Những lý do có thể khiến giá Vàng "không cánh mà bay" tới mốc $2,000
Hiện tại, trên thị trường đang có những đồn thổi về việc kim loại quý này sẽ không chỉ đạt mốc $2,000 mà còn là $3,000 trong thời gian tới.
Hợp đồng tương lai giá Vàng phá vỡ mốc đỉnh kỷ lục là một sự kiện hoàn toàn đã được dự đoán từ trước. Nhưng điều này đã xảy ra sớm hơn rất nhiều so với những gì mọi người nghĩ. Trong khi đó, giá Vàng giao ngay cũng đã thiết lập đỉnh cao mới của mọi thời đại và các nhà đầu tư cần phải xác định xem là Vàng sẽ tăng giá đến đâu.
Đà tăng mạnh của Vàng một phần là do các tác động từ cuộc khủng hoảng COVID-19, đặc biệt là từ sự thiệt hại cho các nền kinh tế cùng với những biện pháp cứu trợ, kích thích tài chính của các Quốc gia. Tài sản trú ẩn này hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu của sự suy yếu và có thể sẽ sớm cán mốc $2,000.
Hiện tại, trên thị trường đang có những đồn thổi về việc kim loại quý này sẽ đạt mốc $3,000 trong thời gian tới. Kỳ vọng này sẽ thuyết phục một số người rằng ngay cả trong khi giá đã tăng quá nhanh và mạnh như hiện nay thì vẫn là chưa muộn để nhảy lên chuyến tàu tới mốc $3,000.
Để có thể xác định được đâu sẽ là đỉnh cao mới của Vàng thì nó phục thuộc nhiều vào việc lợi suất thực trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng USD sẽ còn giảm tới đâu. Với diễn biến của COVID-19 và lập trường của FED thì việc lợi suất trái phiếu kho bạc và USD tiếp tục giảm là điều dễ hiểu.
Các Quỹ ETFs tiếp tục gia tăng nắm giữ vàng thỏi là một trong những động lực chính dẫn dắt đà tăng giá của vàng trong năm 2020, và điều này sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền đổ vào Vàng. Trong khi mức nắm giữ Vàng đang ở mức cao kỷ lục, mức nắm giữ của Quỹ SPDR Gold Shares vẫn chưa đạt đến đỉnh cao nhất như hồi năm 2012, điều này gợi ý rằng mức nắm giữ của quỹ ETF này vẫn còn dư địa để tăng hơn nữa.
Các Ngân hàng Trung ương tiếp tục mua tài sản, cùng với việc các nhà đầu tư cá nhân đang mua ồ ạt theo tâm lý đám đông cũng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu của Vàng. Điều này rất quan trọng vì nó sẽ bù đắp lại doanh số bán trang sức đang sụt giảm vì dịch bệnh.