Nửa đầu năm tồi tệ nhất của thị trường trong 50 năm đều do một nguyên nhân!
Nguyễn Vũ Phương Nam
Junior Analyst
Nhiều yếu tố đã tạo ra nửa đầu năm tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán kể từ năm 1970, nhưng tất cả đều xuất phát từ lạm phát.
Chi phí sinh hoạt tại Hoa Kỳ tăng ở mức chưa từng thấy kể từ đầu những năm 1980.
Tệ hơn nữa, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang, những người dành cả năm chỉ để khẳng định lạm phát "nhất thời" mà giờ đây sai hoàn toàn, đã quá chậm trễ, gây nguy hiểm cho thị trường và nền kinh tế vẫn còn mong manh trước đại dịch Covid.
Sáu tháng sau, mọi thứ đã trở nên nghiêm trọng hơn: Chỉ số S&P 500 giảm gần 20%, một biểu tượng cho thấy khẩu vị rủi ro đã đi xuống thế nào.
“Đó là lạm phát. Đó là kẻ thù của Fed,” Quincy Krosby, chiến lược gia của LPL Financial cho biết. “Đó là vì Fed duy trì tư duy “nhất thời”... Đó đến từ việc ngân hàng trung ương, chính phủ bơm tiền như nước. Fed thậm chí còn rất ngạc nhiên về lạm phát chỉ vài ngày trước cuộc họp gần nhất. Đó là lí do khiến chúng ta đến nỗi này."
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng mà Fed cho rằng sẽ giảm bớt là nguyên nhân dẫn đến lạm phát. Nhu cầu chỉ đơn giản là lấn át khả năng đưa sản phẩm ra thị trường, khiến giá cả tăng cao. Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã làm trầm trọng thêm một số vấn đề, khiến giá năng lượng và lương thực tăng lên. Niềm tin của người tiêu dùng đã sụp đổ và kỳ vọng lạm phát đã tăng lên.
Bỏ lỡ tín hiệu, thiệt hại hàng loạt
Sau khi bị lạm phát bỏ rất xa, Fed đã buộc phải chơi đuổi bắt bằng việc tăng lãi suất lên 1.5 điểm phần trăm, và sắp tới sẽ còn nhiều hơn nữa. Nhiều người ở Phố Wall đã đặt câu hỏi tại sao Fed không quyết liệt hơn.
Sự không chắc chắn về con đường phía trước đã khuếch đại tác động của lạm phát, với CPI tăng 8.6%, mức cao nhất kể từ tháng 12 năm 1981. Vào tháng 12 năm 2021, Fed dự báo lạm phát đạt 2.6% trong năm nay; dữ liệu PCE thứ Năm tăng 6.3%, với lạm phát lõi không bao gồm thực phẩm và năng lượng ở mức 4.7%.
Chủ tịch Fed Jerome Powell “cần giành lại quyền kiểm soát lạm phát... bây giờ ông ấy đang mất toàn quyền kiểm soát”, cố vấn kinh tế Mohamed El-Erian của Allianz nói. “Ông ấy phải hành động bởi vì, nếu không, ông ấy sẽ đuổi theo thị trường và không bao giờ bắt kịp.”
Bên cạnh những thiệt hại ở các chỉ số chứng khoán lớn như S&P 500 và Dow Jones, giảm hơn 14% so với năm trước, máu đang đổ khắp nơi.
Chỉ số Nasdaq đã giảm gần 30%. Bitcoin đã giảm gần 60%. Đồng, một chỉ báo sớm của nền kinh tế, đã giảm hơn 15% và bông giảm hơn 13%.
Thị trường vốn cũng bị đạp nặng nề.
Các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC, còn gọi là công ty séc trắng), sau một thời gian thăng hoa giờ lại chật vật. Chỉ số CNBC SPAC đã có tháng tồi tệ nhất kể từ khi được giới thiệu vào tháng 11 năm 2020, giảm gần 25%.
Các công ty tư nhân đã chậm chạp trong việc tiếp cận một thị trường ảm đạm như vậy. Theo Ernst & Young, số lượng IPO đã giảm 46% trong nửa đầu năm, với doanh thu giảm 58% so với cùng kỳ năm trước.
Lịch sử mang lại hy vọng
“Thị trường luôn nhận được tin tức đầu tiên. Tất cả những gì thị trường đang chờ đợi là Fed hạ giọng điệu,” Krosby cho biết. “Điều đó sẽ khiến thị trường hướng tới kỳ vọng tạm dừng hoặc thậm chí có thể tăng lãi suất lên 50bp hoặc 25bp, tùy thuộc vào vị trí hiện tại."
Tuy nhiên, thị trường dự kiến sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất 75bp vào tháng Bảy, như đợt tăng vào tháng Sáu.
Chỉ một số loại hàng hóa là khởi sắc trong năm nay, như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và một số sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, phần đó không đáng kể so với những pha giảm kinh hoàng, từ ngân hàng cho đến các nhà sản xuất ô tô, các sản phẩm xây dựng.
Mặc dù vậy, vẫn có lý do để lạc quan.
Khi S&P 500 giảm 21% trong nửa đầu năm 1970, nó đã nhanh chóng đảo chiều và tăng 26.5% trong nửa cuối năm, cuối cùng vẫn chốt năm tăng điểm.
CBNC