Nhóm nông sản có tuần giao dịch khó khăn trước căng thẳng leo thang tại biển Đen
Thị trường nông sản trong tuần vừa qua chịu nhiều tác động từ môi trường vĩ mô bao gồm các thông tin từ Biên bản cuộc họp FOMC của Cục Dự trữ Liên bang (FED) và xung đột tại khu vực Hắc Hải chưa có hồi kết. Giá đậu tương trong tuần qua vẫn giữ được sắc xanh, trên bình diện chung nguồn cung Nam Mỹ có khả năng thu hẹp là yếu tố thúc đẩy cho đà tăng, ngoài ra đây cũng là lý do kích hoạt cho các hoạt động thu mua đậu tương của Trung Quốc từ Mỹ. Giá ngô và giá lúa mì chịu cùng sự tác động từ cục diện chính trị leo thang tại Biển Đen và sự rối ren về mặt trận thông tin truyền thông giữa các bên trong căng thẳng đó. Giá ngô tăng nhẹ và giá lúa mì giảm điểm trong tuần giao dịch vừa qua.
Ép dầu đậu tương Trung Quốc hồi phục, nhưng vẫn còn ở mức thấp
Theo CNGOIC tỷ lệ ép dầu đậu tương tuần kết thúc ngày 13/02 ở mức 660,000 tấn, hồi phục 150,000 tấn so với tuần nghỉ lễ (31/01 – 06/02). Tuy nhiên, ép dầu đậu tương vẫn còn thấp hơn đến 57% so với mức ghi nhận trong cùng kỳ năm trước là 1.52 triệu tấn.
Tồn kho đậu tương tăng 650,000 tấn so với tuần trước lên mức 3.95 triệu tấn và tăng 60,000 tấn so với tháng trước nhưng vẫn còn thấp hơn 1.5 triệu tấn ghi nhận trong cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó tồn kho dầu đậu tương và khô đậu tương vẫn ổn định một phần do sản lượng đậu tương nghiền bị hạn chế, một phần do tốc độ thu mua từ các công ty hạ nguồn chậm lại. Tồn kho khô đậu tương không thay đổi so với tuần trước là 320,000 tấn. Tồn kho dầu đậu tương ổn định ở mức 810,000 tấn, tăng 40,000 tấn so với tuần trước.
CNGOIC cũng cho biết là Trung Quốc đã hoàn thành kế hoạch thu mua cho các lô hàng vận chuyển cho tháng 3 trong tuần này, tuy nhiên chỉ có 40% được đặt trước cho nhu cầu của tháng 4 và khối lượng thu mua của tháng 3 vẫn còn thấp.
CNGOIC ước tính khối lượng đậu tương cập cảng của Trung Quốc trong tháng 2 ở mức 5.8 triệu tấn, khối lượng cập cảng tháng 3 cũng sẽ thấp chỉ ở mức 6 triệu tấn do tốc độ giao hàng chậm hơn từ các cảng của Brazil.
Trung Quốc hủy các đơn hàng đậu tương từ Brazil, tăng cường thu mua từ Mỹ
Theo một nguồn tin từ Bloomberg, trong tuần vừa qua, Trung Quốc đã hủy khoảng 10 tàu chở đậu tương của Brazil. Việc chuyển đổi xu hướng thu mua đậu tương sáng Mỹ cho thấy Trung Quốc đang hối hả trong việc lấp đầy tồn kho và cũng như lo ngại về sụt giảm sản lượng và chất lượng cây trồng tại khu vực Nam Mỹ bao gồm Brazil và Argentina
Trong tuần vừa qua, USDA báo cáo tổng cộng có 132,000 đơn hàng đậu tương tư nhân lô lớn sang Trung Quốc vụ 2022/23; 186,000 đơn hàng đậu tương tư nhân lô lớn sang một điểm đến giấu tên vụ 2021/22 và 132,000 tấn đậu tương tư nhân lô lớn sang một quốc gia giấu tên vụ 2022/23. Các quốc gia giấu tên thông thường là Trung Quốc, như vậy có tổng cộng 450,000 tấn đậu tương đã được Trung Quốc đặt mua trong tuần vừa qua bao gồm cả vụ cũ và vụ mới.
Ấn Độ thu mua dầu đậu tương Mỹ
Thị trường xuất hiện thông tin về việc Ấn Độ đặt mua dầu đậu tương từ Mỹ. Theo một báo cáo từ Reuters cho thấy, Ấn Độ đã đặt mua một mức kỷ lục là 100,000 tấn dầu đậu tương từ Mỹ. Có nhiều nguyên nhân có thể lý giải cho hành động này của Ấn Độ. Thông thường Ấn Độ thường thu mua dầu đậu tương tại Nam Mỹ, bao gồm Argentina thường chiếm 2/3 lượng nhập khẩu còn Brazil chiếm 1/3 lượng nhập khẩu dầu đậu tương. Nhưng triển vọng nguồn cung tại khu vực Nam Mỹ đang có dấu hiệu thu hẹp hơn so với thời gian trước. Giá dầu cọ tăng cao và các rủi ro địa chính trị tại khu vực Biển Đen - nơi có nguồn cung dầu hướng dương lớn trên thế giới cũng là nguyên nhân khiến cho Ấn Độ tăng cường thu mua từ Mỹ.
Văn phòng USDA tiếp tục cắt giảm xuất khẩu đậu tương Brazil 2021/22
Văn phòng USDA tại Brazil đã giảm ước tính xuất khẩu đậu tương năm 2021/22 của Brazil, một lần nữa cắt giảm dự báo về xuất khẩu đậu tương của nước này do hạn hán, xuống còn 86.7 triệu tấn, thấp hơn con số 90.5 triệu tấn trong ước tính mới nhất của USDA ngày 9/2. Nếu điều kiện thời tiết do hiện tượng La Niña gây ra tiếp tục xấu đi, có thể có nhiều thiệt hại hơn cho sản lượng đậu tương và thấp hơn so với mức dự báo hiện tại.
Báo cáo NOPA tháng 1 của Mỹ ghi nhận sụt giảm ép dầu đậu tương
Theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà chế biến hạt có dầu quốc gia (NOPA) của Mỹ thấp hơn kỳ vọng của thị trường, ở mức 182.22 triệu giạ (4.96 triệu tấn), giảm 2% so với tháng trước và 1% so với cùng kỳ năm trước. Các nhà phân tích từ thị trường dự báo khối lượng nghiền trong tháng 1 dự kiến tỷ lệ ép dầu có thể ở mức 183.675 - 188.500 triệu giạ. Các nhà chế biến trong hiệp hội NOPA đại diện cho khoảng 95% tất cả các máy nghiền đậu tương của Hoa Kỳ.
Tình hình xuất khẩu lúa mì Nga
Theo Bộ Nông nghiệp Nga, xuất khẩu lúa mì Nga tính đến tuần kết thúc ngày 10/02 ghi nhận đạt 400,000 tấn. Tính từ đầu vụ, mức xuất khẩu đạt 24.3 triệu tấn, thấp hơn 24% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu nhiều lúa mì nhất từ Nga là Thổ Nhĩ Kỳ với 4.8 triệu tấn từ đầu năm, trong tuần trước ghi nhận ở mức 100,000 tấn. Tiếp theo là Ai Cập, với 100,000 tấn ghi nhận trong tuần trước, đưa mức nhập khẩu từ đầu năm đạt 3.8 triệu tấn. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp Nga tiếp tục giảm mức thuế xuất khẩu ngũ cốc cho tuần 24/02 – 02/03. Theo đó, mức thuế đã cắt giảm 1.8 USD/tấn xuống còn 91 USD/tấn.
Đình công dự kiến sẽ diễn ra tại Argentina
Công đoàn thanh tra ngũ cốc của Argentina là URGARA đã thông báo rằng sẽ có một cuộc đình công vào ngày 21/02 tức là thứ Hai tuần sau tại tất cả các kho dự trữ ngũ cốc trên toàn quốc. Nguyên nhân là ngành kinh doanh này đang thiếu phản ứng đối với các yêu cầu tiền thưởng công bằng của người lao động trong năm 2021. Argentina là quốc gia xuất khẩu đậu tương, khô đậu tương hàng đầu thế giới và cũng là một trong những nhà xuất khẩu lúa mì và ngô lớn. Mục tiêu cụ thể dường như đang được nhắm đến Tomás Hnos, một công ty nông nghiệp có trụ sở tại Buenos Aires với mức bán 1.2 triệu tấn ngũ cốc mỗi năm, có 6 nhà máy lưu trữ với công suất lưu trữ 205,000 tấn ngũ cốc, 6 tuyến đường sắt vận chuyển…
Sản lượng ép dầu đậu tương suy giảm tại Paraguay
Trong một báo cáo gần đây của Reuters, Phòng chế biến hạt có dầu và ngũ cốc (Cappro) của Paraguay ước tính rằng tổng thiệt hại về đậu tương của vụ mùa năm nay có thể khiến sản lượng giảm 60% so với vụ thu hoạch năm ngoái là 367 triệu giạ. Điều này có thể sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt trong nước vì cơ quan ước tính rằng 60% - 70% nhà máy nghiền sẽ phải ngừng hoạt động sau tháng 6 này khi nguồn cung đậu tương dự kiến sẽ cạn kiệt. Các nhà xuất khẩu Argentina cho biết họ sẽ tăng xuất khẩu đến Paraguay trong năm tới để đảm bảo các nhà máy nghiền có thể tiếp tục hoạt động.
Chính phủ Brazil sẽ giải quyết tình trạng thiếu hụt phân bón
Chính phủ Brazil sẽ tiến hành một chiến dịch trên nhiều nhiều mặt trận để đảo bảo nguồn cung phân bón cho vụ sắp tới cũng. Bao gồm việc cử các nhân vật cấp cao đến Nga và Iran cũng như giải quyết tình trạng chi phí đầu vào cao và thiếu hụt phân bón. Theo Cơ quan cung ứng quốc gia Brazil (CONAB), Brazil nhập khẩu đến 80% nguồn cung phân bón và khối lượng đã chạm đến mức 41.6 triệu tấn trong năm 2021 (tăng 38.9% so với 2020).
Các nhà máy ép dầu đậu tương tại Trung Quốc ngừng hoạt động
Một vài nhà máy ép dầu dầu đậu tương Trung Quốc trải dài từ phía Bắc đến phía Nam đã hoặc đang lên kế hoạch ngừng hoạt động. Việc này xảy ra do biên lợi nhuận nghiền đậu tương trong nước suy giảm khiến cho lợi ích của những người thu mua đậu tương bị tác động, gây ra sự thiếu hụt về các hạt có dầu trong các nhà máy.
Các nhà máy ép dầu của Bunge tại khu vực Thiên Tân đã tạm ngừng hoạt động 49 ngày từ 10/02 đến ngày 03/04. Một nhà máy ép dầu khác tại Nam Kinh thông báo sẽ đóng cửa trong vòng 1 tháng từ cuối tháng 2 đến tháng 3.
Cùng thời điểm đó, một nhà máy ép dầu khác của Louis Dreyfus Company (LDC) tại Thiên Tân và Cargill tại tỉnh Hồ Bắc sẽ ngừng hoạt động trong tuần tiếp theo.
Theo một báo cáo từ công ty tư vấn công nghiệp của Trung Quốc là Mysteel hôm thứ sáu, họ cho biết rằng nhiều nhà máy ép dầu của Trung Quốc tại tỉnh phía Nam là Quảng Tây đã lên lịch trình đóng của vào tháng 3.
IGC công bố báo cáo sản lượng nông sản toàn cầu
Hội đồng Ngũ cốc thế giới (IGC) công bố báo cáo cắt giảm sản lượng đậu tương vụ 2021/22 khoảng 15 triệu tấn (tương đương với 551 triệu giạ) so với các ước tính trong tháng trước do các bằng chứng rõ ràng hơn về suy giảm năng suất tiềm năng tại Mỹ. Theo đó, IGC dự báo rằng sản lượng đậu tương toàn cầu sẽ ở mức 353 triệu tấn, thấp hơn 14 triệu tấn so với báo cáo từ USDA.
IGC cũng hạ dự báo về sản lượng ngô thế giới 4 triệu tấn (tương đương 158 triệu giạ) xuống còn 1.2 tỷ tấn. Cơ quan này đã cắt giảm sản lượng ngô tại Brazil 1.4 triệu tấn xuống 111.5 triệu tấn và Argentina 2 triệu tấn xuống 111.5 triệu tấn. Như vậy tổng thể cắt giảm là 3.4 triệu tấn. Các ước tính về sản lượng ngô của IGC thấp hơn 2.4 triệu tấn so với dự báo từ USDA trong báo cáo tháng 2.
IGC dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu vụ 2021/22 ở mức 781 triệu tấn, cao hơn 4.6 triệu tấn so với dự báo từ USDA.
Báo cáo Triển vọng Nông nghiệp dài hạn của Bộ Nông nhiệp Mỹ
Báo cáo Dự báo Nông nghiệp Dài hạn của USDA dự báo rằng sản lượng đậu tương của Mỹ sẽ tăng trong thập kỷ tới, nhưng thị phần của quốc gia này trong thương mại toàn cầu sẽ giảm trong giai đoạn này do sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất Nam Mỹ, đặc biệt là Brazil. Trên toàn cầu, hoạt động thương mại đậu tương dự kiến sẽ tăng 28.9% lên 337.5 triệu tấn trong khoảng thời gian từ 2022/23 đến 2031/32. Thêm vào đó, thương mại khô đậu tương toàn cầu dự kiến sẽ tăng 15.2% lên 80.2 triệu tấn vào năm 2031/32, nhờ vào tăng trưởng chăn nuôi gia súc gia cầm và áp dụng phương pháp cho ăn hiện đại.
Báo cáo Dự báo Nông nghiệp Dài hạn của USDA dự báo việc sử dụng ngô nội địa trong sản xuất thực phẩm, hạt giống và công nghiệp (FSI) và trong sản xuất ethanol sẽ giảm nhẹ trong thập kỷ tới. Dự báo ngô được sử dụng để sản xuất ethanol tại Mỹ sẽ giảm nhẹ vào năm 2031/32, với mức giảm từ 5.25 tỷ giạ xuống còn 5.18 tỷ giạ. Tuy vậy, nhu cầu xuất khẩu sẽ tăng mạnh. Xuất khẩu của Mỹ dự kiến sẽ đạt 3.15 tỷ giạ vào năm tiếp thị 2031/32, so với mức 2.425 tỷ giạ của năm 2021/22 hiện tại. Trong đó, việc chế biến thức ăn và sử dụng còn lại dự kiến sẽ tăng 20% trong giai đoạn 2022 – 2031/32, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Trong Báo cáo Dự báo Nông nghiệp dài hạn 2031/32 từ USDA rằng trong thập kỷ tới xuất khẩu lúa mì của Mỹ vẫn ổn định. Tuy nhiên, chính vì sự ổn định này sẽ khiến cho thị phần xuất khẩu của Mỹ giảm xuống do sự gia tăng thị phần xuất khẩu của các quốc gia khác như châu Âu và Ukraine. Diện tích trồng lúa mì của Mỹ sẽ co hẹp lại từ mức 49 triệu mẫu xuống chỉ còn 46 triệu mẫu từ năm 2022 xuống năm 2031, nguyên nhân do giá cao hơn và tăng trưởng trong nhu cầu trở nên chậm hơn.
Cũng theo báo cáo, thương mại lúa mì toàn cầu sẽ tăng lên mức 12.4% lên mức 231.3 triệu tấn trong giai đoạn từ 2022/23 đến 2031/32. Trong đó khối lượng xuất khẩu lúa mì Mỹ sẽ tăng 5.2% lên mức 26.5 triệu tấn, châu Âu được kỳ vọng sẽ tăng ở mức 28% lên mức 43.5 triệu tấn và Ukraine sẽ tăng ở mức 23% lên 25.5 triệu tấn. Đồng nghĩa với thị phần xuất khẩu lúa mì của Mỹ sẽ giảm từ mức 12.2% trong vụ 2022/23 xuống chỉ còn 11.5% trong thời gian 10 năm tới.
Sản lượng ethanol Mỹ hồi phục trở lại
Theo dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng ethanol trong tuần kết thúc vào ngày 11 tháng 2 đã tăng trở lại trên mức chuẩn 1 triệu thùng/ngày, với mức trung bình hàng ngày là 1.009 triệu thùng. Theo ước tính từ AgriCensus, với sản lượng ethanol trên tương đương với tiêu thụ 2.6 triệu tấn ngô, tăng so với tuần trước là 2.56 triệu tấn.
Bài phân tích được thực hiện bởi đội ngũ Phân tích CTCP Saigon Futures - TVKD xuất sắc của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam năm 2020. Mọi thắc mắc về thị trường và tư vấn đầu tư, Quý NĐT vui lòng liên hệ:
Hotline: 0286 686 0068
Website: https://saigonfutures.com/
Fanpage: Saigon Futures Inc.