"Sóng gió" cho cơn sốt bán khống đồng Yên khi USDJPY giảm đáng kể
Thái Linh
Junior Editor
Sự phục hồi mạnh mẽ của đồng Yên trong những ngày gần đây dường như đã đẩy đồng tiền này thoát khỏi tình thế khó khăn, khiến nhiều chiến lược gia nhận thấy USDJPY có thể giảm hơn nữa.
USDJPY đã giảm xuống mức 156 vào thứ 5 lần đầu tiên kể từ tháng 6, giảm khoảng 4% kể từ khi có nghi ngờ về sự can thiệp của Nhật Bản vào tuần trước đã hỗ trợ đồng Yên.
Sự phục hồi của đồng Yên đang đe dọa làn sóng bán khống đồng bạc này, vốn rất phổ biến trong vài năm nay, khi các nhà đầu tư tin chắc rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Kỳ vọng rằng lãi suất sẽ tăng cao hơn ở Nhật Bản trong những tháng tới đang thúc đẩy động thái này, cùng với những bình luận chỉ trích tỷ giá hối đoái của ông Donald Trump và một nhân vật chính trị nặng ký ở Tokyo.
Jun Kato, nhà phân tích thị trường tại Shinkin Asset Management, với tổng tài sản quản lý là 1.23 nghìn tỷ Yên (79 tỷ USD), cho biết: “Sự suy yếu của đồng Yên đã qua. Với lạm phát ở Mỹ chậm lại, thị trường lao động hạ nhiệt và suy thoái kinh tế, chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ đang thu hẹp đáng kể.”
USDJPY thoát khỏi xu hướng tăng trong năm nay
Ông Trump cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Businessweek rằng Mỹ đang gặp “vấn đề lớn về tiền tệ” do sự suy yếu của đồng Yên và đồng Nhân dân tệ. Điều đó làm tăng khả năng ông có thể làm suy yếu USD nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay.
Trong khi đó, Kono Taro, một nhà lập pháp của đảng cầm quyền ở Nhật Bản, người từ lâu đã nói rằng ông đặt mục tiêu trở thành thủ tướng, đã nhấn mạnh trên đài truyền hình Bloomberg trong tuần này về những vấn đề do đồng Yên sụt giảm mạnh. Ông Kono cho biết mặc dù đồng Yên suy yếu có thể giúp thúc đẩy xuất khẩu nhưng lợi ích mang lại cho đất nước hiện bị hạn chế do nhiều công ty Nhật Bản có cơ sở sản xuất ở nước ngoài.
Sự phục hồi cũng có thể phần nào xoa dịu những lo ngại trước mắt của chính quyền Nhật Bản rằng họ sẽ phải tiếp tục hỗ trợ đồng tiền.
Ước tính của Bloomberg chỉ ra rằng Nhật Bản đã chi khoảng 3.5 nghìn tỷ Yên vào thứ 5 tuần trước để hỗ trợ đồng tiền này và thêm 2.1 nghìn tỷ Yên vào ngày hôm sau. Điều này xảy ra sau sự can thiệp mạnh mẽ vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5.
Nhật Bản bị nghi ngờ cố gắng đảo ngược tình thế bằng biện pháp can thiệp tỷ giá để hỗ trợ đồng Yên
Tuy nhiên, các nhà giao dịch vẫn phải vượt qua một chặng đường khó khăn với cuộc bầu cử ở Mỹ và rủi ro chênh lệch lãi suất vẫn đang tiềm ẩn. Không phải ai cũng cho rằng đồng Yên từ giờ sẽ mạnh hơn.
Yujiro Goto, bộ phận chiến lược tiền tệ tại Nomura Securities, cho biết: “Liệu tình thế có thay đổi trên thị trường đồng Yên hay không, câu trả lời là có trong khoảng thời gian vài tháng tới, nhưng về lâu dài, vẫn còn quá sớm để đánh giá. Còn quá sớm để cho rằng xu hướng đã đảo chiều chỉ dựa trên những diễn biến hiện tại.”
USDJPY đã giảm xuống mức 155.38 vào thứ 5 trước khi gần như đi ngang ở mức 156.29 tại Tokyo lúc 09:16 sáng theo giờ Việt Nam. Điều đó khiến USDJPY trở thành cặp tỷ giá yếu nhất trong nhóm G10, với mức tăng khoảng 10% trong năm nay so với những năm 1980.
Bloomberg