Short JPY không còn là lựa chọn hàng đầu của các trader
Đoàn Thu Hà
Junior Analyst
Lợi nhuận "khổng lồ" từ việc giao dịch với đồng Yên giờ chỉ còn là dĩ vãng
Ba luận điểm chính để short JPY (chênh lệch lãi suất Mỹ - Nhật ngày càng mở rộng, giá dầu tăng cao và việc mất vị thế trú ẩn của đồng tiền) đang bị bẻ gãy khi lo ngại suy thoái gia tăng đã giới hạn lợi suất, gây áp lực lên giá dầu thô và đưa các nhà đầu tư quay về các tài sản trú ẩn truyền thống. USD/JPY đang giảm sau khi tăng 38% từ mức đáy tháng 3/2020 đến giữa 7/2022.
Rodrigo Catril, chiến lược gia tại Ngân hàng quốc gia Úc nói rằng: "Short JPY đã không còn là thượng sách, chúng ta đã đi qua đỉnh của USD/JPY".
Các chiến lược gia nhận thấy USD/JPY sẽ đạt 130 vào quý I năm 2023, tương phản với các lập luận cho rằng giá thậm chí sẽ vượt 140 trước khi đạt đỉnh vào giữa tháng 7.
Các doanh nghiệp, người tiêu dùng, chính trị gia Nhật Bản đang chờ đợi thời điểm tới, khi chi phí nhập khẩu cao kìm hãm sự phục hồi sau đại dịch sẽ kết thúc. Điều này sẽ chứng minh cho lập trường ôn hoà của Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda và gây áp lực lên các quỹ phòng hộ với chiến lược short JPY.
Trái phiếu Kho bạc
Có lẽ tác nhân chính khiến JPY suy yếu là đà giảm của lợi suất TPCP Mỹ.
Đồng JPY có mối tương quan chặt chẽ với TPCP Mỹ, ngay cả khi BoJ giữ lãi suất ở mức sàn thì việc Fed tăng mạnh lãi suất cũng gây ảnh hưởng tương đối đến sức hấp dẫn của các tài sản Nhật Bản. Lợi suất trái phiếu Kho bạc tới nay đã giảm sau khi các trader đánh giá lại lo ngại suy thoái tại Mỹ.
Yukio Ishizuki, chuyên gia tiền tệ của Daiwa cho biết: "Phân kỳ chính sách giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ dường như đã phản ánh hết vào giá. Lượng short JPY có vẻ đã đạt đỉnh".
Lợi suất trái phiếu Kho bạc đã giảm hơn 60 bps xuống 2.83% vào thứ Sáu. Đồng JPY đã tăng hơn 3% từ mức đáy lên gần 135.
Chiến lược gia tại Rabobank, Jane Foley nhận định: "Nếu lợi suất Mỹ có xu hướng thấp hơn, thì cặp tiền tệ khó mà tăng cao hơn. USD/JPY sẽ giao dịch ở mức 130 trong vài tháng tới".
Áp lực nguồn năng lượng
Nhật Bản - nước nhập khẩu ròng dầu, đã quay cuồng vào đầu năm khi HĐTL dầu Brent tăng vọt lên 140 USD/thùng. Với giá hiện tại ở dưới mức 100 USD/ thùng, chi phí nhập khẩu đã giảm bớt.
Yuki Masujima từ Bloomberg Economics dự kiến thâm hụt thương mại của Nhật Bản sẽ được thu hẹp vào tháng 7 và chi phí nhập khẩu của quốc gia này sẽ tăng chậm hơn nhờ giá hàng hoá rẻ.
Catril cho biết: "Cú sốc năng lượng thương mại đang giảm bớt, đặc biệt khi nhìn vào giá dầu. Trong khi giá xăng và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng đột biến sẽ là những rủi ro cần theo dõi thì USD/JPY cần duy trì quanh mức hiện tại trước khi hạ xuống 130".
Sự trở lại của tài sản trú ẩn
Đồng JPY đang hồi sinh ngoạn mục.
JPY tăng 1.3% vào thứ Hai tuần trước khi các trader biết tin Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có chuyến ghé thăm Đài Loan, làm dấy lên lo ngại bị Trung Quốc trả đũa. Đồng JPY đã tăng hơn 4% trong 3 tuần qua khi lo ngại về cuộc suy thoái toàn cầu ngày càng lớn.
David Forrester, chuyên gia Forex tại Credit Agricole nói: "Đồng JPY dường như đã tìm lại được vị thế tài sản trú ẩn an toàn của nó. Dữ liệu kinh tế Mỹ yếu hơn dự kiến đã hạn chế việc đặt cược tăng lãi suất của Fed, làm giảm sự hấp dẫn của đồng USD, khẳng định vị thế đồng JPY".
Các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy đã giảm mức đặt cược bằng đồng JPY xuống mức thấp nhất kể từ 3/2021, theo dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai.
Vẫn còn nhiều lo ngại
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều dừng short JPY.
Kỳ vọng của thị trường ôn hoà đối với lãi suất dài hạn của Fed dường như trái ngược với một Fed hawkish; dữ liệu thị trường việc làm mạnh hơn dự kiến đã khiến lợi suất trái phiếu Kho bạc tăng cao - một lời nhắc nhở rằng áp lực đối với trái phiếu chưa hoàn toàn nhẹ đi.
Trong khi một số chuyên gia nhận thấy đồng JPY sẽ tăng giá trong dài hạn, chiến lược gia Isabella Rosenberg cho rằng "áp lực giảm giá có khả năng xảy ra" khi BoJ kiên định với chính sách YCC của mình dưới thời Kuroda.
Các chuyên gia khác bao gồm Masafumi Yamamoto của Công ty chứng khoán Mizuho cho biết rủi ro địa chính trị không hẳn sẽ thúc đẩy cầu vào JPY để trú ẩn, đặc biệt cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản bị tấn công.
"Nếu căng thẳng leo thang, đó là lúc để short JPY, chứ không phải để trú ẩn".
Nhưng điều đó không khiến chiến lược gia Foley lung lay, khi cho rằng điều tồi tệ nhất đang chờ đồng JPY khi những lo ngại xung quanh chính sách tiền tệ giảm bớt.
Bà nói: "Nếu lợi suất TPCP Mỹ không tăng mạnh mẽ, thì USD/JPY khó mà vượt ngưỡng 140".
Investing