OECD: Lãi suất cao là trở ngại cho tăng trưởng kinh tế
Hoàng Thế Vinh
Junior Analyst
Nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái khi lãi suất tăng đè nặng lên hoạt động kinh tế cùng với đó là sự phục hồi sau đại dịch đáng thất vọng.
Theo OECD, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm xuống 2.7% vào năm 2024 sau khi tăng 3% trong năm nay. Trừ năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đây có lẽ là mức tăng trưởng hàng năm yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nhà kinh tế trưởng Clare Lombardelli của OECD phát biểu trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba: “Kể cả khi lạm phát tiếp tục hạ nhiệt thì nền kinh tế thế giới vẫn trong tình trạng khó khăn. Chúng ta đang đối mặt với cả khó khăn về lạm phát cao và mức tăng trưởng thấp”.
OECD cảnh báo rằng thực tế có thể còn thấp hơn dự báo, vì các lần tăng lãi suất trước đây có thể có tác động mạnh hơn dự kiến và lạm phát duy trì dai dẳng, yêu cầu thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa. Tổ chức gọi những khó khăn của Trung Quốc là “rủi ro chính” đối với sản lượng toàn cầu.
Tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại vào năm 2024
OECD cho biết: “Sau khởi đầu năm 2023 tốt hơn mong đợi, nhờ giá năng lượng giảm và việc Trung Quốc mở cửa trở lại, tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ hạ nhiệt. Tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt ngày càng trở nên rõ ràng, niềm tin của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng giảm sút và sự phục hồi ở Trung Quốc cũng ngày càng trở nên ảm đạm”.
Điều này sẽ là thử thách cho các ngân hàng trung ương khi tác động của cuộc chiến chống lạm phát vẫn từ từ gây ảnh hưởng và các chính trị gia lo ngại rằng hoạt động kinh tế đang bị kiềm chế.
ECB đã tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp vào tuần trước, tuy rằng có thể đã đạt đỉnh. Fed dự kiến sẽ không tăng lãi suất vào thứ Tư.
OECD cảnh báo không nên nới lỏng chính sách tiền tệ, với mức lạm phát lõi vẫn còn dai dẳng ở nhiều quốc gia ngay cả khi lạm phát toàn phần giảm. Các ngân hàng trung ương không có nhiều dư địa nới lỏng cho đến sang năm 2024.
Dự báo lạm phát
OECD cho biết: “Chính sách tiền tệ cần phải tiếp tục thắt chặt cho đến khi có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy áp lực lạm phát lõi đã giảm bớt trong dài hạn”.
Bà Lombardelli nói thêm, giá dầu tăng 25% kể từ tháng 5 cũng dẫn đến lạm phát tăng ở một số quốc gia, tùy thuộc vào mức độ tiêu dùng và họ nhập khẩu hay xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch.
“Đây rõ ràng là điều không tốt. Giá dầu sẽ biến động mạnh trong giai đoạn này. Đó là lý do tại sao chúng tôi nhấn mạnh nó là một trong những rủi ro. Tác động rõ ràng nhất là việc thắt chặt ngân sách hộ gia đình và nhu cầu.”
Dự báo GDP
Đi sâu vào triển vọng khu vực và quốc gia, OECD đã cắt giảm dự báo tăng trưởng Eurozone trong năm nay và năm tới, dự báo mức giảm 0.2% ở Đức vào năm 2023 - quốc gia trong nhóm G-20 duy nhất ngoại trừ Argentina phải chịu suy thoái. Tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ mạnh hơn dự báo tháng 6, nhưng sẽ giảm xuống 1.3% vào năm 2024 từ mức 2.2% vào năm 2023.
Trung Quốc là quốc gia bị điều chỉnh giảm GDP đặc biệt sâu, tăng dưới 5% trong năm tới do nhu cầu trong nước giảm và căng thẳng cơ cấu trên thị trường bất động sản. OECD cho biết phạm vi hỗ trợ chính sách hiệu quả ở Trung Quốc cũng có thể bị hạn chế hơn so với trước đây.
Bloomberg