Niềm tin mong manh về thị trường chứng khoán Trung Quốc: Lợi nhuận doanh nghiệp "giáng đòn mạnh" vào hy vọng phục hồi
Ngọc Lan
Junior Editor
Các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc đang dần mất kiên nhẫn khi lợi nhuận doanh nghiệp trì trệ, đà tăng trưởng mạnh mẽ trước đó "bốc hơi".
Ước tính lợi nhuận trên các chỉ số quan trọng của Trung Quốc đã được điều chỉnh giảm mạnh nhất châu Á trong năm nay, do sự suy thoái trầm trọng của thị trường nhà đất và doanh số bán lẻ trì trệ làm giảm niềm tin của nhà đầu tư. Chỉ số MSCI Trung Quốc đã giảm hơn 8% kể từ mức đỉnh vào giữa tháng 5, cho thấy đà tăng trưởng đang dần mất đi.
Jonathan Garner, chiến lược gia trưởng về cổ phiếu châu Á tại Morgan Stanley, cho biết hôm thứ Năm: "Chúng tôi đã chứng kiến 11 quý liên tiếp lợi nhuận thấp hơn dự báo đối với Chỉ số MSCI Trung Quốc, và giới phân tích vẫn chưa thực sự nắm bắt được môi trường tăng trưởng yếu kém tiềm ẩn như thế nào ở Trung Quốc." Ông nhấn mạnh "Để tham gia vào thị trường Trung Quốc, bạn phải có chọn lọc kỹ lưỡng. Ngoài ra, còn có nhiều cạnh tranh hơn đang diễn ra, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thương mại điện tử."
Niềm tin rằng hoạt động kinh doanh của các công ty Trung Quốc sẽ cải thiện là yếu tố then chốt thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng đầu năm. Điều này đã thu hút các quỹ đầu tư toàn cầu thận trọng quay trở lại thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, đà giảm gần đây đang gợi lại những ký ức ảm đạm của những năm trước, khi các đợt phục hồi nhanh chóng bị lu mờ bởi làn sóng bán tháo do những rủi ro từ căng thẳng địa chính trị đến các quy định khắt khe được áp dụng xuất hiện trở lại.
Ước tính lợi nhuận doanh nghiệp Trung Quốc được điều chỉnh giảm mạnh nhất châu Á
Ước tính thu nhập đồng thuận đối với Chỉ số Shanghai Composite và Chỉ số CSI 300 đều giảm hơn 6% trong năm nay. Điều này trái ngược hoàn toàn với mức tăng 1.6% đối với Chỉ số Châu Á của MSCI, thậm chí còn thấp hơn nhiều so với mức tăng của các thị trường khác ở Ấn Độ và Nhật Bản, theo dữ liệu tổng hợp từ Bloomberg.
Kết quả lợi nhuận của các công ty trong Chỉ số MSCI Trung Quốc thấp hơn ước tính tổng hợp khoảng 3.5% trong quý 1 năm nay. Báo cáo khác cho thấy cổ phiếu nội địa cũng ghi nhận xu hướng tương tự.
Khi đà phục hồi chững lại, nhà đầu tính nước ngoài quay trở lại với hoạt động bán ra. Tính đến thứ Năm, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra cổ phiếu nội địa Trung Quốc trong 9 ngày liên tiếp, tương đương với hơn 5 tỷ USD - đây là chuỗi rút vốn dài nhất kể từ tháng 8/2023.
Theo khảo sát mới nhất đối với các nhà quản lý quỹ châu Á của BoA, các nhà đầu tư đang quay lại với "chiến lược chờ đợi và quan sát" khi tỷ trọng phân bổ của họ đối với cổ phiếu Trung Quốc giảm xuống mức thấp hơn mức trung bình. Các chiến lược gia, bao gồm Ritesh Samadhiya, đã viết trong báo cáo ngày 18/6: "Sự thất vọng vì liên tục bị biến động mạnh của thị trường đã hình thành tâm lý tiêu cực mang tính hệ thống đối với loại tài sản này."
Khảo sát cho thấy các nhà quản lý quỹ hiện đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu Trung Quốc thấp hơn 6% so với mức trung bình, giảm so với mức trung bình hồi tháng 5.
Mặc dù nhà đầu tư Trung Quốc đã quen với những biến động khó lường của thị trường, nhưng lần này một số người kỳ vọng mọi chuyện sẽ khác. Lý do là chính phủ Trung Quốc đã tung ra hàng loạt chính sách hỗ trợ thị trường, bao gồm cả gói cứu trợ bất động sản. Các chính sách hỗ trợ này, cùng với hy vọng phục hồi lợi nhuận doanh nghiệp, đã thu hút những lời kêu gọi mua hiếm hoi từ các chiến lược gia tại UBS Group AG và Societe Generale SA, đồng thời khiến các nhà quản lý quỹ từng bi quan như chuyên gia kỳ cựu Mark Mobius phải đảo ngược quan điểm.
Tuy nhiên, khi đà giảm kéo dài - với chỉ số CSI 300 giảm trong 5 tuần liên tiếp - lại khiến giới giao dịch thêm nghi ngờ. Thêm vào đó, các dữ liệu kinh tế yếu kém cũng khiến nhà đầu tư lo lắng. Giá nhà ở Trung Quốc giảm nhanh hơn trong tháng 5 và các công ty internet lớn nhất nước này đang phải áp dụng chiết khấu lớn để thu hút khách hàng trong lễ hội mua sắm “618”.
Trong bản cập nhật danh mục đầu tư vào cuối tháng 5, T. Rowe Price đã tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu thị trường mới nổi loại trừ Trung Quốc nhưng vẫn giữ tỷ trọng thấp đối với thị trường này, cho rằng các gói kích thích cho đến nay là quá nhỏ để vực dậy thị trường.
Nhiều nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng vào hội nghị lần thứ ba thường niên (Third Plenum) vào tháng 7, một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất của Trung Quốc. Tại đây, các nhà lãnh đạo hàng đầu sẽ vạch ra các mục tiêu kinh tế dài hạn và định hướng cho những thay đổi chính sách sắp tới. Wendy Liu, chuyên gia chiến lược cổ phiếu tại JPMorgan Chase, cho biết trong tuần này rằng Chỉ số MSCI Trung Quốc sẽ được cải thiện vào tháng 7 và tháng 8. Bà cho rằng hội nghị Tháng Bảy và việc các công ty Trung Quốc tiếp tục mua lại cổ phiếu là một trong những lý do.
Tuy nhiên, rủi ro nằm ở chỗ nếu kết quả của hội nghị Tháng Bảy không đạt được kỳ vọng, thì quan điểm về cổ phiếu Trung Quốc có thể chuyển sang tiêu cực đáng kể do thiếu các yếu tố thúc đẩy tích cực.
Trong một buổi giới thiệu với giới truyền thông ở Jakarta đầu tháng này, Alexander Redman, Trưởng nhóm chiến lược cổ phiếu của CLSA, cho biết những gì các nhà phân tích kỳ vọng về lợi nhuận của các công ty Trung Quốc trong hai năm tới "chỉ có thể là phép màu". Ông nói thêm, các nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng theo chuẩn (benchmark weight) đối với cổ phiếu Trung Quốc vì ước tính thu nhập đồng thuận của họ có vẻ quá lạc quan.
Bloomberg