Phó thống đốc Himino: BoJ phải cảnh giác trước tác động của đồng Yên đối với nền kinh tế
Trần Quốc Khải
Junior Editor
Phó Thống đốc BoJ, Ryozo Himino cho biết, BoJ phải hết sức “cảnh giác" trước tác động của đồng yên đối với nền kinh tế, đồng thời cho rằng sự suy yếu của đồng tiền này sẽ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thời điểm tăng lãi suất tiếp theo.
Phó Thống đốc Himino cho rằng việc các ngân hàng trung ương nhắm trực tiếp vào tỷ giá hối đoái trong việc thiết lập chính sách tiền tệ là không phù hợp vì các yếu tố khác cũng cần được xem xét. Ông cho rằng: ''Biến động tỷ giá hối đoái ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế theo nhiều cách khác nhau. Biến động tỷ giá hối đoái cũng ảnh hưởng trên diện rộng và liên tục lên lạm phát, ngoài việc tác động trực tiếp đến giá nhập khẩu”.
Ngoài ra, Phó Thống đốc Himino cũng phát biểu trong một phiên họp của Đại học Columbia ở Tokyo: “Chúng ta cần phải hết sức thận trọng và phân tích chặt chẽ tác động của biến động tỷ giá hối đoái đối với nền kinh tế, giá cả và triển vọng của chúng”. Ông nói thêm, BoJ không nên tự động phản ứng trước những động thái của tỷ giá hối đoái trong việc thiết lập lãi suất, vì có những “khía cạnh khác” cần được tính đến như triển vọng về kinh tế và giá cả.
Đồng yên yếu đã trở thành vấn đề đau đầu đối với chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida, vốn phải đối mặt với xếp hạng tín nhiệm sụt giảm khi đồng tiền mất giá đẩy chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình tăng cao do lạm phát giá nhập khẩu thực phẩm và nhiên liệu.
Thống đốc BoJ, Kazuo Ueda đã loại trừ việc sử dụng chính sách tiền tệ để tác động trực tiếp đến diễn biến tỷ giá, nhưng cũng đề xuất tăng lãi suất nếu đồng yên yếu đẩy lạm phát lên cao hơn dự kiến.
Nhiều người cho rằng BoJ sẽ tăng lãi suất từ mức gần như bằng 0 hiện tại trong năm nay. Một số người kỳ vọng sẽ động thái này sẽ diễn ra sớm nhất vào tháng 7, một phần để làm chậm đà giảm liên tục của đồng yên.
Khi được hỏi BoJ sẽ làm gì với bảng cân đối kế toán của mình, phó thống đốc Himino cho biết BoJ sẽ đưa ra quyết định dựa trên ảnh hưởng của bảng cân đối lên nền kinh tế, giá cả và mục tiêu lạm phát bền vững 2%.
Phó thống đốc Himino cho rằng:"Thị trường mong muốn ấn định lãi suất dài hạn. Mặt khác, BoJ đã can thiệp sâu vào thị trường trái phiếu ”.
Ông cũng nhấn mạnh khó khăn trong việc cân bằng mà BoJ phải đối mặt khi vừa cho phép thị trường đẩy lãi suất dài hạn lên cao hơn, đồng thời tránh lợi suất trái phiếu tăng đột ngột.
Vào tháng 3, BoJ đã chấm dứt 8 năm lãi suất âm và kiểm soát đường cong lợi suất (YCC).
Quyết định này nhằm mục đích phục hồi thị trường đình trệ do sự can thiệp quá sâu của BoJ và cho phép thị trường thúc đẩy dòng chảy lợi suất.
Các thị trường đang tập trung vào việc liệu BoJ, tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 13-14 tháng 6, có cắt giảm toàn bộ hoạt động mua trái phiếu khổng lồ của mình hay không.
Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã nhanh chóng tăng lên 1.1% vào tuần trước, mức cao nhất kể từ tháng 7 năm 2011, do kỳ vọng ngày càng tăng về việc tăng lãi suất trong ngắn hạn.
Reuters