Niềm tin vào Bitcoin
Jay đã bỏ 217 Bitcoin để mua siêu xe Lamborghini vào năm 2013 để chứng minh khả năng thanh toán của tiền số này.
Tháng 12/2013, khi Bitcoin lần đầu phá vỡ cột mốc giá 1.000 USD, Alan Greenspan, người từng giữ chức Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giai đoạn 1987 - 2006, đã cho rằng tiền mã hóa này sẽ không bao giờ phổ biến được và không thể sử dụng để mua bất kỳ thứ gì có giá trị.
Jay đã phản đối nhận định này mạnh mẽ. Người đàn ông 30 tuổi quyết định bỏ một số Bitcoin không nhỏ để mua xe Lamborghini, chứng minh điều ngược lại.
Jay - biệt danh của người đàn ông bí ẩn - đã cùng vợ - cũng là một người thích Bitcoin - dùng gần 217 đồng tiền số này đến đại lý Lamborghini Newport Beach để mua một chiếc Lamborghini màu vàng. Lamborghini Newport Beach cũng là một trong những nơi chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin đầu tiên tại Mỹ. Nếu tính ở thời điểm đạt đỉnh 63.000 USD, mỗi đồng của Bitcoin, số tiền này tương đương 13,7 triệu USD.
Jay đã cung cấp bằng chứng về việc mình mua chiếc xe trên diễn đàn ẩn danh 4chan nhưng lại bị không ít người chê cười. Nhiều meme lan truyền trên Internet ra đời từ đó.
Gần một thập kỷ sau, mọi thứ thay đổi.
Niềm tin với Bitcoin
Jay sinh ra trong một gia đình trung lưu tại miền Tây nước Mỹ. Gia đình ông không dư dả về tiền bạc nhưng vẫn đảm bảo trang trải cuộc sống hàng ngày và cho các con đi học. Jay giỏi nhất là môn địa lý, vì theo ông, đây là môn mà "kiến thức đến một cách tự nhiên mà không cần phải học".
Năm 12 tuổi, ông bắt đầu công việc đầu tiên của mình: đóng hộp đựng đồ cho các xe hàng. Công việc lặp đi lặp lại một cách nhàm chán, nhưng ông học được nhiều điều khi được giap tiếp với các chủ doanh nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Jay đăng ký một đại học gần nhà, theo đuổi ngành quan hệ quốc tế và kỹ thuật máy tính. Được một thời gian, ông bỏ học vì cho rằng "những điều trên giảng đường đều nhảm nhí" và đây chỉ là nơi đào tạo "một người làm công ăn lương".
Jay bỏ học và mở một doanh nghiệp bán sách. Công ty thành công và được Amazon mua lại vài năm sau đó.
Jay dành phần lớn tiền bán công ty để đi du lịch. Ông đến Mông Cổ, sau đó là Kazakhstan và các nước Đông Nam Á. "Khi thảm họa sóng thần ập vào Đông Nam Á năm 2004, tôi nhận ra việc mình ngồi đây và làm những điều nhảm nhí thực sự tệ hại. Tôi cần giúp đỡ mọi người", Jay kể.
Jay sau đó quyết định ở lại Đông Nam Á và học một trường chuyên về quản trị kinh doanh. Năm 2010, ông biết đến sách trắng Bitcoin nhờ nằm trong danh sách nhận thư Cypherpunks - nơi nhà sáng lập Satoshi Nakamoto gửi mail trao đổi qua lại. Ngoài ra, ông cũng tìm hiểu về blockchain. "Tôi nghĩ Bitcoin tuyệt vời, nhưng khả năng trở thành đồng tiền phổ biến là rất thấp. Điều đó quá điên rồ", Jay nói.
Đối với Jay, điểm thu hút lớn nhất của Bitcoin không phải là khía cạnh tiền bạc, mà là ý tưởng về một đồng tiền không bị kiểm duyệt và chi phối. Do đó, dù bản thân không còn nhiều tiền, Jay vẫn quyết định đầu tư dàn "trâu cày" với 20 GPU để đào Bitcoin. Tiền điện phải trả mỗi tháng gấp 6 lần tiền thuê nhà.
"Tôi thực sự nghèo. Khi đó, tôi chỉ kiếm được khoảng 8.500 USD mỗi năm, nhưng phải gửi về cho gia đình và nuôi con. Tôi cũng kinh doanh và tiết kiệm được một khoản, nhưng việc học đại học và lấy vợ đã khiến tôi trắng tay", Jay nhớ lại.
Jay cho biết, việc ra trường đi làm, lấy vợ và có con sớm khiến anh gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là lý do khiến anh bán đi rất nhiều Bitcoin khi giá của chúng rất rẻ. "Tôi muốn một cuộc sống an toàn. Nếu không, giờ đây tài sản của tôi chắc chắn phải có thêm ít nhất một số 0. Nhưng đó là nghịch lý, gia đình là lý do để tôi làm mọi thứ", Jay nói.
Theo lời kể của Jay, anh sẵn sàng giữ lại Bitcoin, chỉ ăn mì mỗi ngày và khai thác Bitcoin trên máy tính. "Tôi có niềm tin. Tôi biết thế giới này đang thay đổi".
Lo lắng về sự giàu có
Jay hiện sống trong thành phố nhỏ có chưa đến 100.000 dân tại một nước Đông Nam Á, cùng vợ và ba con. Tuy nhiên, sự giàu có khiến anh bị ám ảnh.
Jay hiện là một trong số ít người sở hữu đồng vàng Bitcoin vật lý (Physical Bitcoin), chứa 1.000 Bitcoin. Thực tế, đây cũng là đồng xu có giá trị nhất thế giới, với mệnh giá khoảng 60 triệu USD kèm phí bảo hiểm trị giá hàng triệu USD nữa.
Giá trị thực sự của đồng Bitcoin vật lý mà Jay đang nắm giữ là Private Key - nơi kết nối với tài khoản bí mật chứa 1.000 Bitcoin. Nó tương tự một tấm trái phiếu, vàng hoặc tiền mặt, có thể sử dụng ở bất cứ đâu trên thế giới.
Nắm trong tay khối tài sản lớn, lại ở trong một nơi khoảng cách giàu nghèo chênh lệch, Jay thường tỏ ra lo lắng về môi trường xung quanh. Dù ngôi nhà của ông đã được xây dựng với các bức tường cao và kiên cố, ông vẫn sợ rằng một ngày nào đó gia đình bị bắt cóc bởi bọn tội phạm quốc tế.
Hướng đi tương lai
Có gần một thập kỷ "ăn ngủ" với Bitcoin, Jay cho biết ông luôn thận trọng đối với các xu hướng mới, bao gồm các đồng tiền mã hóa dạng tài chính phi tập trung (DeFi) và NFT. Đối với DeFi, Jay cho rằng "chắc chắn có rủi ro" do một số dự án có thể có quyền đơn phương kiểm soát tiền của nhà đầu tư. Còn với NFT, ông nghĩ "99% trong số chúng sẽ vô giá trị, chỉ một số ít trở thành tác phẩm kinh điển".
Jay thừa nhận nhờ Bitcoin mà ông có được cuộc sống như hiện nay, nhưng từ chối đề cập đến sự phát triển của đồng tiền này cũng như các loại tiền số trong tương lai. "Tôi thực sự không muốn bài báo này xuất hiện, nhưng tôi nghĩ rằng câu chuyện nên được kể", Jay nói.
Link gốc tại đây.
VnExpress tổng hợp theo CoinTelegraph