Phố Wall tiếp tục bearish với nhân dân tệ bất chấp sự can thiệp của Trung Quốc
Đức Nguyễn
FX Strategist
Trong khi Bắc Kinh đang nỗ lực ổn định đồng nhân dân tệ, Phố Wall vẫn nhận thấy nhiều khả năng đồng tiền tiếp tục mất giá.
Sau khi USDCNH vượt mức 7.30, rất gần với mức thấp nhất trong lịch sử của năm ngoái, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã phản ứng, bằng những cảnh báo bằng lời nói, thúc giục bán USD và thiết lập tham chiếu CNY với chênh lệch lớn nhất từng ghi nhận.
Dù điều đó có làm chậm đà bán tháo, cùng với sự suy yếu của USD, các chiến lược gia cho rằng những biện pháp tạm thời này không đủ để ngăn chặn sự mất giá của đồng nhân dân tệ - một xu hướng được hình thành bởi nền kinh tế yếu kém và lợi suất thấp. Việc cắt giảm lãi suất chỉ làm gia tăng khoảng cách lợi suất với Mỹ và việc thiếu bất kỳ biện pháp quan trọng nào để thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng và kiềm chế cuộc khủng hoảng lan rộng trong lĩnh vực bất động sản càng làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư.
“Kịch bản cơ sở về việc đồng nhân dân tệ tiếp tục yếu đi vẫn còn rất nguyên vẹn”, các nhà phân tích của JPMorgan do Meera Chandan, đồng trưởng bộ phận FX tại London dẫn đầu, viết trong một báo cáo nghiên cứu hôm thứ Sáu. “Chúng tôi dự báo xu hướng tăng bền vững của USDCNY, nhưng các sự kiện gần đây là một lời nhắc nhở rằng các nhà chức trách sẽ định kỳ cố gắng phá vỡ các động thái một chiều.”
Vào thứ Hai, chi phí cấp vốn trên thị trường nhân dân tệ nước ngoài tăng mạnh nhất trong sáu năm trong bối cảnh có suy đoán rằng các nhà chức trách đang khiến việc đánh xuống đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn. Vào thứ Ba, Trung Quốc một lần thiết lập tham chiếu mạnh nhất so với kỳ vọng thị trường.
Vấn đề là lợi suất của Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với lợi suất của Mỹ ở khắp các kỳ hạn. Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 2 năm hiện cao hơn khoảng 290 điểm cơ bản so với trái phiếu chính phủ Trung Quốc cùng kỳ hạn, cao nhất kể từ năm 2006.
Trong khi đồng nhân dân tệ nước ngoài chỉ bắt đầu giao dịch vào năm 2010, thì đồng nội tệ vào thời điểm đó được giao dịch ở mức gần 8/USD, tức đồng tiền Trung Quốc sẽ giảm khoảng 9% nếu chênh lệch lãi suất được duy trì mà không tính đến các yếu tố khác.
Ju Wang, trưởng bộ phận chiến lược lãi suất và ngoại hối Trung Quốc tại BNP Paribas ở Hồng Kông, cho biết: “Chúng tôi không nghĩ rằng có một ranh giới cứng rắn nào cho tỷ giá hối đoái. Suy cho cùng, điều đó phụ thuộc vào chênh lệch lợi suất giữa Mỹ và Trung Quốc, và chúng ta đang chứng kiến chênh lệch lợi suất danh nghĩa gần kỷ lục.”
Ngân hàng trung ương Trung Quốc tuyên bố sẽ “tăng cường điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô” trong báo cáo tiền tệ hàng quý được công bố hôm thứ Năm, tái khẳng định lập trường chính sách thích ứng của mình. Đồng thời họ cũng cam kết kiên quyết ngăn chặn những biến động quá mức của tỷ giá.
USDCNH giao dịch quanh mức 7.2870 vào thứ Ba, không quá xa đỉnh lịch sử 7.3749 đạt được vào tháng 10. Đầu năm nay, cặp tiền được giao dịch quanh mức 6.70 trong bối cảnh hy vọng việc mở cửa kinh tế trở lại sẽ thúc đẩy phục hồi ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Christopher Wong, chiến lược gia FX tại OCBC ở Singapore, cho biết thị trường đang theo dõi chặt chẽ liệu “USDCNH có tăng thêm để kiểm tra vùng kháng cự 7.38-41 hay không”.
Nếu điều đó xảy ra, “thị trường có thể hướng tới 7.50 chỉ trong vài tuần.”
Đối với Craig Chan, Giám đốc Chiến lược FX Toàn cầu tại Nomura Singapore Ltd., chênh lệch lớn giữa mức tham chiếu CNY kỳ vọng của thị trường có thể đã bắt đầu làm suy yếu tác dụng ổn định của tham chiếu. Ông lưu ý rằng các nhà chức trách có thể buộc phải bán USD nếu đồng tiền tiến sát biên độ 2%.
Trong lần thiết lập tham chiếu mới nhất, PBOC đã đặt tỷ giá CNY mạnh hơn khoảng 1.5% so với ước tính trung bình trong một cuộc khảo sát của Bloomberg.
Ông Chan cho biết: “Về kỳ vọng nhân dân tệ giảm, chúng tôi chắc chắn 100%.” Ông tin USDCNH có thể đạt mức 7.50 và hơn thế nữa. Rủi ro lớn nhất đối với sự suy yếu của đồng nhân dân tệ là một gói kích thích kinh tế đáng kể từ Bắc Kinh.
Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ suy yếu vẫn mang lại một số lợi ích cho Trung Quốc, giúp nước này chống chọi với tình trạng giảm phát, trái ngược hoàn toàn với nhiều nền kinh tế G10.
“Trung Quốc cần hạ lãi suất thực ngay bây giờ,” Geoffrey Yu, chiến lược gia cấp cao tại BNY Mellon cho biết. “Đó là lý do tại sao họ cho phép đồng Nhân dân tệ mất giá, để họ có thể nhập khẩu chút lạm phát.”
Bloomberg