Quyết định chính sách của Fed thu hút mọi sự chú ý, nhưng đừng quên để mắt đến động lực từ trung Quốc!
Đặng Thùy Linh
Junior Analyst
Thị trường đang chờ đợi quyết định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang, nhưng lẽ ra mọi ánh mắt nên hướng về Trung Quốc.
Tăng trưởng chậm lại của Bắc Kinh đang được so sánh với sự suy thoái kinh điển của Nhật Bản kể từ những năm 1990 - hay còn gọi là "Nhật Bản hóa". Điều đó được thể hiện trong cuộc khảo sát các nhà quản lý quỹ toàn cầu mới nhất của Bank of America, khi kỳ vọng tăng trưởng của Trung Quốc ở mức thấp kỷ lục, với 18% dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ suy yếu hơn:
Trung Quốc hiện đang chứng kiến tất cả dấu hiệu của một “cuộc suy thoái bảng cân đối kế toán”: một giai đoạn giảm phát kéo dài, thị trường bất động sản suy yếu và gánh nặng nợ gia tăng. Giống như ở Nhật Bản, điều này diễn ra sau một giai đoạn tăng trưởng đáng kinh ngạc. Vậy phải làm gì để thoát khỏi "vũng lầy"? Các nhà nghiên cứu của Barclays lập luận rằng Trung Quốc phải đối mặt với một loạt thách thức, trong một số kịch bản nước này còn tệ hơn Nhật Bản - dân số giảm, thị trường bất động sản gặp khó khăn, và suy thoái nghiêm trọng hơn. Barclays nhấn mạnh những điểm tương đồng:
Sự ảnh hưởng của lĩnh vực bất động sản đối với nhu cầu trên toàn cầu về các mặt hàng như thép và các nguyên liệu thô khác cho thấy vấn đề không chỉ xảy ra ở Bắc Kinh. Tim Congdon của Viện Nghiên cứu Tiền tệ Quốc tế tin rằng việc giải quyết những khó khăn trong hệ thống tài chính Trung Quốc là rất quan trọng đối với triển vọng kinh tế toàn cầu. Các nhà hoạch định chính sách đã công bố các biện pháp cải cách vào tháng 5 để thúc đẩy ngành bất động sản, và dường như có một số dấu hiệu cho thấy sự cải thiện.
Khả năng thoát khỏi cuộc suy thoái bảng cân đối không dễ dàng. Khoản nợ của các hộ gia đình đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua, đạt 143% thu nhập khả dụng vào năm 2021 trước khi ổn định. Do đó, lãi suất thấp không còn quá quan trọng; nếu không kiếm đủ tiền, khả năng vay của hộ gia đình sẽ bị hạn chế.
Harry Colvin của Longview Economics cho rằng cần phải đưa ra các chính sách tiền tệ hiệu quả hơn nữa: "Tất nhiên, chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ không có ích đối với tình trạng suy thoái bảng cân đối kế toán. Trong ngắn hạn, do chính sách còn quá thắt chặt, sự suy thoái trong chu kỳ tín dụng, thị trường nhà đất và nền kinh tế nói chung sẽ tiếp diễn, đặc biệt là khi không có sự nới lỏng chính sách đáng kể".
Với những chính sách ưu đãi phù hợp, các hộ gia đình có thể sẽ tận dụng khoản tiết kiệm dôi dư của mình để tăng cường tiêu dùng. Nhưng Barclays chỉ ra rằng khoản tiết kiệm đó chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn, chiếm 96% tổng số tiền gửi vào năm 2023:
Bằng chứng thực tế cho thấy các hộ gia đình thích giữ các khoản tiền gửi có thời hạn lên đến 5 năm để nhận được mức lãi suất cao hơn do tình trạng lãi suất thấp kéo dài được dự đoán sẽ tiếp diễn.
Nhật Bản mất khoảng ba thập kỷ để thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế. Giá trị tài sản bị mất đi do sự sụt giảm của thị trường bất động sản - ước tính là 9 nghìn tỷ USD, gấp đôi vốn hóa thị trường chứng khoán của Trung Quốc. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng đang cho thấy dấu hiệu tương tự với Nhật Bản:
Không có cách khắc phục nhanh chóng. Kinh nghiệm của Nhật Bản và Mỹ cho thấy có thể mất ít nhất 1 thập kỷ để giảm đòn bẩy khu vực tư nhân. Cần phải có sự kiên nhẫn.
Rút lui khỏi thị trường mới nổi
Đối với nhà đầu tư, một trong những hậu quả lớn nhất từ những khó khăn của Trung Quốc là đặt câu hỏi liệu việc coi các thị trường mới nổi là một loại tài sản riêng có còn hợp lý hay không.
Khái niệm này bắt đầu như một mảnh ghép đầy cảm hứng do Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) sáng tạo ra cách đây 4 thập kỷ. Ý tưởng là khuyến khích phương Tây đầu tư vào các thị trường đang phát triển bằng cách phân tán rủi ro qua nhiều thị trường và châu lục với các mức độ phát triển khác nhau. "Nhãn" thị trường mới nổi (EM) đã hoạt động tốt hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu - gọi sản phẩm mới của họ là “Third World Investment Trust” (TWIT).
Kể từ đó, định nghĩa về thị trường mới nổi đã chuyển từ IFC sang nhóm chỉ số MSCI, và bản thân các chỉ số ngày càng trở nên "tinh vi" hơn. Hiện tại, chúng ta đang ở giai đoạn mà không còn sự khác biệt rõ ràng giữa các nền kinh tế trong MSCI, ít nhất là khi loại bỏ các siêu cường kinh tế Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong ba năm qua, chỉ số MSCI của các thị trường mới nổi không bao gồm Trung Quốc và chỉ số EAFE của các thị trường phát triển không bao gồm Hoa Kỳ và Canada về cơ bản là giống hệt nhau:
Sự chia rẽ lớn trong nền kinh tế thế giới có thể được thấy rõ bằng cách so sánh chỉ số MSCI của Hoa Kỳ (trên thực tế ít nhiều giống với S&P 500) và Trung Quốc, tính theo USD. Trước đây, chúng di chuyển gần như cùng pha với nhau, điều này vẫn tiếp diễn ngay cả sau khi chính quyền Trump áp thuế vào năm 2018. Nhưng kể từ khi Trung Quốc bắt đầu kiểm soát chặt chẽ khu vực tư nhân vào năm 2021, sự khác biệt đã trở nên đáng kinh ngạc:
Trong quá khứ, Trung Quốc đã từng có ảnh hưởng rất lớn đến các thị trường mới nổi khác. Điều này thể hiện rõ ràng qua việc chỉ số MSCI cho thị trường mới nổi (EM) hoạt động giống nhau, bất kể có bao gồm Trung Quốc hay không. Trong ba năm qua, hai chỉ số này đã tách rời. Giờ đây, các thị trường mới nổi dường như phụ thuộc vào các sự kiện ở Mỹ nhiều hơn là ở Trung Quốc:
Điều này không có nghĩa là nhà đầu tư không nên đầu tư vào bất kỳ thị trường nào, mà nó chỉ ra rằng việc nhóm các quốc gia khác nhau từ Mỹ Latin, Đông Âu, và Châu Phi cận Sahara,.. vì họ đang ở cùng một giai đoạn phát triển là không còn phù hợp. Việc từ bỏ EM có thể dẫn đến các khoản đầu tư được cân nhắc và nhắm mục tiêu tốt hơn, không bị ảnh hưởng bởi các dòng vốn bất thường. Ví dụ, nếu dòng vốn lớn chảy vào các quỹ EM vì nhà đầu tư yêu thích thị trường Ấn Độ, thì nó cũng sẽ ảnh hưởng đến các thị trường nhỏ và thanh khoản kém như Colombia, gây ra biến động giá không liên quan đến các sự kiện tại đó.
Hơn nữa, John Paul Smith, một chuyên gia phân tích kỳ cựu về thị trường mới nổi, lập luận rằng các quốc gia EM không nên được nhóm lại với nhau tại bất kỳ thời điểm nào.
Smith chỉ ra rằng kể từ khi chỉ số MSCI bắt đầu hoạt động vào năm 1988, chỉ có Israel và Bồ Đào Nha thực hiện quá trình chuyển đổi bền vững từ thị trường mới nổi sang thị trường phát triển. Ông cho biết, sau cơ hội ngắn ngủi cho các cải cách thị trường sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản và tiếp đó là các cuộc khủng hoảng những năm 1990, "các chính phủ ở các thị trường mới nổi quan trọng đã chuyển sang các chế độ quản lý do nhà nước điều hành, mang tính độc đoán và gần đây nhất là chính sách tự cung tự cấp, với Hàn Quốc và Đài Loan là những ngoại lệ đáng chú ý".
Bên cạnh cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhà đầu tư nên xem xét tất cả các lĩnh vực và công ty ở phần còn lại của thế giới một cách công bằng. Các thị trường mới nổi không còn phụ thuộc vào Trung Quốc nữa, và các cơ hội mà họ mang lại xứng đáng được xem xét như các công ty ở thị trường phát triển.
Quyết định chính sách đáng chú ý của FOMC
Trong vòng vài giờ nữa, FOMC dự kiến sẽ công bố quyết định cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm, trong bối cảnh thị trường không chắc chắn về quy mô của động thái này nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong hơn một thập kỷ qua.
Dưới đây là một số bằng chứng cho thấy thị trường thực sự kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 50bps (thay vì 25bps). Cuộc khảo sát mới nhất của BofA với các nhà quản lý quỹ trên toàn cầu cho thấy nhiều người tin rằng chính sách tiền tệ toàn cầu đang quá thắt chặt hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ cuộc khủng hoảng tháng 10 năm 2008:
Họ nghĩ như vậy vì những lo ngại về suy thoái kinh tế ở Hoa Kỳ đang gia tăng. Trong bối cảnh thế giới bị chia rẽ bởi các rạn nứt địa chính trị, suy thoái kinh tế ở Hoa Kỳ hiện được coi là rủi ro lớn nhất đối với thị trường. Mối đe dọa về lạm phát gia tăng được đề cập bởi gần 50% số người tham gia khảo sát - điều này cho thấy rõ ràng là họ cho rằng tình hình hiện tại đòi hỏi phải cắt giảm lãi suất nhiều hơn:
Mặc dù vậy, niềm tin rằng nền kinh tế toàn cầu đang hướng đến một cuộc hạ cánh mềm hiện ở mức cao nhất kể từ khi BofA bắt đầu đặt câu hỏi này vào tháng 5 năm ngoái. 79% số người tham gia dự đoán điều nền kinh tế sẽ hạ cánh mềm, trong khi 7% dự đoán nền kinh tế không có sự chững lại (không hạ cánh) và 11% kỳ vọng một cuộc hạ cánh cứng:
Nếu kịch bản "hạ cánh mềm" hiện nay trở nên khả thi, ngay cả khi các rủi ro về suy thoái đang được nhìn nhận là đang gia tăng và chính sách tiền tệ bị cho là quá thắt chặt, điều này cho thấy: thị trường tin chắc rằng Fed sẽ cắt giảm mạnh, hoặc quan điểm của các nhà quản lý quỹ là mâu thuẫn và khó có thể thành hiện thực.
Đối với quyết định sắp tới, đây là một cách khác để đánh giá vấn đề. Sự khác biệt quan trọng nằm ở tốc độ và mức độ thay đổi. Liệu lãi suất của Hoa Kỳ có cần phải duy trì ở mức cao như vậy khi lạm phát được kiểm soát không? Không, điều đó là cần thiết; vì vậy, một đợt cắt giảm 50bps có thể hợp lý. Liệu lãi suất có thực sự cần phải được cắt giảm nhanh chóng khi nền kinh tế vẫn chưa gặp vấn đề gì lớn? Câu trả lời cũng là không. Nếu tập trung vào mức độ cắt giảm, bạn có thể đi đến kết luận rằng cần một đợt cắt giảm lớn hơn; nhưng nếu tập trung vào tốc độ cắt giảm (như cách các nhà kinh tế học thường làm), bạn chỉ có thể biện minh cho một lần cắt giảm nhỏ hơn.
Bloomberg