PBoC dự kiến giữ nguyên lãi suất cho vay trung hạn: Động thái bất ngờ hay chiến lược thận trọng?
Ngọc Lan
Junior Editor
Theo một cuộc khảo sát của Reuters, giới chuyên gia dự đoán rằng PBoC sẽ giữ nguyên lãi suất cho vay trung hạn và rút bớt một phần tiền mặt khỏi hệ thống ngân hàng khi gia hạn các khoản vay đáo hạn vào thứ Hai tới.
Mặc dù nền kinh tế vẫn đang trì trệ, đồng Nhân dân tệ yếu vẫn là rào cản chính hạn chế nỗ lực nới lỏng tiền tệ của Bắc Kinh. Việc nới lỏng có thể làm gia tăng chênh lệch lợi suất với các nền kinh tế lớn khác, đặc biệt là Hoa Kỳ, và kích hoạt dòng vốn chảy ra nước ngoài.
Trong cuộc khảo sát của Reuters với 35 chuyên gia thị trường tuần này, 34 người (chiếm 97%) dự đoán PBoC sẽ giữ nguyên lãi suất cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn một năm ở mức 2.50% như lần trước. Chỉ có một người dự đoán sẽ có sự cắt giảm nhẹ lãi suất.
Các chuyên gia thị trường tin rằng tầm quan trọng của lãi suất MLF sẽ dần giảm đi khi PBoC cố gắng nâng cao hiệu quả của hành lang lãi suất. PBoC đã giới thiệu một cơ chế quản lý tiền mặt mới trong tuần này, và Thống đốc Pan Gongsheng cho biết lãi suất reverse repo 7 ngày về cơ bản đã thực hiện chức năng của lãi suất chính sách chính.
Ju Wang, Trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối và lãi suất Trung Quốc tại BNP Paribas nhận định: "Tầm quan trọng của lãi suất MLF có thể giảm, với việc PBoC tập trung hơn vào mua hoặc bán trái phiếu chính phủ Trung Quốc (CGB) xoay quanh lãi suất reverse repo trong thời hạn ngắn."
Một nhà quản lý quỹ trái phiếu cho biết cơ chế thanh khoản mới sẽ cho phép lãi suất reverse repo 7 ngày thay đổi trước, sau đó là các lãi suất khác, bao gồm cả lãi suất MLF.
Trong khi đó, đa số (28 người, chiếm 80%) những người tham gia khảo sát dự đoán PBoC sẽ chỉ gia hạn một phần, so với 103 tỷ Nhân dân tệ (14.18 tỷ USD) khoản vay MLF đáo hạn trong tháng này.
Frances Cheung, chiến lược gia lãi suất tại Ngân hàng OCBC nhận xét "Các nhà đầu tư đang cân nhắc liệu PBoC có chỉ tái cấp một phần khoản vay MLF trong những tháng tới để dần thu hẹp quy mô của chương trình này hay không".
Bên cạnh đó, một số trader trái phiếu cho rằng nhu cầu vay MLF giảm sút do các dấu hiệu cho thấy nguồn tiền trong hệ thống ngân hàng đang dồi dào hơn. Lãi suất chứng chỉ tiền gửi có thể chuyển nhượng (NCD) xếp hạng AAA kỳ hạn một năm, vốn đo lường lãi suất ngắn hạn giữa các ngân hàng, vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với lãi suất MLF. Gần đây nhất, lãi suất này được giao dịch ở mức 1.9642%.
Ngoài nỗ lực cải tổ kênh truyền dẫn chính sách tiền tệ, PBoC đã đưa ra cảnh báo và giới thiệu hàng loạt biện pháp, bao gồm kế hoạch bán trái phiếu chính phủ, nhằm giảm bớt đà tăng kéo dài của trái phiếu.
Các nhà phân tích tại Societe Generale nhận định trong một báo cáo: "PBoC có thể giảm nhu cầu điều chỉnh thường xuyên các công cụ chính sách tiền tệ khác nhau, chẳng hạn như lãi suất MLF một năm, lãi suất cho vay ưu đãi (LPR) một năm và năm năm, lãi suất reverse repo 7 ngày, và tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR), điều này có thể làm giảm áp lực gia tăng lên cặp tỷ giá USD/CNY."
Việc ấn định LPR hàng tháng dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 22/7.
Reuters