tăng từ mức 37.7 nghìn tỷ yên. Ngân sách lần này không bao gồm quỹ dự trữ dành cho các biện pháp giảm giá cả và tăng lương. Dù mức thu thuế kỷ lục 78.4 nghìn tỷ yên sẽ giúp hạn chế sự phụ thuộc vào nợ công, kế hoạch ngân sách mới này vẫn góp phần làm gia tăng khối nợ của Nhật Bản.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã ước tính gánh nặng nợ công của Nhật Bản sẽ vượt 250% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2024.
Việc cắt giảm phát hành trái phiếu mới diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với chính phủ, khi BoJ có khả năng tiếp tục tăng lãi suất. Điều này sẽ tạo áp lực lên chi phí lãi suất trả nợ.
Bên cạnh đó, chính phủ đã nâng mức lãi suất tích lũy để tính chi phí phục vụ nợ lên 2% trong ngân sách mới nhất, tăng từ mức 1,9% trong ngân sách ban đầu của năm hiện tại.
Bloomberg